Liều lượng!

(Baonghean) - Phải có những hình thức phê bình, kiểm điểm, đánh giá và nhận xét xác đáng đối với những tờ báo, những địa chỉ báo chí điện tử đăng tải liều lượng mặt trái, mặt xấu.

- Nhiều người trong thiên hạ thật là lạ, cái hay, cái tốt, người tốt, việc tốt… hàng ngày rất nhiều, thậm chí là muôn vàn, đếm không nổi, thì lại lờ tịt, im thin thít không một câu, một từ nhắc đến. Nhưng hễ có cái xấu, cái dở, biểu hiện mặt trái… xuất hiện, thì đồng loạt nhắc đi nhắc lại, lật đi lật lại, hết suy diễn rồi quy chụp, rồi nống lên quy kết thành bản chất, thành thuộc tính của địa phương, của xã hội, của giai đoạn…

- Cái này là do cách nhìn nhận, do “con mắt” của không ít người có vấn đề. Tôi cũng gặp không ít người thường xuyên có cái nhìn thiên lệch, một chiều, một phía. Đáng nói là họ lệch về phía những hạn chế, tiêu cực, những mặt chưa hoàn thiện, chưa tốt… Còn bao nhiêu những mặt tích cực, những cái làm được, bao nhiêu những thành tích, thành tựu, những mặt ưu việt, ưu điểm, họ đều không có hứng thú nhắc đến, nói đến. Nhưng hễ xuất hiện một vụ tai nạn, nảy sinh một hiện tượng xã hội bất thường… thì họ bày tỏ sự quan tâm như thể “phát cuồng”, như thể chỉ có họ mới là người lo lắng, trăn trở, băn khoăn, trách nhiệm.

Trên thực tế, cũng có những người thực sự có trách nhiệm, có quan tâm, thì họ bày tỏ thái độ và chính kiến rõ ràng, cụ thể, đi cùng với đó là những góp ý, kiến nghị, đề xuất, đưa ra những giải pháp, biện pháp để giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, một bộ phận khác thì chỉ khua khoắng theo chiều hướng “chửi đổng”, ca thán, chê bai, dè bỉu, miệt thị, hoặc tìm cách đổ vấy trách nhiệm lên một số thực thể nào đó như là một sự mặc định sẵn.

Trong khi, họ quên đi rằng mọi công dân, mọi thành viên trong xã hội đều có cùng trách nhiệm phải làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên, và hẳn nhiên là mỗi người đều phải tự giác, tự nguyện, tự thân làm việc tốt, nhân lên điều tốt, bài trừ cái xấu, có thái độ rõ ràng với cái xấu cái ác.

Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet

- Tôi nghĩ, xu hướng nhăm nhăm chờ xuất hiện cái dở, cái chưa tốt để “chửi đổng” cũng có một phần trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí chỉ chực chạy theo những thông tin giật gân, câu khách, nhằm chạy theo thị hiếu tầm thường, kích thích sự tò mò tìm đọc, tìm xem để tăng lượt view (lượt người vào xem) mà không hề tính toán đến các tác động tiêu cực đối với xã hội. Do đó, lâu dần định hình thói quen chỉ tìm đọc những thứ “sốc, độc, lạ”, mà quên đi những vẻ đẹp, những hành động đẹp thường ngày.

- Bởi vậy cho nên cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Trong khi có những vấn đề, những nội dung, phạm vi nằm ngoài khả năng điều chỉnh của Luật Báo chí hiện hành, thì bản thân những người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí phải có đủ năng lực để yêu cầu các cơ quan báo chí thể hiện trách nhiệm cao với xã hội, hạn chế xu hướng đăng tải thông tin chỉ đơn thuần chạy theo mục đích câu view.

Cùng với đó là phải có những hình thức phê bình, kiểm điểm, đánh giá và nhận xét xác đáng đối với những tờ báo, những địa chỉ báo chí điện tử đăng tải liều lượng mặt trái, mặt xấu, nói đi nói lại một sự việc xấu, khai thác bóc tách các khía cạnh liên quan đến cái xấu, cái ác một cách thái quá, khiến cho người đọc lâu dần sẽ cảm thấy bất an đối với chính môi trường xã hội mà họ đang sinh sống.

 - Đúng vậy, đôi khi chỉ là “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, nhưng quá liều lượng phản ánh lệch lạc, làm cho người ta hoài nghi, phủ nhận toàn bộ, như thể chỉ sâu một đốt mà bỏ cả cây mía, dột một nơi mà hoài nghi cả căn nhà…