Lòng dân ở ‘vùng quê đáng sống’

Về thăm làng Phan, xã Hưng Tân, ấn tượng đầu tiên là những con đường trải bê tông thoáng đáng, sạch sẽ; những gia trại, trang trại rộng lớn bao quanh những cánh đồng. Bí thư Chi bộ làng Phan Hồ Văn Thân (77 tuổi), quần xắn ống thấp ống cao vui vẻ cho biết: “Tối qua mưa lớn, nên sáng nay tôi phải ra thăm đồng để xem tưới tiêu thế nào, còn chuẩn bị cho vụ mùa mới”.

Rót bát nước chè xanh ra mời khách, ông tiếp lời: “Làng chúng tôi trước đây chỉ độc canh nông nghiệp, giờ chuyển đổi ngành nghề nhiều rồi nhưng người dân không ai để ruộng bỏ hoang đâu. Cả làng có 270 hộ, 1.100 nhân khẩu, thì có 90 lao động đang làm việc ở nước ngoài, 390 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ nghề mộc, xây dựng, đi làm công ty…”.

Người dân Hưng Tân treo cờ Tổ quốc. Con đường hoa ở xóm 2 xã Hưng Tân (Hưng Nguyên); đường giao thông nông thôn do cụm dân cư Trung Đức, làng Trung Thượng tự triển khai xây dựng; Người dân Hưng Tân làm con đường bích họa. Ảnh: CSCC - KL
Người dân Hưng Tân treo cờ Tổ quốc. Con đường hoa ở xóm 2 xã Hưng Tân (Hưng Nguyên); đường giao thông nông thôn do cụm dân cư Trung Đức, làng Trung Thượng tự triển khai xây dựng; Người dân Hưng Tân làm con đường bích họa. Ảnh: CSCC - KL

Làng Phan cũng là đơn vị đi đầu trong xã về chuyển đổi diện tích sâu trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả thành 1,5 ha đất gia trại với khoảng 21 hộ dân tham gia. Để có kết quả này, chi bộ và ban cán sự xóm phải đứng ra làm cầu nối để người dân có đất ở vùng sâu trũng tự chuyển đổi cho nhau đủ diện tích đất làm gia trại, trang trại. Phong trào nâng cấp đường giao thông đáp ứng chuẩn nông thôn mới nâng cao cũng được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Người ít nhất đóng góp 10 triệu, người nhiều thì 40 triệu đồng. Đến nay, gần như 100% đường giao thông trong xóm đã được nâng cấp đợt 2, trong đó đường chính rộng 5m, đường lối 4m với tổng chiều dài gần 3.000m. Trên các trục đường đều có đèn điện chiếu sáng và 10 điểm có camera an ninh.

Bí thư Chi bộ làng Phan (giữa) trao đổi với cán bộ xã Hưng Tân về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. Ảnh K.L
Bí thư Chi bộ làng Phan (giữa) trao đổi với cán bộ xã Hưng Tân về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. Ảnh K.L

Khi được hỏi về bí quyết “dân vận khéo”, vị cán bộ từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và có thâm niên làm Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ làng Phan từ năm 2001 đến nay cười hiền: “Ngoài bám phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân làm chủ” thì sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là điều kiện tiên quyết. Ngay cả việc chuyển đổi đất sâu trũng thành trang trại, trong chi bộ cũng có 5 đảng viên tiên phong đi đầu”.

Chỉ cho tôi đống lúa mới thu hoạch đã đóng bao xếp gọn gàng thành hàng cao ở góc sân nhà Bí thư Chi bộ làng Phan, bà Phan Thị Thuận – Chủ tịch MTTQ xã Hưng Tân tiếp lời: “Ngay như gia đình bác Thân, con cái trưởng thành cả, điều kiện kinh tế cũng khá giả, nhà chỉ còn 2 ông bà già nhưng vẫn làm 7 sào ruộng đấy”. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, ông Thân cười: “Mình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thôi, nếu không làm sao vận động được người dân không để ruộng bỏ hoang được”.

Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng bởi sự ghé thăm của một vị khách đặc biệt. Ấy là cụ Hồ Xuân Biểu (92 tuổi đời, 68 tuổi Đảng) – đảng viên gương mẫu của Chi bộ làng Phan, dù tuổi cao vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt xóm đều đặn. Mỗi khi Đảng bộ xã tổ chức quán triệt nghị quyết ở hội trường trung tâm, cụ Biểu đều chống gậy đến để nghe, mới rồi cụ cũng tự đến địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Cụ bảo “mình là đảng viên, phải nêu gương cho quần chúng nhất là thế hệ trẻ…”.

Nói về sự “nêu gương”, ông Nguyễn Trọng Tâm – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Tân cho hay: “Đó là tinh thần được quán triệt trong toàn hệ thống chính trị của xã. Chẳng hạn như vấn đề vệ sinh môi trường – một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xã đã chỉ đạo triển khai mô hình “kẻng sạch từ nhà ra ngõ”. Theo đó, cứ tầm 5h sáng hàng ngày, Chi hội Phụ nữ ở các khu dân cư lại đánh kẻng, mỗi gia đình đều phải cử một người ra dọn vệ sinh ở khu vực trước đường nhà mình, sau này duy trì mỗi tuần một lần, trong đó gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước. Tương tự, đối với việc triển khai làm đường hoa cây cảnh, mỗi đoàn thể phải phụ trách một tuyến đường mẫu để người dân làm theo, cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách các xóm, khi xóm triển khai làm đường hoa thì Bí thư, Chủ tịch xã cũng xuống làm cùng bà con. Hay đơn giản như việc treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ, từ sự gương mẫu của gia đình cán bộ, đảng viên giờ đây đã trở thành nếp của người dân, ở các xóm đều có mô hình cụm cờ Tổ quốc được xây dựng khang trang”.

Bên cạnh đó, với cách tư duy, tiếp cận mới, trọng tâm là phát huy quyền làm chủ của người dân, cũng đang tạo ra những bước đột phá mới cho quá trình hiện đại hóa nông thôn ở Hưng Tân. Ví như chuyện nâng cấp đường giao thông nông thôn đợt 2, xã cho chủ trương, các tổ tự quản liên gia tự hạch toán, tự làm, tự triển khai, tự giám sát; chọn 1-2 tổ kiểu mẫu làm điểm, rồi cứ thế nhân rộng ra. Như ở cụm dân cư Trung Đức (làng Trung Thượng) có khoảng 37 hộ có bìa đỏ nhưng chỉ khoảng 20 hộ có nhà ở, trước đây đường vào cụm này tuy đã bê tông hóa nhưng trũng thấp, hễ mưa to là lụt, đi lại vất vả.

Mỗi xóm, thôn ở xã Hưng Tân đều xây dựng cụm cờ Tổ quốc khang trang. Ảnh: KL
Mỗi xóm, thôn ở xã Hưng Tân đều xây dựng cụm cờ Tổ quốc khang trang. Ảnh: KL

Ông Phan Trọng Hưng – người được nhân dân tín nhiệm phụ trách làm đường cho hay: “Được xã cho chủ trương, chúng tôi đã thương lượng với các hộ dân chưa có nhà nhưng có bìa đỏ cùng hỗ trợ đóng góp mỗi gia đình 10 triệu đồng để làm đường. Người dân tự hạch toán, tự mua vật liệu. Mọi người cùng chung sức, hoàn thành tuyến đường dài 700m, rộng 5m, cả lề là 7m, độ phủ xi măng dày 17-20 phân với tổng kinh phí 380 triệu đồng, trong đó xã ủng hộ 120 triệu đồng tiền xi măng. Từ khi có đường mới, người dân phấn khởi lắm”.

Riêng trong năm 2020, nhờ “dân vận khéo”, Hưng Tân gây ấn tượng khi triển khai làm con đường bích họa trước trụ sở UBND xã dài hơn 100m, làm đường cờ đại đoàn kết từ làng Trung Thượng sang làng Phan; sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng. Xây dựng các bồn trồng hoa trên các tuyến đường trị giá 150 triệu đồng; huy động làm được 3,1km đường bê tông nông thôn tương ứng với 2,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần bằng vật liệu xi măng, còn lại các hộ dân tự nguyện đóng góp tiền và ngày công.

Trên lĩnh vực kinh tế, nhờ “ý Đảng hợp lòng dân’’, bên cạnh cây chủ lực là lúa, nhiều mô hình triển khai đã đem lại hiệu quả cao như mô hình bí xanh vụ đông, mô hình trồng tỏi, dưa chuột… Toàn xã có 157 gia trại, trang trại với tổng đàn trâu, bò 290 con; đàn lợn 1.000 con; Gia cầm 72.700 con, diện tích nuôi trồng thủy sản 51 ha; sản lượng 184 tấn. Hiện đang triển khai thí điểm 3 mô hình nuôi ếch lót bạt và 1 mô hình nuôi cua ruộng lúa cho kết quả tốt; trên địa bàn có 3 làng nghề nấu rượu, đặc sản bánh cà truyền thống và nghề cốm nếp phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập người lao động.

Mô hình tỏi sạch ở làng Đông xã Hưng Tân.
Mô hình tỏi sạch ở làng Đông xã Hưng Tân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Tân Nguyễn Trọng Tâm: “Để có những kết quả nổi bật về mọi mặt như ngày hôm nay, Hưng Tân đặc biệt coi trọng sự đổi mới trong công tác tuyên truyền với nhiều mô hình nổi bật. Trong đó có thể kể đến mô hình đội tuyên truyền lưu động được thành lập cách đây 5 năm với số lượng từ 20-25 thành viên. Khi chưa bùng phát dịch Covid-19, đội tổ chức tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư, nhà văn hóa cụm dân cư vào buổi tối bằng hình thức sân khấu hóa, lồng ghép nhiều kỹ năng, có sự tương tác, trao đổi với người dân theo nhiều chủ đề (xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền phổ biến pháp luật, kế hoạch hóa gia đình…). Qua 5 năm triển khai thực hiện, Đội truyền thông lưu động xã Hưng Tân đã trực tiếp xuống các khu dân cư, cụm dân cư truyền thông trực tiếp 115 buổi với hơn 20 chuyên đề, thu hút gần 17.000 lượt người dân tham dự.

Sau khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, đội chuyển sang tuyên truyền lưu động trên các trục đường chính, các khu vực đông dân cư, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm 5K bằng những kịch bản tuyên truyền đáp ứng tiêu chí dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc. Mô hình này đã được Huyện ủy Hưng Nguyên chọn là mô hình “dân vận khéo” và được Ủy ban MTTQ huyện chọn chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, việc làm mềm hóa chủ trương, chính sách bằng dân ca, ví giặm lồng ghép trong công tác tuyên truyền và dân vận cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân được thành lập năm 2012 với 45 thành viên, hoạt động tích cực vừa bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ tại cộng đồng, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. “Dân ca ví, giặm mộc mạc dễ đi vào lòng người, ứng dụng lồng ghép vào công tác tuyên truyền rất có hiệu quả. Các chủ trương, chính sách khô cứng khi dùng dân ca chuyển tải sẽ được mềm hóa, người dân dễ nghe, dễ nhớ hơn”, bà Phan Thị Thuận – Chủ tịch MTTQ xã Hưng Tân cho hay. Đây cũng là mô hình được Đảng ủy xã Hưng Tân suy tôn điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2014 – 2020.

Xã Hưng Tân vận dụng dân ca ví, giặm vào công tác dân vận, tuyên truyền; Cán bộ xã tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; Hội LHPN xã Hưng Tân tổ chức trực sát khuẩn và tuyên truyền phòng dịch Covid-19 tại khu vực chợ; Mô hình “em nuôi” giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn của Đoàn xã Hưng Tân. Ảnh: KL - CSCC
Xã Hưng Tân vận dụng dân ca ví, giặm vào công tác dân vận, tuyên truyền; Cán bộ xã tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; Hội LHPN xã Hưng Tân tổ chức trực sát khuẩn và tuyên truyền phòng dịch Covid-19 tại khu vực chợ; Mô hình “em nuôi” giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn của Đoàn xã Hưng Tân. Ảnh: KL - CSCC

Ngoài ra, hướng tới nhiều đối tượng, nhiều thành phần, công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã và các xóm cũng như qua hệ thống zalo, facebook của các tập thể và cá nhân cũng được phát huy triệt để với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Nhiều cuộc vận động qua kênh zalo, facebook đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình và lan tỏa sâu rộng.

Một điểm sáng nữa ở xã Hưng Tân ấy là công tác “dân vận khéo” trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn thôn xóm bình yên theo hướng tự quản, tự phòng vệ, tự bảo vệ, tự hòa giải. Minh chứng là các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong đó mô hình “Tiếng kẻng bình yên” đã được Cục VO5 Bộ Công an về khảo sát và ban hành Thông báo 441/TB – V05 ngày 28/4/2021 đề nghị công an các địa phương tham khảo, vận dụng.

Theo đó, đến bất kỳ xóm nào ở xã Hưng Tân đều sẽ thấy chiếc kẻng treo ở trong sân nhà văn hóa cộng đồng. Hàng đêm, cứ vào 22h mùa Đông và 22h 30 phút mùa Hè, công an viên hoặc xóm trưởng các thôn xóm sẽ gõ kẻng để nhắc nhở các gia đình đã đến giờ nghỉ đêm, giữ trật tự chung, không đi chơi khuya. Hệ thống camera cộng đồng hơn 30 mắt được triển khai ở khắp các đường làng trong toàn xã do người dân tự nguyện đóng góp cũng góp phần đắc lực cho công tác đảm bảo an ninh chung. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Hưng Tân còn xây dựng 41 tổ tự quản về an ninh trật tự với 933 thành viên, 4 tổ tự quản kiểu mẫu với 100 thành viên ở các làng và chỉ đạo các đoàn thể xây dựng các mô hình như “Làng quê an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em”, “Đội phản ứng nhanh hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng do bạo lực gia đình, xâm hại tình dục”, “Cổng trường an toàn về an ninh trật tự”… Nhờ vậy, xã không có người nghiện ma túy và những “điểm nóng” về an ninh trật tự, ý thức cảnh giác và chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. An ninh trật tự được đảm bảo, tình đoàn kết xóm thôn, sự hòa hợp “giữa ý Đảng, lòng dân” đã tạo tiền đề cho kinh tế – xã hội của Hưng Tân phát triển.

Từ một địa bàn thuần nông Hưng Tân đã vươn mình thành “miền quê đáng sống”, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người; và hiện đang trên đà về đích nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Tuy nhiên, như Bí thư Chi bộ làng Phan Hồ Văn Thân bày tỏ thì “Trong hành trình xây dựng NTM, chúng tôi luôn ý thức không phải hoàn toàn xóa bỏ cái cũ. Mà từ xã cho đến thôn đều thống nhất quan điểm giữ lại vẻ đẹp vốn có của làng quê, từ giá trị di sản dân ca ví, giặm; làng nghề truyền thống đến bờ ao, bến nước, cây cổ thụ như “lá phổi xanh” của làng, để bất cứ ai đi xa trở về đều cảm thấy không gian làng quê yên bình, thân thuộc”.

Quang cảnh xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).
Quang cảnh xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).