Lớp học tiếng Anh 'không khoảng cách' ở Làng trẻ em SOS Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hơn nửa năm nay, những lớp học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài được mở đều đặn tại Làng trẻ em SOS Vinh. Từ những tiết học này đã nuôi ước mơ và nhân lên hạnh phúc, niềm hy vọng kết nối với những học sinh kém may mắn.

Học sinh càng yếu, thầy giáo càng phải có trách nhiệm

Bốn chị em ruột Tề Anh, Kiều Anh (học lớp 4), Mỹ Nương, Mỹ Ngọc (học lớp 3) đều là thành viên của lớp tiếng Anh giao tiếp dành cho học sinh tiểu học ở Làng Trẻ em SOS. 4 năm trước, vì éo le nên cả mấy chị em đều đi học muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Cũng vì nhút nhát, tiếp xúc với môn tiếng Anh muộn nên khả năng tiếng Anh của các em cũng còn nhiều hạn chế.

Thời gian đầu, khi mới tham gia lớp học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài đứng lớp, 4 chị em còn rụt rè, e ngại mỗi khi thầy gọi trả bài cũ. Nay thì sự nhút nhát đã không còn, thậm chí hai chị em Tề Anh, Kiều Anh còn là thành viên chăm phát biểu, hỏi bài siêng nhất lớp. Cô bé Kiều Anh còn nói rằng, muốn được học tiếng Anh lâu dài để sau này có thể giao tiếp thành thạo với những người khách quốc tế đến với làng và giúp đỡ các em ở cùng nhà.

Lớp học tiếng Anh dành cho học sinh ở Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Lớp học tiếng Anh dành cho học sinh ở Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Scott David là giáo viên tiếng Anh đã có nhiều năm dạy học tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên anh tham gia dự án thiện nguyện dạy học cho học sinh của Làng trẻ em SOS qua sự kết nối của Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng.

Lần đầu đứng lớp ở lớp học đặc biệt này, thầy giáo Scott thẳng thắn khi nói rằng so với nhiều học sinh khác cùng trang lứa mà thầy đã dạy ở các trung tâm, năng lực giao tiếp và vốn kiến thức của học sinh ở đây còn khá khiêm tốn, thậm chí mới chỉ được thang điểm dưới trung bình. Nhưng đó lại chính là lý do để thầy nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm hơn với học trò của mình và cảm thấy vui và hạnh phúc vì được làm công việc đặc biệt này.

Nói về các học trò của mình, thầy Scott chia sẻ: Điều tôi cảm nhận được rất rõ đó là các em rất thích học tiếng Anh và hào hứng tham gia các tiết học một cách đầy đủ. Vì thế, nếu chúng ta kiên trì và cùng cố gắng thì việc học của các em sẽ được cải thiện.

Những giờ học tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên Việt Nam và nước ngoài giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng. Ảnh: Mỹ Hà
Những giờ học tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên Việt Nam và nước ngoài giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Jun - người Philippines - giáo viên tiếng Anh ở Trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng cũng là người tham gia lớp học này từ những ngày mới khai giảng.

Qua tiếp xúc thường xuyên với những học trò đặc biệt của mình, chị nói rằng: Tiếng Anh là một môn học không dễ dàng. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng để các em yêu thích môn học này.

Đồng thời qua mỗi buổi học, chúng tôi cố gắng giúp các em hoàn thiện các kỹ năng, dạy các em cách học tiếng Anh hiệu quả, biết giao tiếp với người nước ngoài.

Bản thân tôi cũng rất hạnh phúc vì được dạy các em bởi không phải khi nào mình cũng được gặp những học sinh ở Làng trẻ em SOS. Tôi cũng thấy tự hào vì mình đã làm được việc có ích cho những người học trò của mình.


Kết nối tinh thần thiện nguyện

Dự án “Nâng cao tiếng Anh giao tiếp cho trẻ em làng trẻ SOS Vinh” được chính thức khởi động và ra mắt vào cuối tháng 7/2022. Tình nguyện viên thực hiện chương trình là Đinh Duy Khôi - một học sinh người Việt hiện đang sinh sống và học tập tại Washington, D.C (Hoa Kỳ). Cách đây một năm, trong dịp nghỉ hè, Khôi có dịp về Việt Nam và đến thăm các học sinh tại Làng trẻ em SOS. Qua trò chuyện với những học sinh ở làng, Khôi biết, ước mơ lớn nhất của các em là được học tiếng Anh với người nước ngoài để tăng các kỹ năng về nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp.

