Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất

Những người đại diện cho dân cần nói đúng tiếng nói của dân, cần thể hiện sự trung thực, công tâm, khách quan bằng lá phiếu của mình.

Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 22/10 sẽ dành một ngày để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu. Sau Kỳ họp, tại Hội nghị lần thứ 9, Trung ương Khóa 12 cũng lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Việc “chấm điểm” giữa nhiệm kỳ với các thành viên là dịp để thấy sự tín nhiệm ấy được thể hiện như thế nào? Trách nhiệm của từng người giữ chức vụ trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội ra sao? Có những vấn đề gì đặt ra về cơ chế giám sát, thực hiện giám sát để việc lấy phiếu tín nhiệm luôn là khách quan, là thực chất.

Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất ảnh 1
Làm thế nào để việc "chấm điểm" cán bộ trở nên thực chất

Lâu nay, có nhiều câu chuyện khiến người dân ít đặt niềm tin vào việc lấy phiếu bầu hay phiếu tín nhiệm. Chẳng phải các ông Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng đã từng có tỷ lệ phiếu tín nhiệm khá cao đó sao?

Trịnh Xuân Thanh cũng đã từng đạt hơn 75% phiếu bầu trúng cử đại biểu Quốc hội đó sao?

Chẳng phải có người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị hôm trước được khen thưởng, hôm sau bị kỷ luật mà trước đó, lấy phiếu tín nhiệm lại chiếm tỷ lệ cao, không ai bằng đó sao?

Lại có những trường hợp xét theo năng lực cá nhân, xét tình hình nội bộ có thể thấy trước tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp như thế nào, nhưng khi công bố, khi cất nhắc, sắp đặt, người được lấy phiếu tín nhiệm vào ghế lãnh đạo thì con số ấy khác xa thực tế mà chính người trực tiếp đặt bút tích vào phiếu cũng không hiểu được vì sao lại thế.

Đó là một thực tế và đáng buồn, nó còn ở nhiều nơi, nhiều cấp. Thậm chí dù không công khai nhưng hiện tượng chạy phiếu tín nhiệm là có.

Vì đâu xảy ra thực trạng này?

Điều dễ nhận thấy là dường như một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu vắng tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình. Họ bàng quang với mọi sự, mũ ni che tai, dễ dàng bỏ qua những khuyết điểm, hạn chế của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Một bộ phận khác thì cố tình né tránh, xu nịnh lãnh đạo với những mối quan hệ theo kiểu lợi ích.

Thế thì làm sao mong có được lá phiếu thực sự khách quan?

Rồi nữa, chuyện lợi dụng quyền lực, coi chức vụ quyền hạn là cái vỏ bọc để thực hiện hành vi sai trái cũng đã được nói tới từ lâu nhưng chưa phải đã kiểm soát được nó.

Bởi vậy, một số người dù không đủ tư cách nhưng lại dùng quyền hành của người đứng đầu gây áp lực với người dưới quyền, với cấp ủy, tổ chức đảng.

Như vậy thì làm sao nói rằng, phiếu tín nhiệm đã thực sự dân chủ!

Việc giám sát của các tổ chức, đoàn thể, người dân đối với người có chức vụ, quyền hạn tưởng như rất rõ ràng và dễ thực hiện nhưng quy định, yêu cầu là một chuyện. Còn thực tế lại là câu chuyện khác.

Và câu hỏi, cơ chế nào, làm thế nào để các tổ chức, đoàn thể, người dân giám sát được quyền lực và người có quyền lực, thì cho đến giờ vẫn là một câu hỏi khó.

Khi quyền lực không được giám sát, khi người có hành vi sai trái, có dư luận nọ, kia vẫn thăng quan, tiến chức, khi việc lấy phiếu tín nhiệm mà không lấy hiệu quả làm thước đo, khi người có chức vụ, quyền hạn cho phép mình đứng trên tất cả, kể cả luật pháp thì phiếu tín nhiệm cũng chả có ý nghĩa bao nhiêu.

Chính bởi vậy, khi hỏi rằng "đã thực sự khách quan, minh bạch khi lấy phiếu tín nhiệm hay chưa? Người dân đã thực sự tin tưởng vào sự thực chất của phiếu bầu, phiếu tín nhiệm với các chức vụ hay chưa?" thì câu trả lời sẽ thẳng thắn rằng: chưa?

Chính bởi vậy, sau những cuộc lấy phiếu tín nhiệm, chỉ có người liêm sỉ mới chuyển động. Và cũng chính bởi vậy, người dân mong mỏi rằng, những người đại diện cho dân cần nói đúng tiếng nói của dân, cần thể hiện sự trung thực, công tâm, khách quan bằng lá phiếu của mình.

Có như vậy, người được “chấm điểm” mới thấy rõ trách nhiệm để sửa mình, để nêu gương, để phấn đấu. Và có như vậy, người dân mới tin rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu mới là thực chất./.

Tin mới