Lo ngại Nga nên Thụy Điển thay đổi chiến lược quốc phòng

(Baonghean.vn) - Trong phiên họp mới đây, Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu thông qua đề xuất Thụy Điển có thể xem xét gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai. Cùng với việc thông qua khoản ngân sách quốc phòng lớn nhất trong 70 năm, đây là bước chuyển chiến lược của Thụy Điển sau nhiều năm duy trì chính sách trung lập và không liên kết. Và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultvuist đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân quan trọng nhất đằng sau những thay đổi này là hành động của Nga ở khu vực Baltic.

Bước chuyển chiến lược

Đề xuất “gia nhập NATO có thể là một lựa chọn trong tương lai” nhận được 204 phiếu thuận so với 145 phiếu phản đối trong phiên họp của Quốc hội Thụy Điển. Tất nhiên, việc bỏ phiếu này không có nghĩa Thụy Điển sẽ ngay lập tức tiến hành các thủ tục xin gia nhập NATO, nhưng đã xác lập một vị trí rõ nét hơn cho lập trường “Lựa chọn NATO” đang được đề cập ngày càng nhiều trong chính giới Thụy Điển thời gian gần đây. Cùng với bỏ phiếu thông qua đề xuất “Lựa chọn NATO”, Quốc hội Thụy Điển còn thông qua việc tăng 40% ngân sách quốc phòng cho giai đoạn 2021-2025 lên 89 tỷ Kronor (tương đương 10,6 tỷ USD). Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 70 năm, kể từ sau khi Thụy Điển từ chối gia nhập NATO vào năm 1949.

Thụy Điển tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, trong đó có hạng mục mua sắm thêm máy bay chiến đấu. Ảnh: Euro Post
Thụy Điển tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, trong đó có hạng mục mua sắm thêm máy bay chiến đấu. Ảnh: Euro Post

Ủng hộ “Lựa chọn NATO” và tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục được đánh giá là bước chuyển chiến lược trong chính sách quốc phòng của Thụy Điển, có thể làm thay đổi chính sách trung lập mà nước này đã duy trì trong suốt 200 năm qua. Cần nhắc lại rằng, dù không là thành viên của NATO, nhưng Thụy Điển và quốc gia láng giềng Phần Lan vẫn duy trì mối quan hệ với khối quân sự lớn nhất hành tinh này từ năm 1994 khi cùng NATO ký kết thỏa thuận Quan hệ Đối tác vì Hòa bình. Ngoài ra, năm 2014, cả 2 nước đã ký thỏa thuận hợp tác với NATO, cho phép NATO tập trận trên lãnh thổ Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời cùng tham gia cuộc tập trận Thử thách Bắc Cực năm 2015 của NATO. Tuy nhiên, dù hợp tác với NATO, Thụy Điển vẫn cố gắng cân bằng mối quan hệ với Nga. Do vị trí quá gần với nước Nga và lại nắm giữ vai trò chiến lược ở Bắc bán cầu, kiểm soát con đường từ biển Baltic ra Đại Tây Dương nên ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển cùng với Phần Lan vẫn duy trì con đường trung lập, không liên kết. Thụy Điển thực hiện mô hình mà quốc tế gọi là “mô hình Phần Lan”, tức là cố gắng trung lập giữa Nga và phương Tây, bởi Thụy Điển hiểu rằng, nếu sự cân bằng chiến lược này đổ vỡ có thể tạo ra sự thay đổi nghiêm trọng, và Thụy Điển sẽ bị đặt vào thế đối đầu trực diện vô cùng nguy hiểm với Nga.

Nga là yếu tố khiến Thụy Điển cố gắng duy trì chính sách trung lập suốt nhiều năm qua, nhưng cũng chính mối lo ngại từ Nga khiến Thụy Điển phải đưa ra những thay đổi chiến lược về chính sách quốc phòng, khởi đầu bằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Hàng loạt những động thái của Nga sau đó như can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine, duy trì các hoạt động ở Belarus, liên tục nâng cấp năng lực quân sự, tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn… đang khiến Thụy Điển vô cùng lo ngại. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultvuist đã thẳng thắn tuyên bố rằng, Thụy Điển nhận thấy một môi trường an ninh mới, trong đó, Nga sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện các mục tiêu chính trị. Vì thế, Thụy Điển buộc phải tìm cách để tự bảo vệ mình trước môi trường an ninh đầy rủi ro. Việc Thụy Điển hồi tháng 8 đã triển khai quân đội tới đảo Gotland ở Baltic sau khi phát hiện tàu chiến của Nga di chuyển gần hòn đảo là động thái cho thấy rõ mối lo ngại này. Với Thụy Điển, Gotland là hòn đảo chiến lược, có nguy cơ bị đánh chiếm một khi xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga và các nước phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultvuist tuyên bố Nga là nguyên nhân khiến Thụy Điển tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultvuist tuyên bố Nga là nguyên nhân khiến Thụy Điển tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Ảnh: Getty

