Lo

Trong tuần cho dù hiến trọn mình cho bóng đá, thì cư dân mạng vẫn tranh thủ bàn luận về một phát biểu thấp thoáng nỗi lo dưới dạng tế bào của vị công bộc nọ, đại ý rằng: “Thanh tra khởi tố nhiều cũng làm giảm nhuệ khí cán bộ, công chức”. Một phát biểu mà tôi tin rằng sẽ được quan tâm nhiều lắm nếu như không có những cái tên như Park Hang-seo hay Công Phượng “chèn ngang” vào. Đúng hay không đúng? Sai hay không sai? Nên hay không nên? Những câu hỏi  lần lượt bị hoang hóa. Là bà con kháo nhau vậy thôi, kiểu như “Tiếng hô vang rừng núi, sao không ai trả lời” ấy mà! Cư dân mạng xưa nay vẫn ngả ngớn thế, có chuyện gì là rộ lên một chặp, khua câu hỏi qua bàn phím rồi mau chóng gác lại để… rộ lên chuyện khác.

Trở lại với phát biểu của vị quan chức nọ, ông lo cũng là lẽ thường tình. Công bộc, tâm tư, nguyện vọng của dân ông còn phải bận lòng huống hồ chi đây lại là diễn biến tâm lý tiêu cực của thuộc cấp. Đành rằng ở đời trước một sự việc mỗi người lại lo một kiểu. Thậm chí ở ngay trong một con người, trước cùng một vấn đề thì mỗi thời điểm lại làm cho người ta lo khác nhau. Có thể là lo ngại, nhưng có khi từ lo ngại dẫn đến lo lắng, có khi từ lo lắng dẫn đến lo sợ, có khi từ lo sợ dẫn đến lo liệu rồi còn có khi từ lo liệu dẫn đến… lo lót!

“Bếp lười bếp chẳng có tro/Người lười người chả chịu lo, chịu làm”. Trẻ thì lo học lo hành, lo rèn luyện phấn đấu. Lớn lên thì lo xây dựng gia đình, lo cho con cho cái, lo kinh tế, lo sự nghiệp… Về già thì lo ốm đau, lo nhà thờ, lo mồ mả tổ tiên, đương nhiên là có lo cả… hậu sự. Ai đó từng nói, chỉ có chết mới hết lo -Đúng! Mà cũng chưa chắc!?

Chết mà còn chưa chắc đã hết lo thì sống lo là phải rồi. Lo cán bộ, công chức bị nhụt chí không phải là nỗi lo của kẻ bần hàn, cũng không phải là nỗi lo theo mùa vụ. Nó là nỗi lo thường trực của người có trách nhiệm. Nhỉ? Cha ông ta có câu “Một người lo bằng kho người làm”. Chắc có lẽ ngoài bày tỏ nguyên lý lao động đơn thuần đây còn là thông điệp gửi gắm cho những người quản lý. Trọng trách kê lên vai của “người lo”, quyền lợi hình như cũng thế. Lo sao cho “người làm” có miếng ăn, tấm mặc. Lo sao cho cơ quan đoàn kết yên bề. Đầu năm thì “lo” kế hoạch, giữa năm thì “lo” chỉ tiêu, cuối năm thì “lo” thi đua, “lo” đi Tết…

Thời đại toàn cầu cũng có những nỗi lo xuyên biên giới nữa cơ. Thỉnh thoảng trái gió trở trời, người giữ nút bấm hạt nhân hắt hơi sổ mũi thì cả nhân loại cuống cuồng tìm cách rút củi đáy nồi. Thị trường chứng khoán, thị trường dầu lửa cho đến thị trường vàng dẫm chân nhau bấn loạn. Một nạn nhân tử vong mãi bên kia bán cầu bởi dịch Ebola cũng làm cho chị bán rau chợ quê mất ăn, mất ngủ. Bà con ngư dân ra khơi chở theo nỗi lo “tàu lạ”, chị trồng dưa thắc thỏm nỗi lo đầu ra. Các tập đoàn kinh tế thì lo chiến tranh thương mại, người gửi tiền thì lo gặp phải ngân hàng “không đồng”, dân chung cư thì lo cháy, bà con ở nhà phố thì lo ngập. Đội tuyển chưa ra sân thì lo thua, đội tuyển thắng thì lo “đi bão”.

Đôi khi đã lo đơn lại còn lo kép, vừa lo tiền học phí cho con lại vừa lo thủy điện xả lũ. Có cả những nỗi lo trên trời rơi xuống. Mỗi hồ chứa là một quả bom nước treo nỗi lo vượt nhiệm kỳ trên đầu hạ lưu. Lo, lo lắm! Nỗi lo chằng chịt đan xuyên qua các mối quan hệ của con người. Lo cả chuyện bọn tán tận lương tâm, lợi dụng nỗi lo để khống chế, để đe dọa và để trục lợi. Còn nhớ trước “ngày tận thế” năm ngoái, người ta đổ xô đi mua mì tôm, mua đèn pin, mua mũ bảo hiểm để rồi qua “ngày tận thế” lóp ngóp lo… trả nợ!

