Lễ hội Đền Chín gian: 'Mở đường phát triển du lịch Quế Phong'

(Baonghean) - Việc tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian đã làm sống lại những truyền thống, sản vật văn hoá đặc sắc của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ

Suối nguồn huyền thoại

Trong kho tàng truyện cổ của người Thái vùng đất Phủ Quỳ còn lưu truyền truyền thuyết dựng mường, lập bản: Xưa kia, Tạo Mường ở Luông Phả Bàng (cố đô Luang Prabang - Lào) sinh được 2 người con trai tài giỏi, anh là Ló Ỳ, em là Ló Ai. Biết ý định cha nhường ngôi cho anh trai, Ló Ai đã giết chết anh mình, thả xác xuống dòng sông Mã. Lò Ỳ trôi theo dòng nước, xuống hạ nguồn, kẹt lại ở một khúc sông hẹp. Ló Ỳ được quạ trắng thương tình cho viên thuốc tiên cứu chữa. Ló Ỳ sống lại, tìm vào vùng gần đó xin cơm.

Nơi vùng Ló Ỳ tìm đến không người cai quản, thường xuyên loạn lạc. Nhân dân trong vùng thấy Ló Ỳ khỏe mạnh, xuất thân cao quý nên đã tôn lên làm Tạo. Dưới sự dẫn dắt của Ló Ỳ vùng đất ngày càng phát triển. Nhớ ơn quạ cứu, vùng đất Ló Ỳ cai quản được đặt tên là Mường Cả Giả (nay là xã Hội Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá).

Nghi lễ chém trâu tượng trưng tại lễ hội hội đền Chín Gian năm 2017. Ảnh: HP
Nghi lễ chém trâu tượng trưng tại lễ hội hội đền Chín Gian năm 2016. Ảnh: HP

Cai quản vài năm, Ló Ỳ đã trao quyền cho người khác để trở về quê cũ. Ló Ỳ đã lạc đường sang vùng đất khác. Nơi đây, người Thái quần tụ song cũng chưa có người cai quản nên chưa thành bản, thành mường. Thể theo yêu cầu của người dân, Ló Ỳ đã ở lại cai quản, giúp dân lập bản, dựng mường. Đất lành chim đậu, người dân dồn về đây sinh sống thêm nhiều. Tạo Ló Ỳ  tổ chức cho người dân khai phá lập thêm các mường mới. Vùng đất đầu tiên do Tạo Ló Ỳ cai quản gọi là Mường Tôn.

Các mường lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng. 9 mường ngày càng phồn thịnh song hàng năm thiên tai lũ lụt vẫn thường gây khó khăn. Dân các mường đã xin Tạo cho dựng một ngôi đền ở Mường Tôn, lấy chỗ cúng trâu cho Trời, cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng no ấm. Tến Xớ Quái - Tến Cau Hong (đền Hiến Trâu – Đền Chín Gian) đã được dựng trên đỉnh Pú Chò Nhàng, phía Tây Bắc Mường Tôn vào thế kỷ XIV.

Lễ hội Đền Chín Gian là một lễ hội cổ xưa với hơn 700 năm lịch sử. Lễ hội lưu giữ đầy đủ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Thái huyện Quế Phong nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá ở địa phương; còn góp phần làm giàu về mặt vật chất, cổ vũ về mặt tinh thần cho người dân, tạo không khí phấn khởi tác động vào sản xuất. Ngày 12/3/2017, Lễ hội Đền Chín Gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức 3 năm một lần vào tháng 8 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân 9 bản 10 mường vùng Phủ Quỳ cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. 


Năm nọ, vào kỳ lễ hội, đến phần hành lễ hiến trâu cho các vị thần linh, trong lúc tắm trâu ở sông Nậm Giải, bỗng trời kéo mây đen gió lớn, một con rồng đến cuốn mất trâu trắng của Mường Tôn. Tạo Mường cho là điềm xấu, liền cho dân chúng làm lễ khấn xin trời, tổ tiên cho dựng ngôi đền ở địa điểm khác. Một con quạ cổ khoang trắng đến gắp lấy miếng xương trâu ở đền bay về thả xuống ngọn đồi nhỏ Pú Pỏm ở phía Nam Mường Tôn. Thuận ý trời, năm 1927, tri phủ Quỳ Châu Sầm Văn Hiên cho nhân dân các mường khai thác gỗ, huy động thợ giỏi lên đỉnh Pú Pỏm dựng đền mới. 

