Lộ rõ nhiều lỗ hổng trong phi vụ lừa đảo của “kiều nữ” ngân hàng

(Baonghean.vn) - Trong ngày đầu tiên diễn ra phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Lam - nguyên cán bộ ngân hàng Eximbank Đô Lương, từ các lời khai của bị cáo và những người liên quan cho thấy rõ nhiều lỗ hổng của ngân hàng này trong việc kiểm soát giao dịch với khách hàng.
Ngày 26/6, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lam (SN 1987), nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tại TP Vinh và 15 bị cáo khác trong vụ “rút ruột” hơn 50 tỷ đồng.
Bị cáo Lam bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 15 cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Eximbank chi nhánh Vinh bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
16 bị cáo hầu tòa vụ “kiều nữ” Nghệ An thụt két hơn 50 tỷ đồng. Ảnh: Phương Thảo
16 bị cáo hầu tòa vụ “kiều nữ” Nghệ An thụt két hơn 50 tỷ đồng. Ảnh: Phương Thảo
Bản cáo trạng dài hơn 50 trang của Viện KSND tỉnh Nghệ An thể hiện từ năm 2012-2016, Nguyễn Thị Lam đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm của 6 khách hàng VIP.
Theo cáo trạng và những lời khai của các bị cáo cùng những người liên quan tại phiên tòa ngày 26/6, Ngân hàng Eximbank Đô Lương lộ rõ rất nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội cho Nguyễn Thị Lam thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội. 
Bị cáo Đặng Đình Hồng - nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương đã chỉ đạo và chấp thuận cho các nhân viên thực hiện rút tiền gửi tiết kiệm trái quy định như khách hàng không trực tiếp có mặt, không có thẻ tiết kiệm, không có chứng minh nhân dân, không có giấy ủy quyền. Kiểm tra đối chiếu chữ ký của khách hàng trên lệnh chi với chữ ký đăng ký trên hệ thống Korebank chưa chặt chẽ. 15 bị cáo khác cũng tham gia vào việc thực hiện giao tiền ở các lệnh chi. 
Bị cáo Nguyễn Thị Lam. Ảnh: Phương Thảo
Bị cáo Nguyễn Thị Lam. Ảnh: Phương Thảo
Lợi dụng sự tin tưởng của đồng nghiệp và những kẻ hở trong việc kiểm soát giao dịch của ngân hàng, bị cáo Nguyễn Thị Lam đã dễ dàng rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt.
Bị cáo Lê Thị Thu Hà - giao dịch viên được điều động công tác tại phòng giao dịch Eximbank Đô Lương từ ngày 7/12/2015 đến ngày 26/12/2015 khai "Bị cáo được điều động tạm thời công tác tại đây 3 tuần. Trong thời gian này, bị cáo cũng không yêu cầu khách hàng ra tận nơi và cung cấp chứng minh thư nhân dân. Bị cáo đã thực hiện 3 lệnh chi với tổng số tiền 1 tỷ 352 triệu 520 nghìn đồng". Các bị cáo khác đều cho rằng do tin tưởng Lam và sự chỉ đạo của lãnh đạo nên đã thực hiện rút tiền gửi các sổ tiết kiệm của khách hàng với các lệnh chi
Khi luật sư đặt câu hỏi đối với bị cáo Lam "tại sao bị cáo được quyền giao dịch với khách hàng?", bị cáo Lam trả lời "lãnh đạo phòng cho phép và đồng ý". 
Luật sư hỏi bị cáo Đặng Đình Hồng "tại sao bị cáo Lam được thực hiện giao dịch với khách hàng trái quy định?". Bị cáo Hồng trả lời "Đó là những đối tượng khách hàng VIP, nhân viên cũng có những áp lực chỉ tiêu...", áp lực chỉ tiêu ở đây được bị cáo Hồng giải thích bao gồm cả chỉ tiêu huy động vốn và cho vay.
Bị cáo Đặng Đình Hồng trả lời câu hỏi của luật sư. Ảnh: Phương Thảo
Bị cáo Đặng Đình Hồng trả lời câu hỏi của luật sư. Ảnh: Phương Thảo
Sau khi nghe các bị cáo khai, chủ tọa phiên tòa cho rằng "đối tượng VIP ở đây là bị cáo Lam chứ không phải là các khách hàng", bởi Lam đã thực hiện quá nhiều hành vi vượt quá thẩm quyền và trái quy định. 
Sau khi vụ việc xảy ra, 6 khách hàng VIP có liên quan đã yêu cầu phía Ngân hàng Eximbank tất toán số tiền trong các sổ tiết kiệm mà họ đã gửi tại ngân hàng. Phía Eximbank khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên vụ án đang trong quá trình xét xử, do vậy phía ngân hàng từ chối cho các khách hàng tất toán các sổ tiết kiệm tiền.
Trong các phiên tòa, đại diện Ngân hàng Eximbank tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Ảnh: Phương Thảo
Trong các phiên tòa, đại diện Ngân hàng Eximbank tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Ảnh: Phương Thảo
Dù đã ly hôn chồng nhưng trong phiên tòa ngày 26/6, ông Nguyễn Huy Lương, bà Lê Thị Yến – bố mẹ chồng của Lam đã được triệu tập để xác định dòng tiền chuyển đi do trước đó trong quá trình điều tra, Lam khai đã dùng 2,1 tỷ đồng trong số hơn 50 tỷ chiếm đoạt được để xây nhà cho bố mẹ chồng.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 4 ngày. 

Tin mới