Loại tên lửa có thể giúp tiêm kích Nga 'chọc mù' không quân Mỹ

Tên lửa tầm xa R-37M có thể giúp chiến đấu cơ Nga tấn công các khí tài trinh sát, tác chiến điện tử của Mỹ ở khoảng cách xa.

loai-ten-lua-co-the-giup-tiem-kich-nga-choc-mu-khong-quan-my

Tên lửa tầm xa KS-172. Ảnh: Sukhoi

Máy bay cảnh báo sớm (AWACS), khí tài tình báo, do thám và trinh sát (ISR), máy bay tiếp dầu và phi cơ tác chiến điện tử là những mắt xích then chốt được ví như "con mắt" trong hoạt động tác chiến của không quân Mỹ. Tuy nhiên, Nga đang nắm trong tay những tên lửa không đối không tầm xa có thể tiêu diệt các mắt xích này, đặc biệt khi trang bị cho tiêm kích uy lực như MiG-31 và Su-57, theo National Interest.

Liên Xô trước đây nhận thức được rằng một trong số các lợi thế chủ yếu của không quân Mỹ và NATO là khả năng phối hợp nhờ các khí tài trinh sát như máy bay AWACS. Nước này đã nghiên cứu nhiều biện pháp đối phó AWACS như sử dụng tên lửa mang đầu dò thụ động, bám theo tín hiệu radar đối phương nhưng không mang lại kết quả khả quan.

Tên lửa R-37 được phát triển từ mẫu R-33 cho tiêm kích hạng nặng MiG-31, ra đời để tấn công các khí tài có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry, trinh sát cơ đa năng E-8C JSTARS và phi cơ do thám RC-135V/W Rivet Joint. Liên Xô dự định trang bị lượng lớn tên lửa này cho tiêm kích MiG-31, lợi dụng tốc độ cao và trần bay lớn để tăng tầm hoạt động của tên lửa, hạn chế khả năng máy bay hộ tống của đối phương kịp đánh chặn.

"R-37 là tên lửa chuyên dùng để diệt khí tài ISR rất phổ biến của phương Tây trong thập niên 1990", chuyên gia Mike Kofman ở Trung tâm phân tích hải quân Mỹ (CNA) nhận định.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiếp tục nghiên cứu dự án R-37, nhưng tiến độ diễn ra chậm do vấn đề tài chính. Dự án này thậm chí còn bị hủy năm 1997, trước khi tái khởi động để cho ra đời biến thể hiện đại hóa R-37M (RVV-BD) ngày nay. Tên lửa R-37M có thể sử dụng hệ dẫn đường quán tính kết hợp hiệu chỉnh đường bay từ tiêm kích ở pha giữa, sau đó sử dụng đầu dò radar chủ động trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu.

loai-ten-lua-co-the-giup-tiem-kich-nga-choc-mu-khong-quan-my-1

Mô hình tên lửa R-37M (RVV-BD) được Nga trưng bày. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Trong thực chiến, máy bay MiG-31 sẽ bất ngờ tăng tốc hướng về mục tiêu và phóng loạt đạn R-37M. Radar mảng pha Zaslon-M đủ sức dẫn bắn cho R-37M ở khoảng cách hàng trăm km, trước khi tên lửa vào tới tầm hoạt động của đầu dò radar chủ động tích hợp trên quả đạn. Mẫu R-37M cũng có thể trang bị hệ thống kháng nhiễu như tên lửa AIM-120D AMRAAM của Mỹ, nhằm đối phó với tiêm kích tấn công điện tử như EA-18G Growler.

Năm 2014, Nga bắt đầu sản xuất đại trà tên lửa R-37M. Hiện nay, nó đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ tại các đơn vị trang bị biến thể MiG-31BM hiện đại hóa. R-37M được cho là từng đánh chặn thành công mục tiêu ở khoảng cách 260 km, dự kiến được lắp cho tiêm kích Su-35S và Su-57 trong tương lai.

Dù đã sở hữu mẫu R-37M uy lực, Moscow có thể đang phát triển dòng tên lửa đáng sợ hơn mang tên Novator KS-172. Đây là loại vũ khí có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 400 km, vượt xa tầm bắn tối đa 320 km của R-37M. Hiện không rõ dự án KS-172 đã hoàn thiện và bắt đầu sản xuất hàng loạt hay chưa, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nó là một dự án dài hạn.

Các mô hình KS-172 được Nga trình diễn có nhiều nét tương đồng với tên lửa phòng không tầm trung Buk. Quả đạn được cho là có chiều dài 6 m cùng tầng đẩy sơ tốc dài 1,4 m, đường kính 0,4 m, sải cánh 0,6 m và nặng 748 kg. KS-172 có thể đạt tốc độ hơn 4.000 km/h, chịu quá tải gấp 12 lần trọng lực và mang đầu đạn nổ mảnh. Quá trình phát triển KS-172 tập trung chủ yếu vào đầu dò radar, hệ thống lái tự động, khả năng kháng nhiễu và tổ hợp điều khiển bằng vector luồng phụt 3D.

loai-ten-lua-co-the-giup-tiem-kich-nga-choc-mu-khong-quan-my-2

Tên lửa KS-172 treo dưới cánh tiêm kích đa năng Su-35. Ảnh: MAKS

Phần lớn hành trình tới mục tiêu của KS-172 được hiệu chỉnh bằng hệ thống dẫn đường quán tính. Tên lửa trang bị đầu dò radar chủ động, được cải tiến từ mẫu Agat 9B-1103M trên tên lửa đối không tầm trung R-27R. Nó có thể khóa mục tiêu lớn cỡ tiêm kích từ khoảng cách 40 km.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiêm kích thế hệ 5 của Nga chưa cần trang bị một tên lửa tầm xa như KS-172, nên nhiều khả năng nó sẽ không được đưa vào biên chế không quân nước này.

Các nguồn tin công khai cho thấy Nga đang phát triển thêm nhiều mẫu tên lửa đối không tầm xa để trang bị cho tiêm kích thế hệ 5. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho Mỹ, buộc nước này phải theo dõi chặt chẽ và tìm biện pháp đối phó trong những năm tới, chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận định.

 Theo VNE 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới