'Lỡ nửa cuộc đời' vì sức khỏe dân đảo

(Baonghean.vn) - Đối với một người bình thường, sau 8 tiếng làm việc, thời gian còn lại họ sẽ dành cho bản thân và cho gia đình. Thế nhưng lại có một người đã dành tới gần cả cuộc đời âm thầm, lặng lẽ với công tác chữa bệnh cứu người, ông là bác sỹ Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Bệnh viên Quân dân y Phú Quý.

Bước ngoặt cuộc đời

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh được Bộ Y tế phân công vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận). Chàng bác sỹ quê lúa mang theo bao khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ những mong đem kiến thức về chuyên khoa ngoại, ngành sản khoa phục vụ bà con.

Năm 1986, trong một đợt tăng cường cán bộ ra huyện đảo Phú Quý công tác 3 năm, bác sĩ Lĩnh xung phong đi, khi đó ông mới 27 tuổi và cũng vừa mới cưới vợ ở quê xong. Huyện đảo Phú Quý những năm ấy, cái gì cũng thiếu, bốn bề toàn cát trắng. Trong trí nhớ bác Lĩnh, Bệnh viện Phú Quý ngày ấy không hơn gì một bệnh xá xã bây giờ. Khu đất rộng hoang sơ với ngôi nhà cấp 4 rộng 300m2, trong đó một dãy cho điều trị, một nơi làm chỗ ở cho y bác sĩ, nhân viên. Dụng cụ y tế cũng chỉ lèo tèo vài cái nhiệt kế, ống nghe...

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý. Ảnh Internet.
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý.

Nhớ về thời khắc sinh tử khi ông lần quyết định mổ cấp cứu cho một bệnh nhân trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, ông vẫn không khỏi “rùng mình”. Bệnh nhân khi ấy là người phụ nữ 24 tuổi, có thai tháng thứ 4 được đưa tới bệnh viện khi đã bị viêm phúc mạc toàn thể, bị đau cách đó khoảng 10 ngày nên buộc phải chỉ định mổ cấp cứu. Hồi đó cả đảo chỉ mình tôi là bác sỹ, các cán bộ y tế ở đảo chưa ai làm phẫu thuật, cũng chưa từng được hướng dẫn phẫu thuật. Thế nên trước khi vào mổ, tôi “làm tâm lý” và hướng dẫn mọi người hấp dụng cụ sát khuẩn bằng một chiếc nồi unicef trên bếp dầu. Sau đó chúng tôi tiến hành mổ trong điều kiện ánh đèn măng sông, bàn mổ là bàn đỡ đẻ. Khi mổ ra, toàn ổ bụng bệnh nhân đều là mủ, tôi đã quyết định hút mủ và theo dõi bệnh nhân trong suốt 2 tuần lễ cho đến khi bệnh nhân xuất viện.

Lần khác, bác sỹ Lĩnh cũng phải chữa trị cho một ca bệnh hiểm nghèo. Bệnh nhân khi ấy là một ngư dân đánh bắt xa bờ, được đưa vào bệnh viện sau 20 ngày đau bụng dữ dội. Ông kể: “Khi thực hiện ca mổ, trong bụng bệnh nhân là một ổ dịch, mủ. Ngay lập tức tôi cũng phải ra quyết định cắt khoảng 50cm ruột của bệnh nhân. Ca mổ kéo dài khoảng 5 tiếng và sau đó là hơn 10 ngày thức trắng đêm, túc trực quan sát từng biểu hiện bệnh, đồng thời liên tục phải hút mủ vệ sinh vết mổ cho đến khi bệnh nhân khỏe hẳn”.

Tiếng lành đồn xa, sau nhiều lần phẫu thuật và cứu sống bệnh nhân thành công, nhiều người đã bỏ hẳn thói quen mời thầy cúng chữa bệnh, mà nhất nhất nghe theo sự chỉ dẫn và thăm khám của “bác Lĩnh”. Và đấy cũng là lý do khiến 3 lần ông có quyết định chuyển vào đất liền nhưng không thể thực hiện. Đấy là những bức tâm thư cả chục trang giấy cùng hàng chữ ký, trong đó có những trang giấy nhòe đi vì nước mắt đã giữ ông ở lại, đã khiến ông tình nguyện hy sinh trọn đời nghề nghiệp, hy sinh cả cuộc sống riêng, bổn phận là con, làm chồng, làm cha của mình để ở lại với người dân trên đảo tiền tiêu.

Clip tâm sự của Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh và con gái:

(Clip có sử dụng tư liệu của VTV)

Sự hy sinh thầm lặng

“Em nghĩ có một người nào mà phải đi xa nhà 30 năm thì chắc chắn đó là lý do do cuộc sống mưu sinh hay một lý tưởng nào đấy. Không ai muốn xa gia đình dù chỉ là một ngày chứ đừng nói đến 30 năm. Đối với một người bình thường, sau 8 tiếng làm việc thì thời gian còn lại họ sẽ dành cho bản thân và cho gia đình. Nếu một người nào đấy mà phải dành 30 năm cho công việc thì chắc là sau giờ làm việc họ sẽ chẳng có gì cả và họ cũng đã bỏ lỡ một nửa cuộc đời của mình. Nhất là nếu người đấy đã là cha, là mẹ thì người ta đã bỏ lỡ tất cả những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời con cái của mình, chẳng hạn như những lúc con biết bò, biết nói, biết đi, bắt đầu đi học, vào đại học”... Đó là chia sẻ đẫm nước mắt của con gái bác Bùi Đình Lĩnh, chị Bùi Thị Tuyết Nhung tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015.

Chị
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung chia sẻ về nỗi nhớ thương, sự tự hào của mình về người cha của mình.

Tất nhiên, trong 30 năm làm công tác chữa bệnh trên đảo, còn bỏ lỡ rất nhiều thời khắc quan trọng khác của đời người nữa. Nhưng có lẽ thời khắc khi anh không thể ở bên cha mẹ “lúc về già” khiến ông day dứt nhất, ân hận. Mẹ ông mất ông cũng không về được vì vào đúng dịp biển động không có tàu. Đến khi cha ốm yếu, ông về chăm sóc được vài ngày, khi vừa quay ra đến đảo, ông nhận được tin cha qua đời. Vậy là lại chờ tàu để quay về. Nhưng khi ông về đến làng thì linh cữu của người cha đã ra đến huyệt mộ. Khi về nhà, đứng trước bàn thờ của cha mẹ chỉ biết quỳ xuống nói con xin lỗi.

Ông chia sẻ, 30 năm công tác, mỗi một lần có thư của gia đình gửi vào vui mừng quên cả ăn. Nhất là những bức thư của người con gái, mỗi một lần đọc tôi đã phải khóc. Có lần con gái gửi thư và làm thơ cho thôi, bài thơ chứa chan tình yêu, sự tự hào và ẩm chứa trong đó nỗi nhớ thương quay quắt: Bố em ở xa lắm/ Tận miền đảo xa xôi/ Bố là bác sĩ đó/ Cứu chữa cho bệnh nhân/ Ngày đêm bố tất bật/ Vì bệnh nhân mong chờ/ Thương bố em phải cố/ Học hành chăm thật chăm”. Hay trong một lần về quê, khi tiễn ông ra bến xe, cô con gái lúc đó mới học lớp 5, nước mắt ngắn, dài, nhét vào túi áo ông chiếc khăn mùi soa. Lúc lên xe, ông mới mở ra khăn ra thấy bài thơ chép bằng bút mực tím học trò của con trên đó: “Khăn cho ngày xa cách/ Bố và con đó thôi/ Khăn để chấm nước mắt/ Mỗi khi bố nhớ con/ Khăn mang nhiều điều lắm/ Mang cả tình bố con”.

Nghe bố nhắc lại những kỷ niệm, chị Bùi Thị Tuyết Nhung không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động: “Thời đó, một lần hiếm hoi bố từ đảo về quê. Tôi gặp bố ở ngoài cổng. Bố cho tôi bánh kẹo nhưng thú thực lúc đó tôi đâu có biết đó chính là bố mình. Tôi chạy vào khoe với mẹ rằng có một chú cho bánh. Lớn lên một chút, những lần về thăm nhà, rồi khi hết phép, bố xách hành lý bước đi, tôi ôm chặt, bám chân không cho bố đi nữa. Lớn lên chút nữa, mỗi lần đi học về, tôi chỉ đứng ngoài cổng mà không dám bước vào nhà vì biết chắc bố đã đi và vì sợ sẽ cảm giác trống vắng khi không có bố…”.

Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh trong buổi giao lưu Đại hội thi đua yêu nước lần thứ XI .
Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh trong buổi giao lưu Đại hội thi đua yêu nước lần thứ XI .

Câu chuyện về tình phụ tử của hai cha con bác sỹ Lĩnh đủ để chúng ta hình dung về sự hy sinh to lớn của một người bác sỹ đã dành “gần hết cuộc đời” vì sức khỏe, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An, bác sỹ Bùi Đình Lĩnh cho biết: “Chỉ còn một năm nữa là tôi đến tuổi về hưu, điều tôi yên tâm nhất là đến nay công tác y tế trên đảo đã rất tốt, hầu hết các bệnh đều được giải quyết bằng phương pháp hiện đại với lực lượng y bác sỹ giỏi. Chứ nếu không tôi cũng chẳng thể yên tâm mà về quê làm tròn bổn phận của người chồng, người cha với gia đình được”. Nhân ngày thầy thuốc, ông nhắn nhủ đồng nghiệp: “Hãy vì bệnh nhân thân yêu để trở thành người mẹ hiền như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Chúng ta phải luôn coi bệnh nhân như là người thân ruột thịt của chính mình".

C.N

TIN LIÊN QUAN

Tin mới