Lên xã mà hỏi!

Đó là “câu cửa miệng” quen thuộc được sử dụng ở khá nhiều nơi, nhiều vùng miền. Mỗi khi ai đó có vấn đề gì chưa rõ, từ chế độ, chính sách, đến các thủ tục hành chính muôn mặt của đời sống dân sinh, thì người ta lại nói với nhau: “lên xã mà hỏi”!

iều đó cho thấy, bộ máy cấp xã có vai trò, vị trí rất quan trọng. Cảm giác như người dân quan niệm cấp xã không chỉ thực thi và giải quyết những nội dung công việc theo giới hạn thẩm quyền được quy định, mà phải cái gì cũng giải quyết được. Do đó, “đụng” bất cứ việc gì, sự gì, người dân đều “nhìn” vào cấp xã, tin ở cấp xã.

Mặc dù các chức danh, các vị trí việc làm đã được quy định chức năng nhiệm vụ rất rõ, nhưng với người dân, cứ là cán bộ xã là “việc gì cũng phải biết”, phải như… “google”. Nếu một ai đó làm việc ở xã, khi người dân có việc lên hỏi vài lần mà đều trả lời không biết, thì khó mà được dân tin. Do đó, dù làm việc ở cấp xã là ở cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính, nhưng không có nghĩa là làm cán bộ xã thì “khỏe bụng” hơn cấp khác. Nếu quan niệm làm việc ở xã ít phải trang bị trình độ, kiến thức… thì đó là một quan niệm sai lầm, hời hợt. Không chỉ phải trang bị về trình độ, kiến thức, mà còn phải thường xuyên cập nhật các thông tin. Do công việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, nên chỉ cần tham mưu hoặc xử lý sai một sự việc gì là biết ngay, không chỉ cá nhân biết, mà có khi cả cơ quan xã biết, cả gia đình, dòng họ, cả xã cùng biết.

Người dân xã Đông Hiếu (TX. Thái Hòa) trao đổi với lãnh đạo xã. Ảnh: Hoài Thu

Đi liền với đòi hỏi về trình độ, năng lực, là những yêu cầu khắt khe về đạo đức, phong cách, lối sống. Cấp xã là cấp gần dân nhất, người dân không chỉ đánh giá, giám sát, tiếp xúc cán bộ xã trong giờ hành chính, mà có thể tiếp xúc mọi lúc, mọi nơi. Do đó đòi hỏi cán bộ xã luôn phải “chuẩn chỉnh” mọi lúc, mọi mối quan hệ. Có không ít người quan niệm cấp xã thì luôn làm việc với bà con mình nên ăn mặc, xử sự bỗ bã thoải mái sao cũng được, càng ít giữ gìn càng… khỏi mang tiếng quan liêu, xa dân. Thực ra đó là quan niệm lỗi thời, không tương xứng với tư cách cần có đối với người thực thi công vụ. Cho nên đã có thời hai tiếng “anh xã” được dùng để ám chỉ những người có biểu hiện nhếch nhác, xuề xòa. Điều đó cũng có nguyên do có một thời thiếu nhân lực, chưa chuẩn hóa cán bộ, công chức…

Hiện cán bộ cấp xã trên toàn tỉnh đã được thực hiện chuẩn hóa một cách mạnh mẽ. Số cán bộ, công chức ở 480 đơn vị cấp xã của Nghệ An có 10.503 người (4.865 cán bộ, 5638 công chức), chiếm 14,51% biên chế toàn tỉnh. Về trình độ chuyên môn, thạc sĩ có 103 người; cử nhân có 6.486 người; cao đẳng có 466 người; trung cấp có 3.075 người; sơ cấp có 373 người. Được chuẩn hóa, đồng bộ, nên chất lượng đội ngũ có chuyển biến rõ rệt. Cùng đó, thực hiện các nội dung cải cách hành chính, thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10-CT/UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tác phong và lề lối làm việc ở cấp xã có nhiều chuyển biến theo hướng hiện đại, văn minh. Ngoài việc thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự, gần như tất cả các xã đều xây dựng các chuẩn mực cán bộ, công chức và niêm yết tại nơi làm việc, tiếp dân.

Những tăng trưởng vượt bậc của Nghệ An trong thời gian vừa qua về mọi mặt, nhất là về xây dựng nông thôn mới, có vai trò rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là những người chủ trì cấp ủy, chính quyền. Ngày càng xuất hiện nhiều cán bộ xã là những gương sáng về sự mẫu mực trong lối sống, về trí tuệ, bản lĩnh, là trung tâm đoàn kết, hết lòng vì dân, vì sự phát triển của địa phương.

Cán bộ tư pháp xã Giai Xuân hướng dẫn người dân hoàn thành thủ tục giấy tờ. Ảnh: Mỹ Nga

Tuy nhiên, bên cạnh những gương sáng về sự tận tụy, mẫu mực, vì dân, cũng cần nhìn nhận vẫn còn nhiều biểu hiện đáng buồn, nhiều trường hợp đáng tiếc. Vẫn còn cán bộ xã có biểu hiện chủ quan, mơ hồ về chính trị, coi thường quy định pháp luật, gây khó dễ cho dân, nhũng nhiễu, hách dịch với dân. Có nơi cấp xã nhưng đã “lách luật” thực hiện nhiều việc vượt thẩm quyền, như tự ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đổi đất lấy công trình; tự ý thực hiện giải phóng mặt bằng, phân lô tái định cư, vi phạm, sai phạm nghiêm trọng.

Việc gia đình cán bộ xã tích cực sản xuất, kinh doanh để làm giàu hợp pháp chính là mô hình điển hình tốt cho các hộ dân noi theo. Tuy nhiên, vẫn có nhận thức lệch lạc, “ngộ nhận”, để chứng tỏ mình “có năng lực kinh tế”, một số cán bộ xã đua đòi trong mua sắm, tiêu dùng, trong khi nguồn thu không rõ ràng, minh bạch, thế là có chuyện.

Cần biết và luôn nhớ nằm lòng rằng không dễ gì qua được “tai mắt” của người dân. Trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, mọi việc ngày càng được minh bạch. Chỉ với một điện thoại thông minh, người dân có thể ghi hình, ghi âm, nhắn tin chia sẻ hoặc tự đăng phát trên mạng xã hội, thì mọi biểu hiện thái quá của cán bộ, công chức xã, sớm hay muộn đều được lan truyền và khó tránh khỏi việc phải trả giá đắt. Trình độ cán bộ công chức có chuyển biến mạnh, thì trình độ dân trí cũng ngày càng được nâng cao. Người dân chính là đối tượng được phục vụ, do đó, cán bộ, công chức cấp xã cần phải thấm nhuần thật sâu sắc quan điểm cán bộ, công chức là “công bộc” của nhân dân.

Cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) cùng nhân dân kiểm tra sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Ảnh Hồng Diện

Cán bộ, công chức cấp xã có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Do là cấp gần dân nhất – cấp thứ 4 trong hệ thống hành chính, nên cán bộ công chức cấp xã cũng có tính chất “đại diện” cho hình ảnh, uy tín của cả hệ thống hành chính, hệ thống chính trị trước người dân. Thông qua mỗi việc làm, mỗi ứng xử của cán bộ, công chức xã, người dân sẽ suy nghĩ, liên hệ, đánh giá đến cả hệ thống chính trị, hệ thống hành chính các cấp. Do đó, dù ở thời nào, vùng miền nào, thì cán bộ công chức cấp xã vẫn phải thực sự mẫu mực, nỗ lực vươn lên để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người dân. Có một thực tế là các mối quan hệ xã hội dân sự ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề phi truyền thống, thông tin dư luận xã hội ngày càng đa dạng, thậm chí trái ngược nhau, thì người dân lại càng cần có “trọng tài” phân xử, cần có nguồn tin chính thống, cần người tin cậy để xác nhận các nguồn tin, nhất là các thông tin mới về cơ chế, chế độ, chính sách. Lúc này, người dân lại không thể không nhớ đến điệp khúc “Lên xã mà hỏi”. Điều này có nghĩa là vai trò, vị trí của cấp xã không hề bị phai nhạt mà ngày càng cần thiết, quan trọng hơn. Tưởng là cũ, nhưng câu nói “lên xã mà hỏi” đến nay vẫn nguyên tính thời sự!