Xu thế xích lại NATO

Cần nhắc lại rằng, việc Quốc hội Thụy Điển chấp thuận đề xuất “Lựa chọn NATO” không phải là một cam kết gia nhập. Nhìn sang quốc gia láng giềng, Phần Lan cũng từng thông qua một lựa chọn như vậy từ năm 1995 nhưng đến nay vẫn chưa phải là thành viên của NATO. Nhưng giới phân tích cho rằng, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Thụy Điển có thể báo hiệu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong cuộc tranh luận về gia nhập NATO trong chính giới Thụy Điển - cuộc tranh luận xung quanh câu hỏi liệu việc duy trì vị trí bên ngoài NATO có phải là lựa chọn an toàn nhất cho Thụy Điển hay không.

Cho đến nay, chính giới Thụy Điển vẫn phân chia thành 2 luồng ý kiến đối lập. Chính phủ thiểu số hiện tại của đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh, cộng với đồng minh là các đảng cánh tả vẫn phản đối việc gia nhập NATO. Các đảng này lập luận rằng trung lập là một giá trị lâu đời mà Thụy Điển duy trì được trong một thế giới phân cực và đã đem lại nhiều lợi ích cho đất nước. Hơn nữa, việc xích lại gần NATO có thể bị nhìn nhận là sự chống đối không cần thiết đối với Nga và có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh vốn đã căng thẳng dọc sườn phía Đông của châu Âu. 

Ở chiều ngược lại, 4 đảng trung hữu gồm đảng Ôn hòa, đảng Tự do, đảng Trung tâm và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo ủng hộ ý tưởng gia nhập NATO, vì cho rằng Thụy Điển cần sự đảm bảo về an ninh, quốc phòng nhờ dựa trên tư cách thành viên của NATO. Nếu phe phản đối gia nhập NATO cho rằng, vị thế trung lập là một giá trị lâu đời, thì phe ủng hộ lại cho rằng đây là một chiến lược nguy hiểm, đẩy Thụy Điển vào “vùng đất không người” khi không có cam kết phòng thủ lẫn nhau giữa các thành viên NATO. Bên cạnh phiên bỏ phiếu của Quốc hội, phe ủng hộ NATO gần đây còn giành được thắng lợi lớn khi đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu trước đây phản đối ý tưởng này thì nay lại đảo chiều lập trường nhằm thúc đẩy hợp tác với khối trung hữu trong một loạt lĩnh vực khác. Động thái “chuyển phe” của đảng Dân chủ Thụy Điển được cho là nguyên nhân quan trọng khiến các vấn đề liên quan quốc phòng trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của các cuộc bầu cử gần đây.

Chủ đề gia nhập NATO ngày càng được thảo luận nhiều tại Thụy Điển. Ảnh: The Observer
Chủ đề gia nhập NATO ngày càng được thảo luận nhiều tại Thụy Điển. Ảnh: The Observer

Một diễn biến đáng chú ý khác là tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO trong công chúng Thụy Điển đang gia tăng trong những năm gần đây. Nghiên cứu của Viện SOM thuộc Đại học Gothenburg gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ và phản đối gia nhập NATO đang ở mức ngang nhau khoảng 30%. Đây là sự thay đổi rõ ràng khi so sánh với kết quả cuộc khảo sát tương tự năm 1994, với tỷ lệ phản đối là 48% so với 15% người ủng hộ. Giới phân tích cho rằng, câu chuyện Thụy Điển gia nhập NATO diễn biến theo chiều hướng nào sẽ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục cử tri của các đảng phái trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào năm 2022. Nếu phe ủng hộ NATO “đánh bật” được phe thiểu số trung tả khỏi vị trí cầm quyền, họ có thể thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này để mở đường cho việc cùng với Phần Lan hợp tác với NATO để ứng phó với bất kỳ hành động gây nguy hiểm nào của Nga ở khu vực Baltic.

Tin mới