Loay hoay đầu ra sản phẩm chăn nuôi VietGAP

(Baonghean) - Chăn nuôi VietGAP (sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đã đem lại những lợi ích thấy rõ cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng nghìn tấn sản phẩm sạch mỗi năm loay hoay, bế tắc trong tiêu thụ.
Sản phẩm sạch khó đầu ra
Xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu) là một trong những địa phương sớm thực hiện chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi VietGAP. Từ năm 2016, trên địa bàn xã có 142 hộ tham gia vào HTX chăn nuôi VietGAP với 187 gia trại, trang trại quy mô bình quân từ 10.000 - 20.000 con gà/gia trại, trang trại và 20 - 70 con lợn/mô hình. Mỗi năm, các hộ dân tạo ra sản lượng khoảng 240 tấn gà thịt, 110 tấn lợn thịt và trên 18 triệu quả trứng gà.
Tuy đã chăn nuôi theo quy trình VietGAP, sản phẩm đảm bảo ATTP nhưng việc tìm ra hướng tiêu thụ ổn định, lâu dài vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Đậu Ngọc Hòa - Giám đốc HTX chăn nuôi,  sản phẩm lợn thịt của 40 hộ chăn nuôi lợn hiện đang hoàn toàn phụ thuộc thị trường, giá bán không cao hơn lợn nuôi bình thường mà vẫn rất bấp bênh, nhiều thời điểm nằm trong tình trạng chung bị ế thừa.
Riêng gà thịt, khoảng 30% sản lượng đã ký được hợp đồng tiêu thụ với các “mối” quen như khách sạn, siêu thị, trường học trên địa bàn huyện và TP Vinh, đặc biệt riêng Liên minh HTX Thanh Hóa ký hợp đồng thu mua thường xuyên 20 - 25 tấn sản phẩm/tháng.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, vì hiện HTX và các hộ gia đình chỉ mới được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, trong khi người mua đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc, dán tem sản phẩm thì vẫn chưa làm được”, ông Đậu Ngọc Hòa chia sẻ. 
Nuôi lợn theo mô hình VietGAP gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ảnh: Phú Hương
Nuôi lợn theo mô hình VietGAP gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ảnh: Phú Hương
Từ 10 xã ban đầu triển khai mô hình chăn nuôi VietGAP, đến nay, có 20 xã của 4 huyện là Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu và Nghi Lộc thực hiện (10 xã mô hình và 10 xã nhân rộng), với 1.157 hộ thuộc 58 nhóm tham gia.
Ông Đặng Ngọc Thành, Trưởng ban Khuyến nông xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương cho biết: Hiện là năm thứ 3 tổ sản xuất VietGAP của xã được thành lập và đi vào hoạt động, với 42 hộ tham gia. Thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi hộ nuôi gà thường xuyên có 20.000 - 30.000 con; lợn từ 30 - 50 con. Năm 2017, nằm trong tình trạng thua lỗ, ế ẩm chung, quy mô đàn vật nuôi ở Xuân Sơn giảm hẳn, chỉ còn khoảng 2.500 con gà/hộ.
“Khoảng 90% sản phẩm chăn nuôi VietGAP vẫn đang phụ thuộc vào thương lái, chưa đưa vào các đầu mối tiêu thụ ổn định nhiều, trong khi người tiêu dùng vẫn ưa chuộng thịt lợn nuôi bình thường trong dân hơn vì quan niệm lợn sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ không ngon”, ông Thành cho biết.  
Đầu năm 2018, ông Đặng Anh Tuấn, xóm 7 xã Xuân Sơn, một hộ chăn nuôi VietGAP quy mô lớn đã đầu tư 250 triệu đồng xây dựng lò mổ, trong đó được nhà nước hỗ trợ 140 triệu đồng, bước đầu chuyên nhận giết mổ lợn VietGAP để đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị ở TP. Vinh.
Ông Tuấn cho biết: “Tuy còn rất khó khăn, lò mổ có công suất 30 con lợn/ngày nhưng hiện chỉ có 1- 2 con vào lò mổ/ngày, vẫn mất một chuyến xe chở xuống Vinh nhưng tôi vẫn quyết tâm đi theo hướng này, mở rộng mối tiêu thụ dần để sản phẩm của gia đình và người chăn nuôi tổ VietGAP có đầu ra ổn định”.
Hướng đi nào cho sản phẩm VietGAP?
Hiện nay, tổng sản lượng  chăn nuôi VietGAP trên địa bàn Nghệ An là  khoảng 44.000 quả trứng gà/tháng, 2.900 tấn thịt /năm, trong đó gà thịt chiếm khoảng 1/4.  Thời gian qua, một số tổ nhóm, HTX đã liên kết với các tổ chức như siêu thị, trường học và các khu công nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, nhưng lượng xuất bán ổn định hiện cũng chỉ mới nằm ở mức  khoảng 15.000 quả trứng gà/tháng, thịt lợn 15 tấn/tháng, riêng gà thịt bán ở các chợ, nhà hàng.  
Nhiều gia đình tích cực triển khai chăn nuôi sạch. Ảnh Thái Hiền
Nhiều gia đình tích cực triển khai chăn nuôi sạch. Ảnh Thái Hiền
Vướng mắc trong việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi VietGAP trước hết do chưa tạo được niềm tin và thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Thứ hai, do việc liên kết giữa các hộ nuôi, HTX với doanh nghiệp chưa chặt chẽ và thứ 3, thiếu những cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản đứng ra bao tiêu sản phẩm. 
Trên cơ sở đó, phía ban quản lý, triển khai dự án cho rằng, việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm VietGAP sẽ đi theo 3 hướng.
Thứ nhất, ở những nơi đã quy hoạch được hệ thống gia trại, trang trại chăn nuôi, chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất an toàn tập trung, có sự hỗ trợ để hoàn thiện quy trình chuẩn từ con giống đến truy xuất nguồn gốc và giết mổ để tiêu thụ lượng sản phẩm ổn định với số lượng lớn. Hiện nay, Nghệ An đã hình thành được 3 tổ hợp tác chăn nuôi VietGAP tại Nghi Văn (Nghi Lộc), Nam Giang (Nam Đàn) và Giang Sơn Đông (Đô Lương) và 3 HTX là Diễn Trung, Tây Liên (Diễn Châu) và Đức Thành (Nam Đàn);
Thứ hai, ở những vùng có các trang trại chủ lực và hệ thống trang trại, gia trại xung quanh như ở Xuân Sơn (Đô Lương), sẽ đầu tư xây dựng các lò mổ, đưa sản phẩm đi giới thiệu, chào bán ở các siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sạch, các trường học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh;
Thứ ba, với những nơi chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm rải rác trong dân, hướng đi vững chắc và hợp lý nhất là thực hiện nuôi đúng quy trình, đảm bảo có sản phẩm an toàn, từ đó liên kết với các lò mổ để đưa ra tiêu thụ ở 54 chợ VietGAP đã được dự án bàn giao, đưa vào sử dụng.
Mặc dù 3 hướng đi trên được đưa ra với nhiều kỳ vọng nhưng theo xu thế, sản phẩm chăn nuôi VietGAP ngày càng tăng về sản lượng, đòi hỏi rất lớn vào hệ thống chế biến tiêu thụ ổn định và có thể hướng tới xuất khẩu. Về lâu dài, rất cần những doanh nghiệp đủ mạnh để làm “bà đỡ”, giải quyết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi sạch.

Tin mới