Giờ học ngoại khóa về Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Mỹ Hà

Giờ học ngoại khóa về Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, việc tham gia các hoạt động thiện nguyện là truyền thống của học sinh trung học ở Mỹ. Vì vậy sau khi biết nguyện vọng của các bạn Việt Nam tại quê nhà, nam sinh đang học lớp 11 tại Trường chuyên Khoa học công nghệ Thomas Jefferson ở ngoại ô Washington, D.C đã kết nối với bạn bè của mình và các thầy cô đang dạy học tại Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng để xây dựng dự án này.

Dự án thiện nguyện được tổ chức với mong muốn trang bị các kỹ năng tiếng Anh giao tiếp để trẻ em Làng SOS có thể đón tiếp và giao lưu trực tiếp cùng các đoàn khách quốc tế với tư cách chủ nhà, tạo điều kiện hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ mở ra cơ hội để các em tiếp xúc với kho tàng kiến thức, giao lưu và tìm hiểu về các nền văn hóa mới, góp phần phát triển tiềm năng của học sinh và giúp các em trở thành một thành viên tự lập, biết đóng góp cho xã hội...


Trước khi dự án được triển khai, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên là các giáo viên đang công tác tại Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng, học sinh đăng ký tham gia lớp học sẽ được phỏng vấn, khảo sát nhằm đưa ra đánh giá chính xác nhất để phân loại, xếp lớp và thiết kế lộ trình học tập phù hợp, hiệu quả. Trên cơ sở đó, 100 học sinh của làng đã được chia thành 3 lớp với ba trình độ khác nhau, trong đó lớp A1 dành cho học sinh THCS và THPT và được giảng dạy online bởi các tình nguyện viên đến từ Washington, D.C. Trong khi đó, lớp dành cho học sinh khối Tiểu học và lớp A3 dành cho học sinh khối THCS được giảng dạy bởi các giáo viên đến từ Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng và các tình nguyện viên là giáo viên người nước ngoài do nhà trường kết nối.

Ở lớp học này, bên cạnh dạy lý thuyết, các lớp học đều chú trọng kỹ năng giao tiếp thông qua việc tạo các trò chơi vận động, vẽ, hát và cho học viên thuyết trình bằng tiếng Anh. Điều này nhằm giúp việc học trở nên đơn giản, không bị áp lực từ đó truyền cảm hứng yêu thích tiếng Anh cho học sinh.

Một buổi trao đổi về việc tổ chức các lớp học tiếng Anh ở Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: NTCC

Một buổi trao đổi về việc tổ chức các lớp học tiếng Anh ở Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: NTCC

Sau một thời gian làm quen và được làm việc cùng các học sinh ở Làng trẻ em SOS, tình nguyện viên Đinh Duy Khôi chia sẻ thêm: Khi bắt đầu đứng lớp và giảng tiếng Anh cho các bạn, em có những bỡ ngỡ vì chúng em chưa có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bản thân em không giỏi tiếng Việt, các bạn không giỏi tiếng Anh, đường truyền Internet có khi không ổn định nên không tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, đến nay sau hơn nửa năm triển khai em nghĩ những lớp học online đã bắt đầu có hiệu quả và em rất vui khi được tham gia chương trình này.

Ngoài việc dạy học, thời gian tới nếu các bạn ở Làng trẻ em SOS có nguyện vọng đi du học hay thực hiện các chương trình hoạt động khác ngoài giờ học chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ.

Học sinh và giáo viên tham dự lớp tiếng Anh thiện nguyện. Ảnh: Mỹ Hà

Học sinh và giáo viên tham dự lớp tiếng Anh thiện nguyện. Ảnh: Mỹ Hà

Việc triển khai những lớp học tiếng Anh xuyên biên giới đã mở ra nhiều hy vọng cho những học sinh đang được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Vinh. Đây cũng là một trong ít chương trình thiện nguyện giúp học sinh ở làng có cơ hội được học với những giáo viên nước ngoài hoặc người Việt Nam, người nước ngoài đang làm việc ở các nước bản xứ. Trước đó, rất nhiều học sinh ở làng có năng khiếu và năng lực học tiếng Anh khá tốt nhưng điều mà các em thiếu nhất là môi trường Ngoại ngữ để các em giao tiếp hoặc các em không có nhiều điều kiện để tham dự các lớp học do người nước ngoài đứng lớp vì mức học phí không hề rẻ.

Với các giáo viên và tình nguyện viên nước ngoài tham gia chương trình thiện nguyện này, những lớp học Ngoại ngữ cũng đem đến cho mỗi người những trải nghiệm riêng. Đó cũng là cách để họ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với những học sinh kém may mắn và lan tỏa sự sẻ chia, nhân lên tình thương yêu và hy vọng./.

Tin mới