Lỗ hàng chục triệu đồng một chuyến biển, nhiều tàu cá Diễn Châu “nằm bờ“

(Baonghean) - "Việc ngư dân Diễn Châu có chuyến biển lỗ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng là không ít", ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu nói. Thực tế, theo tìm hiểu ở Diễn Châu, nhiều tàu cá phải nghỉ "nằm bờ" và đã có 7 tàu công suất lớn bị bán.
Đang là chính vụ đánh bắt cá nam, thời tiết thuận lợi nhưng hơn 100 tàu, chiếm quá nửa tàu cá xa bờ của xã Diễn Bích (Diễn Châu) đều nằm im lìm tại bờ. Giá nhiên liệu tăng, trong khi sản lượng hải sản thu được quá thấp, thu không đủ chi, mỗi chuyến biển ngư dân lỗ từ 30-50 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn buồn bã khi nghề biển thua lỗ. Ảnh: Mai Giang
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn buồn bã khi nghề biển thua lỗ. Ảnh: Mai Giang

Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn - xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích chia sẻ: Qua 3 tháng vụ cá nam, tàu của anh chỉ đi được 3 chuyến và lỗ cả 3. Tàu của anh đánh bắt tận kinh tuyến 107 mà vẫn không có cá. Không cách nào khác, anh Tuấn phải vào Đà Nẵng làm thuê cho tàu khác, ngày kiếm dăm trăm.

Đã qua nửa năm nhưng sản lượng đánh bắt của Diễn Bích chỉ đạt 2.500 tấn, bằng 25% kế hoạch năm.

Với việc đánh bắt hải sản khó khăn kéo dài từ năm 2018, sang cả vụ nam năm 2019 khiến ngư dân Diễn Bích lao đao.

Những chiếc tàu gắn biển rao bán ngày càng nhiều. Theo đó đã có 7 chiếc tàu công suất 400CV đã bị bán. Với việc phát triển mạnh đội tàu xa bờ nên theo tính toán thì ngư dân Diễn Bích đang vay các ngân hàng  63 tỷ đồng và hầu như đã đến kỳ trả nợ mà không thể trả.

Chị Hằng (tay phải) thường xuyên phải có mặt trên tàu để kiểm tra, tránh đậu nhà lâu ngày bị nước tràn vào. Ảnh: Mai Giang
Tàu cá "nằm bờ" dài ngày, ngư dân cũng phải thường xuyên kiểm tra để tránh bị hư hỏng, nước tràn vào. Ảnh: Mai Giang

Để tránh hư hỏng do nằm bờ dài ngày, chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Quyết Thành đã phải đắp bạt cho chiếc tàu 400 CV chờ bán. Còn chồng chị, chủ tàu đã phải bươn chải chuyển nghề hơn 1 tháng nay. Chị Hằng cho biết: Cách đây 2 năm đóng con tàu 1,5 tỷ đồng, từ bấy đến giờ không làm ăn được. Nay bán tàu cũng không được, ra khơi khai thác cũng không xong, vì giá dầu tăng cao, nhân công khó khăn. Nợ lãi ngân hàng đến kỳ chưa xoay xở được.

Không chỉ những tàu công suất lớn, mà nhiều chủ tàu công suất nhỏ đánh bắt vùng lộng cũng gặp khó. Bởi vậy, không khí tại cảng cá Lạch Vạn những ngày này khá trầm lắng. Nhiều tàu cập bến với những chồng khay để không, hoặc chỉ là một ít cá nhỏ. Nhiều  loại hải sản truyền thống trong vụ nam có giá trị cao thì năm nay vắng bóng. Đa phần là các loại cá tạp, giá trị thấp, nên tiểu thương càng được thể ép giá.  

Thời tiết thuận lợi nhưng tàu các xa bờ Diễn Bích vẫn phải nằm bờ. Ảnh: Mai Giang
Thời tiết thuận lợi nhưng nhiều tàu cá công suất lớn của xã Diễn Bích vẫn "nằm bờ". Ảnh: Mai Giang

Chỉ tiêu khai thác hải sản vụ nam năm 2019 của huyện Diễn Châu là 19.000 tấn (chiếm hơn một nửa sản lượng của cả năm). Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, rất khó để đạt được kế hoạch khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là hết vụ cá nam.

Từ đầu năm đến nay đã có 60 tàu lớn nhỏ của ngư dân bán đi và con số này vẫn chưa dừng lại ở đây. Khó đánh bắt nên nhiều chủ tàu buộc phải thay đổi phương thức khai thác, từ xa bờ chuyển sang gần bờ để tiết kiệm nhiên liệu, ngày công, tuy nhiên lại vi phạm đánh bắt trái tuyến.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Việc ngư dân Diễn Châu có chuyến biển lỗ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng là không ít. Trong khi ngư dân gặp khó khăn trong việc đánh bắt hải sản, giá dầu tăng cao, nên chăng có chính sách hỗ trợ để bà con bám nghề, bám biển?.

Ngư dân Diễn Bích treo biển bán tàu do đánh bắt thua lỗ. Ảnh: Mai Giang
Ngư dân Diễn Bích treo biển bán tàu cá do đánh bắt thua lỗ. Ảnh: Mai Giang

Tin mới