Lo là trạng thái rất không yên lòng về một vấn đề nào đó, là phản ứng sợ hãi về một kịch bản thực tế hoặc tưởng tượng. Về bản chất lo là cảm xúc bình thường mà ai cũng phải trải qua. Trước một tình huống nguy hiểm lo lắng là có ích. Tuy nhiên, khi không nguy hiểm mà nỗi lo vẫn hình thành nó được nhốt và ngụy trang cẩn thận trong một góc riêng của não trạng thì nó có thể trở thành bệnh lý. Tôi có ông chú họ tự mình phát hiện thấy khối u ở cằm. Hơn 3 năm rồi ông không đi khám vì sợ bị ung thư. Suốt này ông chú lên mạng tìm hiểu về khối u, càng đọc ông càng nghĩ mình ung thư, càng nghĩ mình ung thư ông càng sợ đi khám. 3 năm ông sống trong lo sợ cho đến tháng 8 vừa rồi ông bị cảm hàn, cả nhà đưa ông vào viện và tiện thể xét nghiệm luôn cái u. Ơn giời, u lành. Bác sỹ chỉ tiểu phẫu, hai ngày chú ra viện. Như bắt được vàng, chú tôi chốt một câu vuông vắn: “Biết ri thì đi xét nghiệm lâu rồi”. Thế đấy. Hoặc là chúng ta đối diện với sự thật cho dù nó nghiệt ngã đến đâu, hoặc là chúng ta tự chôn mình trong địa ngục của nỗi lo sợ. Hãy nỗ lực kiểm soát nỗi lo khi còn có thể, đừng để nỗi lo kiểm soát bạn. Tôi đang lo bệnh thành tích sẽ biến một bộ phận giáo viên thành nỗi sợ hãi của học trò, chả biết Bộ có lo không?

Chữ lo ngày nay được sử dụng linh hoạt hơn. “Đểu” nhất là người ta lấy chữ “lo” thay cho chữ “chạy”. Kiểu như “lo” cho cháu vào ngành C…, “lo” cho ông anh ra nước ngoài chữa bệnh; “lo” cho hai bên nội, ngoại 2 suất thương binh giả; “lo” cho đứa cháu giảm án; lo cho cậu thư ký lọt vào quy hoạch A2. Có những người lo mãi, lo đến kiệt quệ mà cũng không xong bèn tếu táo, lo gì thì lo cũng nỏ bằng lo tàm (làm to). Ấy là đùa vậy!

Năm ngoái Sa Pa lạnh âm độ, một số người trẻ hớn hở đua nhau check-in chụp ảnh bên cạnh những người nông dân miền sơn cước đang chép miệng nhìn vườn rau mơn mởn bị băng lạnh xé tan hoang. Đôi khi sự hân hoan của người này là nỗi buồn của người khác. Thành công của người này là nỗi lo của người kia. Cuộc chiến chống tham nhũng đang khẳng định quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Lời khẳng định “không có vùng cấm” càng nức lòng cử tri cả nước. Nhưng với chủ nhân của những bàn tay lỡ nhúng chàm thì không hẳn đây là một tin tốt đẹp. Nơm nớp nỗi lo, canh cánh nỗi sợ, có những người không thể chung thân cùng nỗi lo đã buộc phải tính nước “bỏ của chạy lấy người” bằng cách “lo” sẵn cho mình một quốc tịch thứ hai. Người tính không bằng trời tính, lưới người nhỏ hơn lưới trời.

Không chống tham nhũng thì lo “vỡ trận”, chống không khéo thì lo “vỡ bình”. Bà con cử tri nức lòng với những kết quả “chưa từng có”, những cũng không thể không có những kẻ mỗi ngày hú vía mấy lần. Khái niệm “hạ cánh an toàn” đã đi vào quá khứ, cuộc chiến “đốt lò” đã không dưới một lần gọi tên cả những người tưởng chừng như đã vui thú điền viên. Âu đó cũng là nỗi lo mà chủ nhân phải trả cho đời, nỗi lo được ghi sổ nợ từ trong quá khứ huy hoàng.

Trong một phát biểu gần đây người đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng danh thép tuyên bố: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”. Vâng, đừng nhụt chí, cũng đừng “lo”.

Cha ông có câu “Ăn mắm cáy ngáy o o, ăn thịt bò lo ngay ngáy”. Chả biết người ta ăn “mắm cáy” hay “thịt bò” nhưng “lò” đượm lửa vậy quả khó lòng mà “ngáy o o”. Phát biểu mà tác giả đề cập đầu bài viết là phát biểu của một người có trách nhiệm và biết lo xa. Tuy nhiên đã lo là phải… lắng. Lo xa cũng quý nhưng cũng không cần phải lo xa quá. Lo xa quá đôi khi lại thành lo… bò trắng răng.