Lệnh cấm ChatGPT của Ý có mở đường cho việc ban hành các quy định nghiêm ngặt đối với AI trên toàn thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ý gần đây đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấm ChatGPT khi cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý (GPDP) ra lệnh cho OpenAI tạm thời ngừng xử lý dữ liệu của người dùng Ý trong bối cảnh cuộc điều tra nghi ngờ vi phạm các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư của châu Âu.

Trước động thái này của Ý, nhiều quốc gia trên thế giới đang xem xét ban hành các quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), thậm chí một số chính phủ còn cân nhắc tham gia cùng Ý trong việc cấm công nghệ này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vào ngày 31 tháng 3 vừa qua, GPDP đã đưa ra quyết định khẩn cấp tạm thời yêu cầu công ty tạo ra sản phẩm ChatGPT - OpenAI ngừng sử dụng thông tin cá nhân của hàng triệu người Ý có trong dữ liệu đào tạo của mình. Lệnh cấm này của Chính phủ Ý có thể là khởi đầu của những rắc rối pháp lý mà ChatGPT có thể phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo GPDP, OpenAI không có quyền hợp pháp để sử dụng thông tin cá nhân của mọi người trong ChatGPT. Trong một tuyên bố xuất hiện trực tuyến cho người dùng có địa chỉ IP của Ý, OpenAI cho biết, họ rất tiếc phải thông báo cho người dùng rằng, họ đã vô hiệu hóa quyền truy cập của người dùng ở Ý theo yêu cầu của cơ quan bảo vệ dữ liệu.

GPDP đã cáo buộc OpenAI không kiểm tra tuổi của người dùng ChatGPT và không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào biện minh cho việc thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ.

Cơ quan này cho biết thêm, họ không có ý định cản trở việc phát triển AI nhưng các công ty phát triển sản phẩm AI cần tôn trọng các quy tắc nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Ý và châu Âu.

Điều đó có nghĩa là OpenAI sẽ phải trả lời các quan chức đang điều tra các vi phạm có thể xảy ra đối với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu. Dựa trên GDPR, OpenAI được hỗ trợ bởi Microsoft, có nguy cơ bị phạt 20 triệu Euro (21,8 triệu USD), hoặc 4% doanh thu hàng năm trên toàn cầu, nếu không đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng này trong thời hạn 20 ngày.

OpenAI cho biết, họ cũng sẽ hoàn lại tiền cho tất cả người dùng ở Ý đã mua dịch vụ đăng ký ChatGPT Plus vào tháng trước và cũng lưu ý rằng, họ đang “tạm dừng” gia hạn đăng ký ở đó để người dùng không bị tính phí trong khi dịch vụ bị đình chỉ. “Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền riêng tư của mọi người và tin rằng, chúng tôi cung cấp ChatGPT tuân thủ theo GDPR và các luật về quyền riêng tư khác”, OpenAI cho biết.

Open AI cho rằng, họ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý dữ liệu của Ý để sớm khôi phục quyền truy cập vào ChatGPT. Trong một tuyên bố gửi tới người dùng sau lệnh cấm ChatGPT ở Ý, OpenAI cho biết: “Nhiều người dùng ở Ý đã nói với chúng tôi rằng, họ thấy ChatGPT hữu ích cho các công việc hàng ngày và chúng tôi mong muốn sớm cung cấp lại tính năng này”.

Sau lệnh cấm ChatGPT của Ý, liệu sẽ có nhiều lệnh cấm hơn nữa?

Mặc dù hành động của Ý có thể là hành động đầu tiên chống lại ChatGPT bởi một cơ quan quản lý phương Tây, nhưng các quốc gia châu Âu khác đã chỉ ra những lo ngại tương tự vài ngày sau lệnh cấm tạm thời đối với ChatGPT. Báo cáo cho thấy rằng, Pháp, Đức và Ireland đã liên hệ với cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý để nắm thêm thông tin về những phát hiện của họ.

Nói chung, làn sóng chống lại ChatGPT ở châu Âu báo hiệu những căng thẳng về quyền riêng tư xung quanh việc tạo ra các mô hình AI sáng tạo như ChatGPT, thường được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu internet. Một bài báo đăng trên tờ Wired dẫn lời Tobias Judin, người đứng đầu bộ phận quốc tế tại cơ quan bảo vệ dữ liệu của Na Uy nói rằng, “nếu mô hình kinh doanh chỉ là tìm kiếm bất cứ thứ gì bạn có thể tìm thấy trên internet thì có thể có một vấn đề nghiêm trọng ở đây”.