Hàng năm, các kỳ lễ hội được tổ chức để người dân bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và cũng như vui chơi, đua tài với những trò chơi dân gian đặc sắc. Quan niệm của người xưa: 3 ngày lễ là 3 ngày toàn thể người dân 9 mường lên ở nhà trời, cho nên mọi đường đi lối lại phải đúng luật nhà trời.

Người lên đền dự lễ phải được chọn lọc kỹ càng, không vi phạm các hành vi đạo đức, không ăn cắp, không hút thuốc phiện, phụ nữ chưa chồng, người chưa thành niên không được đến lễ tại đền. Lễ vật dâng lên là một con trâu mộng chưa cày kéo, không có khiếm khuyết trên cơ thể. Ngoài ra, mỗi mường có thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ và 90 gắp cá sông nướng... Do nhiều yếu tố lịch sử, trong một thời gian dài ở thế kỷ XX, ngôi đền Chín Gian dần mai một, xuống cấp và trở thành phế tích, lễ hội cũng bị gián đoạn.

Tôn vinh nét xưa...

Cuộc sống phát triển, trước nhu cầu hoạt động tâm linh, hưởng thụ văn hóa của người dân; nhằm bảo tồn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An; năm 2004, UBND huyện Quế Phong đã quyết định khởi công phục dựng đền Chín Gian và đưa Lễ hội Đền Chín Gian trở thành lễ hội lớn của đồng bào. Năm 2008, đền Chín Gian được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Và từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại. Lễ hội diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. 

Tiết mục khắc luống trong lễ hội
Tiết mục khắc luống trong lễ hội

Việc tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian đã làm sống lại những truyền thống, sản vật văn hoá đặc sắc của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ, là dịp để người dân 9 mường xưa cùng hành hương về, gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Lễ hội Đền Chín Gian gồm nhiều hoạt động đặc sắc. Phần Lễ gồm có lễ khai quang, lễ yết cáo (lễ khẩy quan), lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), lễ hiến trâu (lễ nạp quái), lễ chém trâu (Lễ phắn quái), lễ đại tế (Lễ xớ Thẻ, xớ Đăm), lễ khai mạc và lễ tạ (Lễ chả ơn - Thào quan). (Những năm gần đây, nghi lễ chém trâu vẫn được duy trì, nhưng chém trâu chỉ mang tính chất tượng trưng, thể hiện nét văn minh, tiến bộ trong xã hội hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào)...

Về phần hội gồm các hoạt động thi hội trại với bản sắc nhà sàn Thái cổ; các trò chơi dân gian như nhảy sạp, tò le, ném còn; hội thi gói bánh chưng, thổi cơm lam, thi mâm ẩm thực của các xã thị trấn; hoạt động văn nghệ gồm thi đánh trống, cồng, chiêng, khắc luống và hát xuối, nhuôn đối đáp, thi văn nghệ, thi người đẹp lễ hội; bên cạnh đó là thi các môn thể thao dân tộc như chọi gà, tò lẹ, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thẻ, đi cà kheo…

Thực hiện thông báo của Sở Văn hóa và Thể thao về kế hoạch tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2017; Đề án sửa đổi và nâng cấp Lễ hội Đền Chín Gian huyện Quế Phong; Quyết định 2067 ngày 13/6/2016 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về công bố danh mục di sản văn hóa, Lễ hội Đền Chín Gian năm 2017 không tổ chức phần hội mà có 2 phần lễ. Phần lễ thứ nhất là nghi lễ truyền thống, phần lễ thứ hai là lễ công bố quyết định công nhận Lễ hội Đền Chín Gian được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Đền Chín Gian năm nay diễn ra trong 1 ngày - tức ngày 12/3/2017 (ngày 15/2 âm lịch).

Với nhiều giá trị đặc sắc, Lễ hội Đền Chín Gian được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tin tưởng rằng, với việc được vinh danh sẽ giúp cho mảnh đất con người Quế Phong ngày càng được du khách, bè bạn gần xa biết đến. Lễ hội Đền Chín Gian sẽ mở đường cho những tiềm năng du lịch hấp dẫn của địa phương phát huy hiệu quả; các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng mỹ nghệ của người dân trở thành hàng hóa được ưa chuộng, qua đó kinh tế  - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới