Lễ hội Xăng Khan trở thành Di sản văn hóa Quốc gia

(Baonghean.vn) - Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có Lễ hội Xăng Khan của người Thái tỉnh Nghệ An.

Lễ hội Xăng Khan (còn được gọi là Kin chiêng boóc mạy, tuỳ theo đặc điểm của từng vùng, miền) của người Thái tỉnh Nghệ An (gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn) là một trong 7 di sản văn hoá phi vật thể được công bố dịp này.

Thầy mo làm lễ cầu mong một năm mới nhân dân trong làng được ấm no, đoàn kết. Ảnh: Minh Thái
Thầy mo làm lễ cầu mong một năm mới nhân dân trong làng được ấm no, đoàn kết. Ảnh: Minh Thái

Lễ hội Xăng Khan là ngày vui của bản Mường nói chung và họ hàng nhà các ông mo nói riêng. Lễ hội để người dân khắp bản làng trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho gia đình. Đây còn là ngày để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, có người đã nên duyên vợ chồng qua lễ hội này.

Sau lễ cúng, các thầy mo cùng dân bản nhảy múa xung quang cây hoa (có Boọc mạy). Hội càng về khuya càng nhộn nhịp với những trò diễn đầy thú vị của các thầy mo cũng như tất cả mọi người dự hội Xăng Khan.

Bà con vui múa nhảy sạp trong Lễ hội Xăng Khan. Ảnh Minh Thái
Bà con vui múa nhảy sạp trong Lễ hội Xăng Khan. Ảnh: Minh Thái

Theo các bậc cao niên ở các bản làng đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An thì lễ hội Xăng Khan có từ xa xưa. Thủơ đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Xăng Khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau; mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng Khan ở mỗi nơi cũng có sự khác nhau.

Lễ hội Xăng Khan là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng./.

Minh Thái

TIN LIÊN QUAN

Tin mới