Sinh hoạt tư tưởng:

Liêm sỷ và lòng tự trọng

(Baonghean.vn) - Muốn xã hội ngày càng tốt đẹp, trong sáng, không chỉ coi trọng và thượng tôn pháp luật mà rất cần đến liêm sỉ và tự trọng của mỗi con người.

Người xưa chia đức thành tám loại là hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ và gọi chung là “Bát đức”. Người mà thiếu đi một đức nào trong đó thì không được tính là người nữa.

Liêm là nói lên người có tính trong sạch, phân minh, ngay thẳng, không tham lam. Sỉ là người biết hổ thẹn khi làm những gì sai trái. Họ tự giác, không làm những việc trái với lương tâm, không hợp đạo lý thông thường, họ không thể chấp nhận và rất hổ thẹn nếu làm những việc ấy.

“Liêm” và “sỉ” là hai đức hạnh cao thượng nhất của con người, bởi vì người mà không có liêm thì thứ gì cũng lấy, người không có sỉ thì việc gì cũng làm. Người đời nay nói hình ảnh là bị “liệt dây thần kinh xấu hổ”. Hoặc có khi nói là “tưởng cái gì cũng biết, nhưng lại không biết xấu hổ”! Người có văn hóa thì hiểu đó là sự đánh giá, là nói rất “nặng lời, cạn ý” lắm rồi!

Muốn xã hội ngày càng tốt đẹp, trong sáng, không chỉ coi trọng và thượng tôn pháp luật mà rất cần đến liêm sỉ và tự trọng của mỗi con người.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người Nhật nổi tiếng với sự liêm sỉ. Qua phim ảnh, ta thấy họ đề cao tinh thần võ sĩ đạo – Samurai, tinh thần thà chết trong danh dự, vì danh dự, không chịu ô nhục. Trong thảm họa kép (động đất và sóng thần) năm 2011, từ người già đến con trẻ, họ thứ tự xếp hàng, chia nhau từng món quà cứu trợ, không chen lấn, không hôi của; hàng loạt công nhân già tình nguyện cứu hộ nhà máy điện hạt nhân thay cho lớp trẻ. Họ sợ không may nếu bị nhiễm xạ thì họ sẵn sàng hy sinh thay người trẻ.

Người Nhật ngày nay kiêng kỵ xúc phạm đến người khác, vì có những người lỡ làm việc xấu, nếu bị bóc mẽ, họ sẽ tự tử. Các siêu thị của họ không lắp camera như các nơi khác. Lý do đơn giản chỉ vì có cửa hàng đã lắp đặt camera để quản lý và trông coi hàng hóa, chỉ sau ít ngày không có người Nhật nào đến mua hàng nữa. Họ cho rằng người của cửa hàng này không tin vào phẩm chất trung thực của họ. Lắp camera theo dõi đồng nghĩa với đã xúc phạm lòng tự trọng của họ nên họ tẩy chay. Các nhân viên của công ty đi công tác hoặc làm việc công không cần lấy hóa đơn, mà chỉ khai theo ghi chép của chính họ,… Người ta tin tưởng tuyệt đối vào sự trung thực, tính liêm sỉ của nhân viên. Cựu Thủ tướng Abe Shinzo tự thấy sức khỏe mình giảm sút, không đảm bảo. Ông cố gắng xử lý cơ bản đợt dịch Covid-19 rồi “tử tế” xin Dân cho nghỉ chức Thủ tướng, về nghỉ.

Nhiều quan chức ở các nước văn minh, khi lĩnh vực mình phụ trách không đạt được như kế hoạch, thậm chí chỉ vì lỡ một câu phát ngôn sai, hoặc vì sự chậm trễ thì người phụ trách xin lỗi hoặc họ tự giác từ chức.

Người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng, rất coi trọng việc giữ gìn liêm sỉ. Trong đội ngũ cán bộ của ta từ xưa đến nay, có rất nhiều tấm gương trong sáng, biết giữ liêm sỉ. Nhiều cán bộ lão thành, nhiều người có công lớn với cách mạng từ chối nhà ở được cấp để sống ở quê.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng nói: Nếu không làm được đường dây 500KV cũng xin cởi áo Thủ tướng!

Nhiều người công tác trong những lĩnh vực độc lập, rất nhạy cảm, rất có “cơ hội” để “vi phạm” mà không ai biết hoặc không nỡ quở trách. Nhưng họ vẫn tự giác “không đụng đến cái kim, sợi chỉ” của Nhân dân. Họ quan niệm “danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỷ mỉ/ Như tròng mắt con người/ Đến cạn máu, tàn hơi/ Không xa rời kỷ luật”,... Có thể nói không thể kể hết những tấm gương sáng ngời đã được lưu danh muôn thuở.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy vậy, thật đáng tiếc trong đội ngũ cán bộ của chúng ta hôm nay có một số thiếu tự giác, thiếu trong sáng, thiếu rèn luyện và “giữ mình”. Nhiều quan chức, giám đốc doanh nghiệp Nhà nước tham ô, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn quanh co. Vì “lợi ích nhóm”, họ “chung chi”, rỉa rói còi cọc các dự án.  Nhiều việc làm sai lè lè mà vẫn cãi chày, cãi cối. Thậm chí tướng, tá thực thi pháp luật còn hùa với kẻ gian. Biệt thự hàng trăm tỷ mà lý giải là nhờ chạy xe ôm, buôn chổi đót, mặt vẫn nhơn nhơn. Mua điểm cho con lại trơ tráo nói do người khác làm, mình không hề biết. Lãnh đạo một địa phương mà ăn chặn cả những đồng tiền của gia đình chính sách, của những người khuyết tật,... để có những đồng chí lãnh đạo phải thốt lên “ăn không từ thứ gì” mà không biết hổ thẹn! Dân biết cả. Dân kinh hãi. Dân khinh bỉ.

Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền, thuyết phục để “nâng cao đạo đức cách mạng” mà còn phải nghiêm trị những người có những việc làm mà không biết giữ gìn liêm sỉ - lòng tự trọng, cái phẩm hạnh tối thiểu của mỗi con người! Có như thế mới giữ được kỷ cương, phép nước, đạo lý luân thường, mới được Nhân dân tin tưởng.

Tin mới