Lợn nổi lềnh bềnh trong hố tiêu hủy tại vùng dịch huyện Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Trên địa bàn huyện Nam Đàn hiện có 12 xã đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều xã vẫn lơ là với dịch.
Điểm chốt kiểm soát dịch xã Nam Anh tuy có người trực vào giờ hành chính nhưng lại không có dụng cụ gì để phục vụ công tác phòng dịch. Ảnh: PV
Điểm chốt kiểm soát dịch xã Nam Anh tuy có người trực vào giờ hành chính nhưng lại không có dụng cụ gì để phục vụ công tác phòng dịch. Ảnh: PV

Trưa ngày 9/10, PV Báo Nghệ An có mặt tại một điểm chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Tuyệt nhiên không có người nào trực chốt. Đến 2 giờ chiều mới có 2 người đến làm nhiệm vụ tại điểm chốt này, tuy nhiên tại điểm chốt này lại "3 không": không vôi bột, không hóa chất và không có bình phun. Điều đó cho thấy, các phương tiện ô tô qua lại, đặc biệt là phương tiện vận chuyển động vật qua lại không được phun hóa chất.

Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho rằng: Xã đã mua 1 bình phun phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, nhưng do chiếc bình đó thường xuyên sử dụng để phun ở các điểm tiêu hủy lợn, do vậy điểm chốt khi có khi không. Còn vôi bột, xã đã chủ động mua 8 tấn vôi, hóa chất cũng được huyện cấp đủ. Tuy nhiên, vôi và hóa chất được bảo quản tại xã, khi cần mới mang đi sử dụng.
Ông Sỹ cho biết thêm: Địa phương xảy ra dịch đã hơn 1 tháng, số lợn tiêu hủy 510 con, của 57 hộ, tổng trọng lượng hơn 24,7 tấn.
Xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên hố tiêu hủy lợn của xã Nam Anh. Ảnh: PV
Xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên hố tiêu hủy lợn của xã Nam Anh. Ảnh: PV

Đến khu vực tiêu hủy lợn nhiễm dịch của xã Nam Anh, do sau khi có mưa nên nước lềnh bềnh, quan sát cho thấy có 1 xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên hố tiêu hủy lợn. Ông Nguyễn Thúc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã đi cùng cho rằng, có lẽ người nào vứt lợn chết xuống đó, chứ xã thuê máy đào hố sâu 2 - 3m, không thể có chuyện lợn chui lên được. 

Đến xã Nam Xuân, địa phương đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhưng công tác phòng, chống dịch ở đây cũng lơ là chủ quan. Trên các trục đường chính của xã, chỉ thấy 1 điểm chốt ở cuối xã, nhưng không có bóng dáng người trực. Người dân ở đây cho hay, rất ít khi gặp người trực ở điểm chốt này. Bà con lo lắng, giá lợn hơi đang tăng cao, nếu xã không làm tốt công tác kiểm soát dịch thì người chăn nuôi bán tháo lợn, khiến dịch lây lan rộng.
Một điểm chốt kiểm soát dịch trên địa bàn xã Nam Xuân không có bóng dáng người trực. Ảnh: PV
Một điểm chốt kiểm soát dịch trên địa bàn xã Nam Xuân không có bóng dáng người trực. Ảnh: PV

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho rằng: Từ khi dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, đồng thời các xã cũng kiện toàn ban chỉ đạo. Theo đó, huyện giao cho các thành viên trong ban chỉ đạo bám cơ sở, cùng với chính quyền địa phương tập trung phòng, chống dịch. Những địa phương còn lơ là, chủ quan với dịch, huyện sẽ chỉ đạo khắc phục ngay.

Đến ngày 9/10, trên địa bàn huyện Nam Đàn đang có 12 xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày: Nam Anh, Nam Xuân, Nam Hưng, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Vân Diên, Nam Lĩnh, Nam Giang, Nam Cát, Kim Liên, Hồng Long và Khánh Sơn. Số lợn bị nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy 3.802 con, tổng trọng lượng 184 tấn.

Tin mới