Lên phương án chống ách tắc nông sản cho vùng dịch

Rút kinh nghiệm đợt dịch trước, các Sở Công Thương đang chủ động biện pháp vận chuyển hàng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch tại các vùng dịch.

Đợt dịch lần thứ tư này lan rộng và nhanh hơn so với 3 đợt trước, khi hơn 24 địa phương đã có ca nhiễm bệnh. Rút kinh nghiệm đợt dịch trước khiến lưu thông hàng hóa bị ách tắc tại Hải Dương, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, cơ quan này đã yêu cầu các Sở Công Thương chủ động biện pháp vận chuyển hàng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch.

Ngành công thương địa phương cũng phối hợp với nông nghiệp, kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước, xuất khẩu. 

xe chở hàng hóa
Xe chở hàng rời khỏi Hải Dương trong đợt dịch thứ 3, hồi tháng 2/2021. Ảnh: Giang Huy.

Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối nói sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các địa phương. Theo đó, hợp đồng cung ứng hàng với các nhà phân phối, hợp tác xã địa phương được Co.opmart Hà Nội ký từ cách đây vài tháng, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị này cho biết vẫn sẵn sàng nhập, tiêu thụ nông sản của các địa phương có dịch.

"Chúng tôi sẵn sàng tiêu thụ nông sản giúp bà con, nhưng các sở, ngành cần phối hợp với ban chỉ đạo phòng dịch tại các địa phương giúp xe chở hàng, lương thực thiết yếu lưu thông thông suốt", bà lưu ý.

Vụ Thị trường trong nước cũng khuyến nghị, hàng hóa sản xuất, vận chuyển cũng phải bảo đảm an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông. "Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung - cầu", bà Nga cho hay.

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ngày 7/5, Thủ tướng PhạmMinh Chính yêu cầu các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp nhưng phải đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu sản xuất. "Nhiệm vụ lúc này là vừa chống dịch và khắc phục hậu quả, vừa phát triển kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực, cách ly xã hội diện rộng để chặn sự lây lan của dịch. Vụ Thị trường trong nước cho biết, hoạt động thương mại, mua sắm tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường. "Không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Khảo sát tại các siêu thị ở Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Dương... cũng cho thấy, hàng hóa được lấp đầy, giá bình ổn. Các siêu thị liên tục họp với nhà cung ứng để đảm bảo đủ nguồn hàng, tăng công suất sản xuất các nhu yếu phẩm như mì tôm, thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, đường, muối... Có hệ thống bán lẻ còn đưa ra chương trình kích cầu mua sắm, như Co.opmart bán 10.000 sản phẩm thiếu yếu giảm 20-50%. Tại chợ dân sinh, rau xanh nhích tăng nhẹ, còn thực phẩm vẫn giữ giá.

 
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị trên đường Đại La, Hà Nội. Ảnh: Thái Anh.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị trên đường Đại La, Hà Nội. Ảnh: Thái Anh.

Là địa phương hiện có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất trong đợt dịch lần này (94 ca tính tới tối 8/5), bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường. Dịp này Hà Nội đã tăng gấp 3 lần lượng hàng thiết yếu. Lượng hàng chuẩn bị sẵn phục vụ người dân Thủ đô trong 3 tháng trị giá khoảng 194.000 tỷ đồng.

Sở cũng xây dựng kịch bản cung ứng và vận chuyển hàng cho người dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ. Cấp độ 1 là 20 đến dưới 1.000 ca mắc bệnh, giá trị hàng cung ứng gần 314 tỷ đồng. Cấp độ 2 là 1.000-3.000 trường hợp mắc, hàng hóa cung ứng tăng gấp hơn 3 lần, xấp xỉ 1.049 tỷ đồng. Còn kịch bản Hà Nội có 3.000-30.000 ca mắc thì giá trị hàng hóa lên tới hơn 5.359 tỷ.

"Không có hiện tượng sốt hàng xảy ra tại Thủ đô, các siêu thị đã tăng lượng dự trữ gấp đôi, gấp ba, đảm bảo đủ hàng, không tăng giá bán", lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.

Tương tự, Sở Công Thương TP HCM cũng đưa ra các tình huống ứng phó dịch bệnh. Sở này yêu cầu các đơn vị trên địa bàn bảo đảm đủ, thông suốt các mặt hàng xăng, dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay...

Riêng tại Quảng Ngãi, chiều 6/5, nhu cầu mua bán của người dân tăng 30% so với ngày thường do xuất hiện thông tin có ca dương tính mới trên địa bàn, tuy nhiên tới sáng 7/5, thị trường đã trở lại ổn định.

Với từng doanh nghiệp phân phối, các siêu thị đều tăng nguồn hàng dự trữ trong kho, có mặt hàng đủ bán tới 4 tháng.

Hệ thống Saigon Co.op đã trữ khoảng 12.000 tấn nông, thủy sản, cung ứng trung bình 200.000 khẩu trang và hơn 10.000 chai nước rửa tay mỗi ngày. Sức mua tại các siêu thị Co.opmart ổn định, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua tích trữ nhu yếu phẩm do lo sợ dịch bệnh như từng xảy ra ở đợt dịch đầu tiên hồi năm ngoái.

Có kinh nghiệm chuẩn bị hàng hóa từ 3 đợt dịch trước, đại diện Lottemart cho hay, vẫn đảm bảo đủ hàng hóa, không lo thiếu. Còn hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Với khẩu trang, lượng hàng đủ bán trong 4 tháng.

Ngoài kênh truyền thống, các doanh nghiệp phân phối cũng đẩy mạnh kênh bán trực tuyến, giao hàng miễn phí tại nhà trong mùa dịch. Lượng đơn hàng trực tuyến, qua điện thoại của Vinmart tăng gấp đôi, ba lần ngày thường.

Tin mới