Lỗ hổng và lòng tham

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chỉ đến khi cơ quan chức năng công bố thông tin cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp mở 450 tài khoản chứng khoán “ma” để thao túng thị trường thì mọi người mới té ngửa về sự trâng tráo khủng khiếp của lòng tham và lỗ hổng đáng sợ ở khâu quản lý.

Trịnh Văn Quyết từ hình ảnh đĩnh đạc của một “doanh nhân thành đạt” ngày càng lộ nguyên hình hài gian xảo sau khi từng lớp sự thật đang được bóc dần ra. Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng lộ ra những cá nhân không đáng tin cậy.

Như chúng ta đã biết, Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975 tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là một doanh nhân vô cùng nổi tiếng. Theo “truyền thuyết”, ngay từ những năm trên giảng đường đại học, ông đã bộc lộ các “tố chất thương trường”. Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc mở một trong những văn phòng gia sư và sau đó thì buôn bán điện thoại, đại ý là một sự khởi đầu giản dị! Sau thời gian tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, năm 2010 ông thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, chính thức ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành trải dài từ Bắc chí Nam. Lúc bấy giờ, quả thực là FLC của ông Quyết đi đến đâu thì thị trường bất động sản sôi động đến đó. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản, năm 2017, ông Quyết chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Sau đó thì Bamboo Airways cất cánh chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2019.

Hình ảnh minh họa: Tư liệu

Hình ảnh minh họa: Tư liệu

Tuy nhiên, mặc dù hình ảnh về một doanh nhân trẻ thành đạt vẫn phấp phới đây đó trên các kênh truyền thông, mặc dù các cơ quan quản lý thị trường vốn vẫn “lặng như tờ” thì cư dân mạng lại đã đồn đoán về không ít biểu hiện “lâm sàng” của ông Quyết, ít nhất thì cũng trên thị trường chứng khoán. Những bất thường về giá cổ phiếu và những đợt giao dịch khủng đều được cư dân mạng “đọc vị”. Ấy mà điều lạ lùng là các cơ quan quản lý chuyên ngành, người được giao các công cụ giám sát cũng như quyền năng xử lý thì chỉ có ra những quyết định xử phạt mà cư dân mạng ví là “Muỗi đốt i-nốc”. Lòng tin vào thị trường chứng khoán cứ thế bị bào mòn, trong lúc bóng ma “đội lái” thì vẫn lẩn khuất đâu đó để sẵn sàng “cuỗm” tiền của các nhà đầu tư chân chính.

Ngược dòng sự vụ, tháng 11/2017, ông Quyết đã bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin. Ước tính cú này mang về cho ông Quyết trên 400 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu FLC ghi nhận thanh khoản tăng đột biến với hàng chục triệu đơn vị/phiên. Sau khoảng thời gian này, thị giá FLC đã giảm nhanh về vùng 5.700 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, giao dịch bán chui của ông Quyết sau đó chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 65 triệu đồng. Cùng thời gian, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (thời điểm đó) cũng bị phạt với cùng hành vi bán chui hơn 13,69 triệu cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone). Trong đó, giao dịch của FLC Faros được thực hiện ngày 20-24/10/2017, ước tính thu về 136 tỷ đồng theo thị giá cổ phiếu AMD. Tuy nhiên, số tiền mà công ty này bị xử phạt cũng chỉ là 130 triệu đồng. Những ai biết làm phép trừ đều có thể cảm thấy nực cười với hình thức “xử phạt nghiêm minh” này.

Giọt nước tràn ly, điều gì đến đã phải đến, ngày 29/3/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can; đồng thời bắt tạm giam vị doanh nhân “lắm tài nhiều… tai tiếng” này! Chưa hết, cơ quan điều tra còn bắt tạm giam Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga, cả hai đều là em gái ông Trịnh Văn Quyết và đều bị bắt với vai trò đồng phạm. Mọi chuyện bây giờ thì đã lộ tẩy: từ ngày 1/9/2016 - 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập 20 công ty; đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán để thao túng thị trường. Một con số quá khủng khiếp!

Cái lạ nhất trong vụ việc này là: ai cũng hiểu chỉ… Ủy ban chứng khoán là… không hiểu! Tất nhiên cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực không cho phép ai được đứng bên ngoài trách nhiệm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và kết luận: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Tại kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cảnh cáo ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Cũng phải nói thêm, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà ông Trịnh Văn Quyết từng “làm mưa làm gió” trên thị trường.

Thôi thì cuối tuần gác lại thế sự đau đầu để đến với một câu chuyện giải trí khác: Chuyện rằng, ở nước nọ, có một người nọ đang yên đang lành bỗng nhiên bị mất chức năng khứu giác. Có bệnh thì vái tứ phương, gã đàn ông mù mùi đáng thương ấy mới sấp ngửa tìm cách chạy chữa. Khi cơn chán nản tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm thì anh ta tìm sự giúp đỡ của một vị pháp sư cao tay. Sau ba tuần hương, bảy tuần nước lã, vị pháp sư đưa lên mũi bệnh nhân một thìa nước mắm và hỏi “Con có ngửi thấy mùi gì không?”. Người đàn ông buồn bã lắc đầu. Vị pháp sư kiên nhẫn đưa ra trước mũi bệnh nhân một cốc nước sông Tô Lịch, “Con có ngửi thấy mùi gì không?”. Gã đàn ông khốn khổ lại một lần nữa buồn bã lắc đầu. Vị pháp sư cảm thán: “Những mùi đặc trưng mà con vẫn không nhận ra, coi như bệnh tình đã vô phương cứu chữa”. Nói xong, ông hài hước vớ chiếc phong bì bên cạnh rồi đưa lên mũi bệnh nhân: “Con có ngửi thấy mùi gì không?”. Người đàn ông giãy đành đạch và hét toáng lên: “Có, có thưa thầy, con ngửi thấy mùi tiền!”.

Tất nhiên đấy là chuyện bịa, tiền làm gì có hương vị! Mà muốn ngửi được hương vị của tiền thì có lẽ phải tạo ra… lỗ hổng chứ! Ai không tin cứ hỏi mấy vị trong vụ thao túng chứng khoán thì biết!