Lọt đề thi Vật lý và Hóa học không ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh

Đề thi môn Vật lý và Hóa học bị lọt ra ngoài sau khi thời gian làm bài thi của 2 môn này đã kết thúc nên không ảnh hưởng kết quả bài làm của thí sinh.

Bài thi Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Trong đó, môn thi đầu tiên là môn Vật lý, thời gian làm bài từ 7h35’ đến 8h25’.

Theo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh không được mang đề thi ra khỏi phòng thi cho đến khi hết giờ làm bài. Cán bộ coi thi chỉ không thu lại đề của thí sinh đối với môn thi cuối cùng của các bài thi tổ hợp hoặc các bài thi độc lập.

Lọt đề thi Vật lý và Hóa học không ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh ảnh 1
       Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Tuy nhiên, khoảng 9h sáng 26/6, đề thi môn Vật lý, một môn thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, sau đó là cả môn Hóa học đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Trước thông tin đề thi bị lọt ra ngoài trước khi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên kết thúc vào 10h30 sáng 26/6, tại cuộc họp báo chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi môn Vật lý và Hóa học bị lọt ra ngoài sau khi thời gian làm bài thi của 2 môn này đã kết thúc nên không ảnh hưởng đến kết quả bài làm của thí sinh.

Ngay sau khi nhận được thông tin lọt đề thi ra ngoài, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin, điều tra xem trường hợp nào để lọt đề thi ra ngoài.

Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi. Trong đó có 73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin nào cho thấy có hiện tượng đưa lời giải từ bên ngoài vào, không có cán bộ coi thi nào bị xử lý kỷ luật.

Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, tại điểm B, khoản 4, điều 14 của quy chế thi THPT Quốc gia có quy định, thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình để phát hiện gian lận thi cử.

Các thí sinh có thể mang vào phòng thi các dụng cụ có chức năng ghi âm, ghi hình. Điểm B, khoản B điều 14. Đây là sự tăng cường phát hiện, giám sát tiêu cực trong phòng thi nhưng phải đảm bảo máy chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh hoặc hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Quy định này đã được thực hiện từ một vài năm trước đã góp phần giảm tải tiêu cực, đảm bảo an toàn tại các phòng thi. Tuy nhiên, quy định này cho đến nay có còn phù hợp hay không thì còn phải xem xét thêm.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi; huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện; trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.

Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74,3% (năm 2017 là gần 75%). So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.

Tỷ lệ thí sinh tới dự thi, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,55%; Toán 99,52%; Vật lí: 99.34%; Hóa học: 99.22%; Sinh học: 99.35%; Ngoại Ngữ: 99.63%; Lịch sử: 99.35%; Địa lí: 99.44%; GDCD: 99.56%).

Việc tăng cường công tác tuyên truyền, học tập quy chế thi đối với học sinh và tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ tham gia làm công tác thi đã góp phần duy trì kỷ cương thi cử.

Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 cảnh cáo: 1 khiển trách)./.

Tin mới