Lễ đúc súng thần công kính dâng Hoàng đế Quang Trung

(Baonghean) - Dịp kỷ niệm 225 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung năm nay, Đền thờ vua Quang Trung (núi Dũng Quyết, TP. Vinh) phối hợp Hội DSVH Thanh Hóa tổ chức nghi lễ đúc súng thần công bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Điểm du lịch văn hóa tâm linh

Nằm trọn trong rừng thông thơ mộng với độ cao 97 m so với mực nước biển, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tọa lạc ở núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP. Vinh là địa điểm không thể thiếu trong sổ tay du lịch tâm linh của du khách khi về với Nghệ An. Đây còn là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ thăm quan, học tập tìm hiểu về trang sử vẻ vang nhất của lịch sử nước nhà…

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (núi Dũng Quyết TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (núi Dũng Quyết, TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh

Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế, cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam. Vào khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm 1 cổng lớn và 2 cổng nhỏ đối xứng hai bên; cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài, ở cổng chính hai bên có 2 thần hộ pháp canh giữ đền.

Tiếp đó là tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá Thanh Hóa có chạm khắc hoa văn. Sau bình phong là 2 nhà bia ngoảnh mặt vào nhau, song song với trục chính đạo, nhà bia phía bên tay trái gồm 1 trống lớn và bia khắc công trạng Hoàng đế Quang Trung ghi lại những mốc son chói lọi trong sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế.

Nhà bia phía bên tay phải gồm 1 chuông lớn và bia khắc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung với lòng tự hào dân tộc. Nối tiếp là nhà tả vu và hữu vu gồm 3 gian, 2 chái làm bằng gỗ lim. Nhà hữu vu là nhà đón tiếp đại biểu và các đoàn khách về viếng thăm. Nhà tả vu là phòng trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan cuộc đời hoạt động của Hoàng đế Quang Trung và Triều đại Tây Sơn. Giữa hai nhà là khoảng sân rộng 1.500m2 với vườn cây đại, bồ đề và các chậu cây cảnh hòa chung vào không gian của rừng thông thơ mộng.

Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. 

Đáng chú ý ở nhà hạ điện là bức đại tự bằng chữ Hán, phiên âm “Nghệ dục Bình sinh” (dịch nghĩa: Nghệ An là quê cha đất tổ, Bình Định là nơi sinh ra và lớn lên). Nhà Trung điện có diện tích nhỏ hơn, 160m2 với 3 gian thờ, gian giữa thờ các quan lại tướng sỹ thời Tây Sơn nói chung, hai bên tả hữu thờ các văn thần và võ tướng tiêu biểu của Triều Tây Sơn.

Nhà trung điện cũng treo 3 bức đại tự lớn bằng chữ Hán, bức ở giữa “Vạn cổ anh phong” nghĩa là: “Sự nghiệp anh hùng lưu danh muôn thuở”, bức bên trái “Địa linh nhân kiệt” nghĩa là: “Đất linh thiêng sinh ra anh hùng hào kiệt”, bức bên phải “Nhất nhung đại định” nghĩa là: “Đánh một trận lớn mà bình định được cả thiên hạ”.

Thượng điện là nơi đặt bàn thờ của Hoàng đế Quang Trung cùng vương phụ Hồ Phi Phúc và Vương mẫu Nguyễn Thị Đồng. Tượng Hoàng đế Quang Trung dáng ngồi, đúc bằng đồng cao 1,5m được đặt uy nghi chính giữa hậu cung. 

Ngoài việc hưởng thụ những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, du khách còn có dịp thưởng thức hương vị đặc biệt “đặc sản chè vằng” được Ban Quản lý thu hái từ cây chè vằng tự nhiên trên núi Dũng Quyết nơi đền thờ tọa lạc.

Tưởng nhớ công ơn Hoàng đế Quang Trung

Hàng năm Đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch - ngày mất của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Đặc biệt vào dịp kỷ niệm 225 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung năm nay, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung phối hợp với Hội DSVH Thanh Hóa tổ chức nghi lễ đúc súng thần công bằng phương pháp thủ công truyền thống - Đây là sự kiện lần đầu tiên diễn ra tại đền thờ Vua Quang Trung.

Súng thần công. (Nhà đền cung cấp)
Súng thần công. (Nhà đền cung cấp)

Xác định đây là 1 trong những hoạt động quan trọng của Đền Vua Quang Trung, để chuẩn bị chu đáo cho Lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất của Ngài, năm nay Ban Tổ chức lên kế hoạch trước đó hàng tháng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và du khách được biết.

Ông Vũ Hồng Đức - Trưởng ban Quản lý đền Quang Trung cho biết: Để tưởng nhớ và biết ơn người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ đã có công chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị văn hóa tâm linh đối với Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, gắn với các hoạt động nhằm phát triển dịch vụ, du lịch; đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa và tình cảm của nhân dân đối với Hoàng đế Quang Trung. 

Lễ giỗ Hoàng Đế Quang Trung

Bắt đầu từ 7h00’, ngày 19/9/2017, tức ngày 29/7 âm lịch

Địa điểm: Tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung

- Từ 6h00’ - 6h30’: Lễ tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung và các anh hùng nghĩa sỹ nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng quê hương đất nước giành độc lập cho dân tộc.

- Từ 6h30’ - 6h45’: Dâng hoa, tiến cỗ 

- Từ 6h45’ - 7h30’: Lễ tế 

- Từ 7h30’ - 8h00’: Biểu diễn võ thuật và hát văn ca ngợi Hoàng đế Quang Trung.

- Từ 8h’00’ - 8h05’: Khai mạc giới thiệu đại biểu 

- Từ 8h05’ - 8h15’: Đọc diễn văn buổi lễ

- Từ 8h15’ - 8h35’: Các đoàn đại biểu dâng hương

- Từ 8h35’ - 10h30’:  Nghi lễ đúc súng thần công bằng phương pháp thủ công truyền thống

- Từ 21h30’ - 22h00’: Lễ tạ

Lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung năm nay có các hoạt động như: Lễ tưởng niệm Ngài và các anh hùng nghĩa sỹ nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh cho dân tộc; Dâng hoa, tiến cỗ; Lễ tế; Biểu diễn võ thuật và hát văn ca ngợi Hoàng đế Quang Trung; và tổ chức nghi lễ đúc súng thần công bằng phương pháp thủ công truyền thống tạo không khí thiêng liêng, hướng về cội nguồn, thực hiện đúng quy trình và hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Được biết, súng thần công là vũ khí hiện đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà đích thân Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly chế tạo thành công. Việc tổ chức đúc súng thần công tại Lễ giỗ Hoàng đế Vua Quang Trung nhằm giúp nhân dân ôn lại những chiến công hiển hách của một thời của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn gắn với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Súng thần công sẽ được dâng lên Hoàng đế Quang Trung nhân kỷ niệm 225 năm ngày giỗ của Ngài.

Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới