Lao xao tâm sự mặt hồ

(Baonghean) - Cứ mỗi lần quẹo xe từ phố Nguyễn Thị Minh Khai sang phố Lê Lợi tôi đều không nén được nỗi bồi hồi, xao xuyến. Lòng chợt dâng lên cảm xúc nhớ mẹ khôn cùng. Dường như lẩn khuất đâu đó bên góc phố ồn ã có dáng hình người mẹ lóc cóc đạp xe với một bên bi - đan chỉ còn mỗi chiếc cùi sắt nhọn hoắt. Ngồi đằng sau xe là cậu bé lên 7 có mái tóc xoăn chạm xuống tận vai áo. Người mẹ dựng xe bên hè rồi dắt cậu con trai len qua những hàng cây để vào căn nhà nổi trên hồ Thủy Tạ.

Một góc hồ Thủy Tạ (TP. Vinh) bây giờ.
Một góc hồ Thủy Tạ (TP. Vinh) bây giờ.

Ở đó có món kem mát lạnh ngon nhất thành phố. Không! Với cậu nhỏ là ngon nhất thế giới. Với hàm răng sữa đã sún mất mấy chiếc, cậu trai chẳng dám cắn mạnh vào que kem lạnh buốt, cậu chỉ từ từ mút. Ôi chao là những hương thơm, vị ngọt. Cậu trai nhắm tít mắt vì sợ cái ngon ngọt tuyệt vời ấy tan biến đi. Trong khi đó, người mẹ ngồi nghiêng trên ghế một tay chấm mồ hôi, tay kia phe phẩy chiếc nón lá về phía đứa con. Thi thoảng hai mẹ con lại nhìn nhau với nụ cười tỏa sáng.

Vậy là cũng đã 30 năm có lẻ từ cái mùa hè xưa ấy. Người mẹ phúc hậu năm nào giờ đã thành thiên cổ. Cậu trai dạo nọ nay đã là người trụ cột của một gia đình nhỏ với vợ và những đứa con.Thời gian thấm thoắt thoi đưa, góc phố có cửa hàng nổi trên hồ Thủy Tạ giờ cũng đã đổi thay. Nhưng hẳn trong ký ức của nhiều người dân thành Vinh vẫn còn vẹn nguyên về một nơi lưu giữ những chiều hè tuổi thơ.

Tôi không biết hồ Thủy Tạ ở thành phố Vinh có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi lớn lên đã thấy hồ nước xanh văn vắt ấy. Có lúc tôi đã nghĩ rằng, hồ Thủy Tạ được hình thành bởi hàng loạt bom dội xuống thành phố trong những năm tháng cả miền Bắc gồng mình chống các cuộc bắn phá leo thang của đế quốc Mỹ. Mặc cho những hồ nghi về sự hình thành của một hồ nước nằm giữa trung tâm thành phố, thế hệ chúng tôi chỉ biết rằng hồ Thủy Tạ là một trong những điểm đến, “thắng cảnh” bậc nhất của Vinh những năm sau năm 1975. Trên chính hồ nước này người ta đã cho xây dựng một nhà hàng nổi phục vụ nhu cầu giải khát của nhân dân.

Thuở ấy, trong ký ức của tôi phố ấy đẹp lắm. Hồ Thủy Tạ nằm ngay chỗ vuông góc của khúc cua từ phố Nguyễn Thị Minh Khai sang phố Lê Lợi. Phía bên kia đường Nguyễn Thị Minh Khai lại có Công viên cây xanh Cửa Bắc mà lũ trẻ chúng tôi vẫn thường gọi là vườn “vòi phun” bởi ở đó có những lùm cây xanh mát lại có hệ thống phun nước giữa hòn non bộ. Còn đối diện hồ Thủy Tạ về hướng Tây, cũng bám mặt đường Lê Lợi là bến xe khách của thành phố.

Nơi lúc nào cũng đông đúc, ồn ào bởi lũ lượt người tứ xứ đổ về xếp hàng mua vé để ra Bắc, vào Nam. Duy chỉ có hồ Thủy Tạ, nơi có nhà nổi là thích thú hơn cả. Đó có cửa hàng mậu dịch do nhà nước quản lý phục vụ nhu cầu giải khát của mọi người. Những năm tháng ấy, khi chế độ bao cấp vẫn còn trong đời sống hàng ngày, người dân mua lương thực, thực phẩm vẫn phải rồng rắn xếp hàng và dùng bằng tem phiếu thì  tại cửa hàng mậu dịch Cửa Bắc ở hồ Thủy Tạ người ta đã có thể mua kem, nước giải khát bằng tiền mặt. 

Trong cửa hàng được sơn màu xanh da trời vươn ra giữa hồ nước, những cô mậu dịch viên với tấm tạp dề trên ngực chạy đi chạy lại, bê tới bê lui. Trên chiếc khay là những que kem bốc khói thu hút những cặp mắt thèm thuồng. Trong không gian của căn nhà nổi rộn lên tiếng cười nói hồn nhiên của lũ trẻ thi thoảng lại chen vào âm thanh những chiếc xe honda chở các cặp đôi đỗ lại bên bờ hồ. Những chàng thanh niên để tóc dài chấm vai, khuôn mặt của ai cũng hóp vào nên trông hơi dài. Các cô gái thì e lệ với tà áo hoa may chẽn bằng chất liệu vải va-de-lin, mái tóc thì được uốn thành từng lọn mà thuở ấy chúng tôi vẫn gọi là đầu “phi - dê”. Họ là “dân chơi” thuộc giới “thượng lưu” lúc bấy giờ. Dẫu vậy, hồ Thủy Tạ vẫn là điểm đến lý thú, hấp dẫn không thể bỏ qua với bất cứ ai. 

Hồ Thủy Tạ đang được cải tạo để tạo cảnh quan cho tòa nhà chung cư cao cấp.
Hồ Thủy Tạ đang được cải tạo để tạo cảnh quan cho tòa nhà chung cư cao cấp.

Thời điểm này tại hồ Thủy Tạ người ta đang cho xây dựng một tòa nhà chung cư cao cấp. Đoạn vỉa hè trên đường Lê Lợi sát bên hồ được tôn tạo vôn-va, lát đá hoa cương và trồng những cây săng lẻ cao lớn. Ngay giữa lòng hồ, người ta còn dựng lên đài phun nước. Tất cả nhằm mục đích là tạo cảnh quan cho tòa chung cư tại vị trí đắc địa của thành phố. Rồi đây chẳng biết hình hài công trình ấy sẽ thật sự ra sao nhưng chắc hẳn không khiến người ta yêu thích như năm nào. Thời gian trôi đi, những đứa trẻ được sinh ra sau chiến tranh cũng đã lớn lên.

Hồ Thủy Tạ nức tiếng một thời nay chỉ còn là một hồ nước nhỏ bị bủa vây với vô số rác thải ô nhiễm từ các khu dân cư trong vùng. Cửa hàng mậu dịch cũng biến mất từ lâu. Thay vào đó là nhà cửa, quán hàng dày đặc mọc lên. Trên vỉa hè đường Lê Lợi, sát với hồ Thủy Tạ là nơi người vãng lai đợi xe khách,  xe buýt, là chỗ trú chân của các bác xe ôm, là nơi mưu sinh của mấy quán hàng bán đồ ăn sáng, ăn đêm. Đôi khi lối vỉa hè ấy còn được phen huyên náo bởi mấy người lao động tự do túm lại sát phạt nhau bằng bài lá hoặc cờ thế. Khi người ta bắt đầu quen với những hình ảnh rắc rối, lộn xộn ấy cũng là lúc họ dần quên hồ Thủy Tạ, thế hệ trẻ lại càng không biết về điểm giải trí nổi danh một thời. 

Tôi đã đi qua biết bao mùa hè rát bỏng, không thể nhớ hết những của ngon vật lạ khắp Bắc - Trung - Nam mà mình đã được thưởng thức. Trong đó có cả những que kem có giá bằng cả yến thóc. Vậy nhưng, chẳng hiểu sao không mùi vị nào sánh được cây kem của 30 năm trước. Và mỗi lần trở về góc phố ấy, tôi như thấy ánh mắt trìu mến của mẹ, cảm nhận làn gió mát từ chiếc nón trên tay người vỗ về năm tháng tuổi thơ tôi. 

Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới