Lỗ hổng trong quản lý rừng phòng hộ – Kỳ 1: Phòng hộ bằng dứa, sắn và mía

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có mặt tại một khu vực được giới thiệu là rừng phòng hộ ở xã miền núi Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Tại đây, phải nhờ đến một cán bộ xã đưa bản đồ ra định vị nhiều lần, chúng tôi mới dám tin đây là rừng phòng hộ. Bởi xung quanh đó là bạt ngàn những cánh đồng dứa và mía. Nhìn hết tầm mắt, cũng chẳng thấy bóng dáng của một cánh rừng nào. “Như thế này thì sao gọi là rừng phòng hộ được”, một người đi cùng trong đoàn thốt lên khi chứng kiến cánh rừng phòng hộ bằng dứa.

Cách đó không xa là hồ Vực Mấu – lá phổi xanh của cả thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Hồ có tổng lưu vực hứng nước 215km2, trữ lượng thiết kế 75 triệu m3 nước, khi mà hồ Bản Mồng chưa hoàn thành, Vực Mấu vẫn được xem là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đây là nguồn cấp, đảm bảo nước sinh hoạt cho 40.000 hộ dân; tưới cho hơn 4.600ha đất canh tác; nuôi trồng thủy sản lòng hồ và tạo nguồn nước nuôi trồng thủy sản 400ha trong khu vực, đồng thời cắt giảm lũ cho hạ lưu… Thế nhưng, lưu vực xung quanh hồ bây giờ rừng lại rất nghèo nàn.

Có mặt tại đây, không khó để bắt gặp cảnh các hộ dân đang công khai chặt phá rừng phòng hộ. Tại xã Quỳnh Thắng, khi chúng tôi có mặt cũng là lúc một người đàn ông 60 tuổi đang chờ xe tải cỡ lớn vào thu mua gỗ keo. Cánh rừng trồng keo này nằm trên diện tích rừng phòng hộ, cách lòng hồ Vực Mấu chỉ chưa đầy 1km. Theo người đàn ông này, hơn 20 năm trước, gia đình ông được giao hơn 2ha đất lâm nghiệp theo Nghị định 02 tại đây, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Trong khi đó, mãi đến năm 2007, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An mới được thành lập. “Tôi chẳng cần biết đây là rừng phòng hộ hay là gì cả. Đất này đã giao cho chúng tôi từ lâu, rừng chúng tôi tự bỏ vốn ra trồng thì chúng tôi tự khai thác, cần gì phải xin phép ai”, ông nói và cho biết, tại đây mỗi lần người dân khai thác, cán bộ của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cũng thường vào lập biên bản, yêu cầu đình chỉ. Tuy nhiên, lập biên bản cũng chỉ là thủ tục cho có, vì sau đó, đâu lại vào đấy. Không có một quyết định xử phạt nào được ban ra. Vì thế, người dân vẫn cứ tiếp tục ồ ạt khai thác rồi tự ý trồng mới.

Trong khi người dân cho rằng, việc khai thác rừng là chính đáng thì phía Ban quản lý Rừng phòng hộ cho biết, dù rừng do người dân bỏ vốn ra trồng muốn khai thác cũng phải có phương án thiết kế, được sự cho phép của cơ quan chức năng. Đặc biệt là không được khai thác trắng, đồng thời phải trồng mới loại cây phù hợp với đặc trưng của phòng hộ. Vì thế, việc người dân tự ý khai thác là vi phạm quy định pháp luật.

Ông Trần Văn Sơn – Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, cho biết, những ngày gần đây, số vụ khai thác rừng như thế này đã giảm. Còn cách đây vài tháng, đơn vị đã phải liên tục đi kiểm tra và lập biên bản liên tục. Đỉnh điểm là chỉ trong vòng 18 ngày, từ ngày 20/3/2022 đến ngày 8/4/2022, đơn vị này đã phát hiện đến 14 vụ phá rừng phòng hộ trái pháp luật, chủ yếu xảy ra ở các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng. Có những ngày, phát hiện đến 3 vụ khai thác rừng phòng hộ. Sau khi phát hiện vụ việc, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đã lập biên bản, gửi hồ sơ đề nghị Hạt Kiểm lâm xử lý, nhưng cũng như trước đây, không thể xử phạt.

Không chỉ để người dân tự ý khai thác trắng cây rừng rồi tự ý trồng mới, ở đây còn có một bất cập khác. Đó là hàng chục trang trại lớn nhỏ, cùng với nhiều ngôi nhà kiên cố vẫn nằm lọt thỏm giữa rừng phòng hộ nhiều năm nay. Hộ ông Đậu Ngọc Cần (75 tuổi, xóm 4, xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu), là một trong số đó.

Ông Cần từng đi bộ đội, sau khi phục viên, ông về quê Quỳnh Tân đi dạy. Gia đình ông sinh sống từ lâu ở ven lòng hồ Vực Mấu. Đến những năm đầu thập niên 90, sau khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng theo Nghị định 02, ông Cần xin nghỉ làm giáo viên, trở thành một trong những hộ tiên phong nhận đất, nhận rừng. Năm 1996, ông được cấp lâm bạ với hàng chục ha, có thời hạn 50 năm để sản xuất.

Còn về đất ở, năm 2006, thực hiện chủ trương giãn dân và xây dựng kinh tế mới của tỉnh, gia đình ông cùng 24 hộ khác đồng ý di chuyển từ sát lòng hồ lên vị trí cao hơn, cách chỗ cũ chừng 500m. Việc này đến nay vẫn còn nhiều giấy tờ, thủ tục hợp pháp. Thế nhưng, đến năm 2007, khi Ban quản lý Rừng phòng hộ được thành lập, nhà của ông Cần cùng với nhiều hộ khác đã bị quy hoạch vào diện tích rừng phòng hộ mà ông không hề hay biết.

Ông Cần nói rằng, ông không hề hay biết, khu vực gia đình đang ở thuộc quy hoạch của rừng phòng hộ. Thậm chí, năm 2011, gia đình ông còn được UBND huyện Quỳnh Lưu trao chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, ông Cần kể rằng, mỗi lần gia đình sửa sang lại nhà cửa, cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ lại đến yêu cầu đình chỉ, lập biên bản xử phạt.

Không chỉ với các trang trại xây dựng trước khi có rừng phòng hộ, ngay cả những trang trại quy mô lớn được xây dựng sau này, Ban quản lý Rừng phòng hộ cũng bất lực. Đó là trang trại nuôi lợn của gia đình ông Vũ Văn Toàn, cách nhà ông Cần chừng vài trăm mét. Ông Toàn trú ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), lên mua đất để làm trang trại ở đây. Do xung quanh chủ yếu là những cánh đồng dứa và mía, ông không biết rằng, khu đất này đã nằm trong rừng phòng hộ.

Năm 2016, sau khi phát hiện trang trại chăn nuôi này, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đã lập biên bản đồng thời gửi hàng loạt công văn đến các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt. Không lâu sau, ông Toàn bị UBND huyện Quỳnh Lưu phạt 15 triệu đồng vì xây dựng trái phép. Tuy nhiên, ông Toàn sau đó vẫn không tháo dỡ công trình mà còn xây dựng thêm trước sự bất lực của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Theo ghi nhận của phóng viên, sau 6 năm, đã có rất nhiều cuộc họp, rất nhiều công văn được ban hành liên quan đến trại lợn của ông Toàn nhưng đến nay, trang trại này vẫn chăn nuôi bình thường.

Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cũng thừa nhận, nhiều trang trại quy mô lớn, kiên cố được xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ. Ngoài nhà ở của người dân còn có nhà xưởng, lò than, lò gạch… Cụ thể, tại địa bàn thị xã Hoàng Mai, có 16 trang trại, 1 lò than, 1 nhà xưởng và 1 lò gạch quy mô lớn xây dựng trong rừng phòng hộ. Còn tại huyện Quỳnh Lưu, có 19 trang trại lớn nhỏ xây dựng trong rừng phòng hộ. Gọi là những trang trại, những ngôi nhà xây dựng trong rừng phòng hộ, nhưng trên thực tế, hầu hết ở những khu vực này hiện nay đều không có rừng. Xung quanh đó phần lớn là những cánh đồng dứa, mía mà người dân canh tác lâu nay.

Tại xã Quỳnh Tân, không chỉ có ông Toàn, ông Cần mà có tới gần nửa thôn 4 với khoảng 70 hộ dân hiện đang lọt thỏm giữa rừng phòng hộ. Còn tại xã Tân Thắng, ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã cho biết, qua kiểm tra trên địa bàn phát hiện 5 lán trại xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Trong số này, có 1 lán trại xây dựng năm 2007 đã được chính quyền yêu cầu tháo dỡ. 4 lán trại còn lại là xây dựng trước thời điểm Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An được thành lập nên chính quyền chỉ có thể yêu cầu người dân không xây dựng mới.