Lối đi nào cho hiệp ước hòa bình Nga - Nhật

(Baonghean.vn) - Đối với Nga, chủ quyền đối với Quần đảo Kuril là điều bất khả xâm phạm. Song Moskva luôn sẵn sàng tìm kiếm một thỏa hiệp phù hợp, đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia Nga và Nhật Bản.
Sự việc Nga sẵn sàng chuyển lại cho Nhật Bản hai hòn đảo trong Quần đảo Kuril, đã làm dậy sóng trong giới truyền thông và chuyên gia trong những ngày qua.
Nguyên nhân xuất phát ở chỗ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thống nhất đẩy nhanh các cuộc đàm phán Nga - Nhật dựa trên Tuyên bố chung năm 1956. 
Vậy trên thực tế, Tuyên bố chung 1956 có ý nghĩa gì và văn bản này có bao hàm rằng, Moskva sẵn sàng nhượng lại các đảo cho Tokyo?
Một góc Quần đảo Kuril. Ảnh: TASS
Một góc Quần đảo Kuril. Ảnh: TASS
Quần đảo Kuril
Kể từ sau Thế chiến II, Nga và Nhật Bản chưa thể ký kết được hiệp ước hòa bình. Rào cản lớn nhất chính là việc tranh chấp lãnh thổ ở phía Nam Quần đảo Kuril (mà Nhật Bản gọi là "lãnh thổ phía Bắc). Những hòn đảo tranh chấp bao gồm: Iturup, Kunashir, Shikotan và một số đảo không có người ở, nằm ở sườn núi Habomai. Các đảo Iturup và Kunashir chiếm 93% diện tích phía Nam Quần đảo Kuril, trong khi Shikotan và Habomai chiếm 7% còn lại. 
Theo lịch sử, những đảo này thuộc về ai? 
Vào thế kỷ XIX, Sa hoàng Nga đã công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với một số đảo thuộc Quần đảo Kuril, và sau Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) chủ quyền này được mở rộng thêm tại Sakhalin, về phía Nam, trên vĩ tuyến 50. 
Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Sakhalin và tất cả các đảo thuộc Quần đảo Kuril đều đã được sáp nhập vào Liên Xô. Theo các điều khoản của Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945, chủ quyền của Nhật Bản bị giới hạn ở các đảo Honshu, Kyushu, Shikoku và Hokkaido, cũng như các đảo nhỏ khác của Quần đảo Kuril. 
Tại sao Nga - Nhật vẫn chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình?
Bởi lẽ, trong văn bản thỏa thuận không bao gồm những điều khoản liên quan đến quyền sở hữu Quần đảo Kuril. Vào tháng 9/1951, tại hội nghị quốc tế diễn ra ở San Francisco, giới lãnh đạo Nhật Bản đã ký một hiệp ước hòa bình với 48 quốc gia tham gia liên minh chống phát xít, trong đó bao gồm điều khoản từ bỏ "tất cả các quyền, căn cứ pháp lý và yêu cầu đối với Quần đảo Kuril".
Tuy nhiên, điều khoản này lại chưa nêu rõ lợi ích nào cho phía Nhật Bản khi từ chối các vùng lãnh thổ này. Chính vì vậy, phái đoàn Liên Xô tại thời điểm đó đã không ký kết và xem đó là bất hợp pháp. 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Japan Times
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Japan Times
Tuyên bố chung là gì?
Đây là một văn bản được Nga và Nhật Bản ký kết năm 1956 về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai quốc gia và khôi phục quan hệ ngoại giao, lãnh sự.
Trong chương 9 của Tuyên bố chung này, Chính phủ Liên Xô đã đồng ý chuyển các đảo Shikotan và Habomai cho Nhật Bản, với điều kiện việc chuyển giao quyền kiểm soát thực sự cho Nhật Bản chỉ diễn ra khi hai bên ký kết được hiệp ước hòa bình. Tuyên bố này đã được Nga và Nhật Bản phê chuẩn vào ngày 8/12/1956.
Tại sao tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa kết thúc?
Năm 1960, Nhật Bản và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này. Văn bản này cho phép Mỹ triển khai lực lượng vũ trang và căn cứ quân sự của mình tại Nhật Bản.
Sự kiện này đã gây phẫn nộ cho giới lãnh đạo Liên Xô bấy giờ. Ngay lập tức, Liên Xô đã bãi bỏ các nghĩa vụ của Nhật tại các đảo Shikotan và Habomai.
Trong một biên bản ghi nhớ ngày 27/1/1960, Liên Xô nhấn mạnh, hai hòn đảo trên chỉ được bàn giao lại cho Nhật Bản, khi tất cả lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi lãnh thổ nước này. 
Liệu các đảo có được trao trả khi Moskva và Tokyo quyết định quay trở lại Tuyên bố năm 1956?
Điều này không bao giờ xảy ra! Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng, chủ quyền của Nga đối với Quần đảo Kuril được xây dựng dựa trên khung pháp lý quốc tế phù hợp, không ai có thể phủ nhận.
Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng, Moskva và Tokyo đang tìm kiếm sự thỏa hiệp, không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của hai bên.
Tuy nhiên, việc quay trở lại định dạng Tuyên bố chung năm 1956 trong đàm phán về hiệp ước hòa bình không có nghĩa là Nga “tự động" chuyển giao lãnh thổ của mình cho phía Nhật Bản.
Thủ tướng Medvedev trong một chuyến công tác ra quần đảo Kuril. Ảnh: Sputnik.
Thủ tướng Medvedev trong một chuyến công tác ra quần đảo Kuril. Ảnh: Sputnik.
Nga không thể không tính đến mối quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản với các nước khác, mà trước hết là Mỹ. Vấn đề này cũng sẽ được lưu ý trong quá trình đàm phán và cần phải tìm được giải pháp hợp lý.
Theo Tổng thống Putin, liên quan đến vấn đề này, các cuộc đàm phán trên cơ sở Tuyên bố chung “đòi hỏi phải nghiên cứu nghiêm túc". 
Quan điểm của Nhật Bản
Theo tờ Asahi Shimbun, Thủ tướng Shinzo Abe trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Putin đã đảm bảo rằng, nếu Nga chuyển quyền kiểm soát một số đảo sang Nhật Bản, các căn cứ quân sự của Mỹ sẽ không được đặt ở đó. 
Ngoài ra, để đẩy nhanh tìm ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền với Nga, Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tham vấn với Washington về việc triển khai các cơ sở quân sự tại nước này. 

Tin mới