Lời sám hối muộn màng của nguyên bác sỹ, mất tất cả vì lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Vốn là bác sỹ trưởng tại một trung tâm tiêm chủng vắc xin lớn, song vì thiếu bản lĩnh, tu dưỡng nghề nghiệp mà Tuấn đã tham gia “chạy” trường, chạy việc. Bằng thủ đoạn tinh vi, Tuấn và Quân đã lừa đảo nhiều người, trong đó có nạn nhân bị lừa 1,1 tỷ đồng. Ngày ra tòa, Tuấn nuối tiếc vì đã đánh mất tất cả từ sự nghiệp lẫn danh tiếng vì lòng tham.

Mất tiền tỷ vì “chạy” trường y cho con

Khoảng tháng 11/2018, bà Trần Thị Kim H. (trú TP. Vinh) dẫn con trai đến Trường Đại học Y Dược Hải Phòng nộp hồ sơ dự tuyển thì gặp Trần Văn Quân (SN 1987), trú TP.Vinh.

Qua gặp gỡ, nói chuyện, Quân giới thiệu bản thân làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có mối quan hệ thân quen với Hiệu trưởng nhà trường, chắc chắn sẽ giúp cho con của bà trúng tuyển vào trường đại học này với chi phí 350 triệu đồng. Tin tưởng nên bà H. đã nhanh chóng giao cho Quân đủ số tiền trên. Sau khi cầm 350 triệu, Quân không thực hiện việc gì liên quan đến thi tuyển và đi học mà tiêu xài cá nhân hết.

Sau khi tiêu hết tiền, Quân liên lạc với bà H. thuyết phục nên chuyển chạy việc cho con trai đi học tại một trường khác vì sẽ tiện lợi cho việc đi lại. Quân cam kết sau khi tốt nghiệp, ra trường con trai bà sẽ được đi làm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, điều kiện là phải đưa thêm 650 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, trong vòng 3 tháng bà H. đã đưa cho Quân đủ số tiền trên.

Do đã bàn bạc với nhau từ trước nên Quân đưa cho Trần Anh Tuấn (SN 1984), trú xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), là bác sỹ làm việc tại Trung tâm tiêm chủng Vắc xin Nghệ An 340 triệu đồng “để lo cho việc trúng tuyển”, số tiền còn lại thì tiêu xài cá nhân hết. Tuấn sau khi nhận tiền của Quân cũng tiêu xài hết.

Sau khi chi cả tỷ đồng, bà H. cứ đinh ninh con mình đã trúng tuyển trường y và sau này sẽ có công việc như mong muốn. Thế nhưng, chờ đợi mãi vẫn không thấy con mình nhập học khiến bà này lo lắng.

Người phụ nữ này liên tục thúc giục, hỏi Quân lý do. Lúc này, Quân và Tuấn tự nghĩ ra cách móc tiền khác khi yêu cầu bà H. đưa thêm 100 triệu đồng để “chạy” vào một trường đại học y có tiếng ở Thái Bình. Cũng như những lần trước, bà H. liền “bắn” tiền vào tài khoản cho Quân.

Quá trình xét xử, nhiều lần Trần Anh Tuấn ngồi chắp tay, cúi đầu. Ảnh: Trần Vũ

Quá trình xét xử, nhiều lần Trần Anh Tuấn ngồi chắp tay, cúi đầu. Ảnh: Trần Vũ

Để qua mắt bà H. tháng 12/2020, Tuấn thuê một người phụ nữ (không rõ tên tuổi, địa chỉ) làm Giấy báo nhập học giả rồi gửi hình ảnh giấy báo nhập học đó cho Quân để gửi cho bà H. Thấy con có giấy báo nhập học, người mẹ ấy vô cùng vui mừng mà không biết rằng đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Chỉ sau thời gian dài chờ đợi, bà mới biết bị lừa nên làm đơn trình báo công an.

Bà H. chỉ là một trong nhiều nạn nhân trong vụ lừa đảo do Trần Anh Tuấn và Trần Văn Quân thực hiện. Tuấn là bác sỹ trưởng làm việc tại Trung tâm tiêm chủng Vắc xin Nghệ An, còn Quân không có việc làm ổn định. Dù cả hai không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm nhưng đã bàn bạc, thống nhất với nhau nhận tiền của người lao động xin việc, tuyển dụng vào làm, đi học tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức như Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Cục Thuế Nghệ An...

Cả hai thống nhất, Quân sẽ chịu trách nhiệm tìm, nhận tiền của người lao động, còn Tuấn thực hiện việc thuê người làm thẻ nhân viên, con dấu tên cho Quân, hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động, bảng đánh giá kết quả phỏng vấn giả… để cung cấp cho Quân sử dụng. Các hợp đồng lao động giả sau đó được Quân chuyển tiếp cho bị hại xem để tạo sự tin tưởng.

Bị cáo Tuấn (phải) và Quân tại tòa. Ảnh: Trần Vũ

Bị cáo Tuấn (phải) và Quân tại tòa. Ảnh: Trần Vũ

Trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2021, khi tiếp cận với các bị hại, Quân tự giới thiệu làm việc tại bộ phận tuyển dụng nhân sự thuộc Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam, có quan hệ thân thiết với lãnh đạo công ty, “bao đậu” cho những người xin việc. Sau đó, Quân đưa ra chi phí yêu cầu người xin việc phải nạp.

Hành vi của các bị cáo rất tinh vi khi đã thuê hội trường rộng lớn ngay tại trung tâm thành phố Vinh để tự tổ chức các buổi phỏng vấn giả người lao động. Các buổi phỏng vấn này đều được Tuấn và Quân sắp xếp bài bản, giống như buổi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự thật khiến bị hại tin tưởng.

Bên cạnh đó, Quân còn tự giới thiệu bản thân quen biết nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành khác có khả năng xin việc làm cho người lao động, xin học tại các trường đại học.

Cơ quan điều tra xác định, Quân và Tuấn cùng nhau thực hiện 18 hành vi lừa đảo để xin việc làm, xin học tại các trường đại học cho 51 người lao động, học sinh với số tiền chiếm đoạt hơn 3,67 tỷ đồng. Trong đó, Quân đã chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng, Tuấn chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng.

Sám hối của nguyên bác sỹ trưởng

Tại phiên tòa xét xử, hai bị cáo Trần Anh Tuấn và Trần Văn Quân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Cả hai thừa nhận không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm nhưng đã bàn bạc, thống nhất với nhau để lừa đảo nhiều người, mục đích để lấy tiền tiêu xài.

Suốt quá trình xét xử, hai bàn tay Tuấn thường đan chặt nhau, cúi đầu, thể hiện sự hối hận. “Vì cuốn theo tiền bạc mà tôi đã đánh mất chính mình, mất cả công việc, khiến người thân, bố mẹ xấu hổ”, Tuấn trình bày tại tòa. Trước sự có mặt của người thân và các bị hại, Tuấn nghẹn ngào trình bày: “Tôi có lỗi với gia đình. Bố mẹ đã nuôi dạy, cho tôi ăn học trở thành bác sỹ. Đáng ra tôi phải tu dưỡng đạo đức, nghề nghiệp để chữa bệnh, cứu người nhưng vì hám lợi nên đã lừa đảo, gây tổn thất lớn về tiền và tinh thần cho nhiều người. Tôi thành thật xin lỗi các bị hại”.

Các bị hại đến tham dự phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ

Các bị hại đến tham dự phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ

Sau khi sự việc bị vỡ lở, Tuấn mới tác động gia đình khắc phục một phần tổn thất cho bị hại. Tại phiên tòa, các bị hại đề nghị 2 bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Xét thấy trong vụ án này bị cáo Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi. Ngoài ra, trong quá trình công tác, bị cáo Tuấn còn có nhiều thành tích xuất sắc được Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen, bố của bị cáo có công với cách mạng, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Do đó, tòa tuyên phạt bị cáo Trần Anh Tuấn 10 năm tù. Trong khi đó, Trần Văn Quân lĩnh án 16 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từng có tiền tài, danh vọng và công việc nhiều người mơ ước nhưng Tuấn đã đánh mất tất cả vì lòng tham, chạy theo đồng tiền…

Tin mới