Liêm sỉ

Những ngày qua, cụm từ mà đông đảo cư dân mạng dành cho những cá nhân có hành vi gian lận thi cử năm 2018 là “vô liêm sỉ”.

Cùng với cụm từ này, trên Facebook, người ta ào ạt đưa thông tin đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) phát biểu tại diễn đàn Quốc hội rằng: “Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà” (Phiên thảo luận về đánh giá kết quả phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017 chiều ngày 30/5).

Những cá nhân đã có hành vi gian lận thi cử năm 2018 là ai?

Chỉ điểm danh những cá nhân đã bị điểm tên, chỉ mặt ở tỉnh Sơn La, đó là: Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy… Những cá nhân này, đều là những cán bộ đang công tác trong ngành Giáo dục. Họ giữ những vị trí trưởng, phó trưởng phòng, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng cho đến Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, rất thuận lợi, dễ dàng để gian lận điểm.

Nhưng đấy mới chỉ là cá nhân được “nhờ vả” nâng điểm. Hẵng còn những cá nhân được “gửi gắm” nâng điểm. Theo bản danh sách hết sức chi tiết đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 28/5/2019, những người “gửi gắm” nâng điểm cơ bản cũng là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí quan trọng của ngành Giáo dục; trong đó có cả Giám đốc Sở GD&ĐT.

Người vô liêm sỉ là người như thế nào? Không cần đến Từ điển tiếng Việt giải nghĩa thì ai cũng biết đấy là người đã mất hết nhân cách, trơ trẽn, không còn biết đến hổ thẹn là gì. Những người như thế, thật không xứng đáng sống trong trời đất nữa.

Thật xấu hổ và xót xa. Nhưng không thể trách được đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, và càng không thể trách được cộng đồng mạng xã hội. Vì những cá nhân được “nhờ vả” và được “gửi gắm” hầu hết là các cán bộ quản lý giáo dục. Họ trực tiếp quản lý đội ngũ giáo viên mang nặng trên vai trọng trách trồng người. Việc gian lận thi cử mà họ đã làm, xứng đáng bị lên án.

Đảng và Nhà nước ta luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng sự băng hoại đạo đức trong giáo dục thông qua những vụ việc gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La, cùng những Hòa Bình, Hà Giang, đã hiện hữu rõ rệt. Và bởi những vấn nạn chạy trường, chạy lớp, chạy thầy cô… cũng đã không còn mang tính cá biệt ở các địa phương khác, khiến người lạc quan nhất cũng không còn lạc quan nổi.

Vì vậy, cần thấy việc các đại biểu Quốc hội và cộng đồng mạng xã hội quan tâm đến vấn nạn gian lận thi cử là một tín hiệu tích cực. Như một liều thuốc, dù rất đắng nhưng có khả năng tiêu trừ được bệnh tật. Giúp cho các nhà quản lý giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại bản thân để giữ gìn liêm sỉ, hoàn thành chức trách nhiệm vụ đúng như trọng trách trồng người…