Jubin cho biết thêm rằng, nếu một mô hình được xây dựng trên dữ liệu có thể được thu thập bất hợp pháp, nó sẽ đặt ra câu hỏi liệu có ai có thể sử dụng các công cụ này một cách hợp pháp hay không. Judin cũng lưu ý rằng, quyết định của Ý nêu bật nhiều mối quan tâm trước mắt hơn. Về cơ bản, sự phát triển AI cho đến nay có thể có một thiếu sót lớn.

Trước khi Ý đưa ra lệnh cấm, đã có nhiều lời kêu gọi về việc cần có các quy định nghiêm ngặt cho việc phát triển AI. Trên thực tế, vào ngày 22 tháng 3 vừa qua, một bức thư ngỏ có chữ ký của hàng trăm chuyên gia AI nổi tiếng, các nhà lãnh đạo công nghệ và nhà khoa học đã kêu gọi tạm dừng phát triển và thử nghiệm các công nghệ AI mạnh hơn mô hình ngôn ngữ GPT-4 của OpenAI để tránh những rủi ro mà nó có thể gặp phải.

Ngay cả các chính phủ cũng đang gặp khó khăn trong việc theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ AI. Ví dụ, Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch điều chỉnh AI. Thay vì thiết lập các quy định mới, chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý trong các lĩnh vực khác nhau áp dụng các quy tắc hiện có cho AI. Mặc dù đề xuất của Vương quốc Anh không đề cập đến tên ChatGPT, nhưng nó phác thảo một số nguyên tắc cơ bản để các công ty tuân theo khi sử dụng AI trong các sản phẩm của họ, bao gồm an toàn, minh bạch, công bằng, trách nhiệm giải trình và khả năng cạnh tranh.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng, liệu AI có nguy hiểm hay không vẫn còn phải xem xét nhưng ông ta nhấn mạnh rằng, các công ty công nghệ phải có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi công bố. Trong một báo cáo của Reuters, Tổng thống Biden nói với các cố vấn khoa học và công nghệ rằng, AI có thể giúp giải quyết bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng điều quan trọng là phải giải quyết các rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội, an ninh quốc gia và nền kinh tế.

Đây không phải lần đầu nhà chức trách Ý có biện pháp chống lại một chatbot AI. Trước đây, GPDP từng cấm chatbot Replika AI vì sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng. Replika là startup ra đời năm 2017, cung cấp các avatar tùy biến để trò chuyện với mỗi người. Dù được quảng cáo là “người bạn ảo” giúp cải thiện cảm xúc, nhà quản lý Ý lại cho rằng, nó đã can thiệp vào tâm trạng của người dùng, “có thể gia tăng rủi ro cho các cá nhân đang trong giai đoạn phát triển hay trong trạng thái tâm lý không vững vàng”.

Lệnh cấm của Ý đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý quyền riêng tư khác ở châu Âu, những người đang nghiên cứu liệu có cần đưa ra các biện pháp khắc nghiệt hơn đối với các chatbot AI hay không.

OpenAI làm gì trước lệnh cấm của Ý?

Ngay sau khi lệnh cấm ChatGPT của Ý được công bố, OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT đã lên kế hoạch trình bày các biện pháp để khắc phục những lo ngại dẫn đến lệnh cấm này. OpenAI cam kết sẽ minh bạch hơn về cách xử lý dữ liệu người dùng và xác minh tuổi của người dùng.

Trong một bài đăng trên blog có tiêu đề “Cách tiếp cận của chúng tôi đối với sự an toàn của AI”, nhà sản xuất ChatGPT cho biết, họ đang làm việc để phát triển các chính sách nhằm chống lại hành vi gây rủi ro thực sự cho mọi người”.

“Chúng tôi không sử dụng dữ liệu để bán dịch vụ, quảng cáo hoặc xây dựng hồ sơ của mọi người. Chúng tôi sử dụng dữ liệu để làm cho các mô hình của chúng tôi trở nên hữu ích hơn cho người dùng. Mặc dù một số dữ liệu đào tạo của chúng tôi bao gồm thông tin cá nhân có sẵn trên internet công cộng, nhưng chúng tôi muốn các mô hình của mình tìm hiểu về thế giới chứ không phải các cá nhân riêng tư”, OpenAI cho biết thêm.

Từ khi ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT đã gây nên “cơn sốt” trên toàn cầu, thúc đẩy các đối thủ giới thiệu các dịch vụ tương tự. Người dùng ChatGPT đã cán mốc con số 100 triệu người vào cuối tháng 1/2023, tức là chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, trở thành ứng dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.

Tin mới