Lũ ống, lũ quét - cơn 'tai biến' tàn phá tan hoang miền Tây xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau trận lũ quét kinh hoàng tại Kỳ Sơn vào đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 tháng 10 vừa qua, nhiều người đặt câu hỏi, chừng nào những thảm cảnh tương tự sẽ thôi tái diễn...

Cơn "tai biến" của thiên nhiên

Theo nhiều chuyên gia về khí tượng thuỷ văn, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng dòng chảy cực đoan khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ địa hình cao xuống thấp. Do dòng nước chảy xiết cuốn theo nhiều vật chất như đất, đá, cây cối trên đường di chuyển nên nó có sức tàn phá lớn. Chính vì thế mà nó được ví như một dạng "tai biến" nguy hiểm có thể tàn phá nặng nề khu vực miền núi, nơi mà hình thái thiên tai này thường xuyên xuất hiện.

Trên địa bàn Nghệ An, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, liên tục xuất hiện những trận lũ ống, lũ quét tàn phá kinh hoàng tại nhiều địa phương. Nặng nề nhất là lũ quét tại xã Nậm Giải (Quế Phong) vào tháng 10/2007, khiến 13 người tại bản Pục và bản Méo bị cuốn trôi.

Tại xã Yên Tĩnh (Tương Dương), trận lũ quét trong đêm 26/5/2009 cũng khiến 5 người dân bản Pa Tý thiệt mạng. Ngoài ra, vào các năm 2011, 2013, 2018... nhiều trận lũ quét cũng đã xảy ra trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Hợp gây nhiều mất mát, đau thương. Trận lũ quét ngay đêm mồng 1 rạng sáng mồng 2 tháng 10 tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn mới đây để lại những hậu quả vẫn chưa thể khắc phục xong.

Lũ quét thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ảnh: Tiến Đông

Lũ quét thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại, khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh nằm trọn trong lưu vực sông Cả. Lưu vực sông này có tổng diện tích 27.200 km2, trong đó có đoạn sông dài 170km chảy trên đất Lào có diện tích lưu vực là 9.470 km2 (chiếm 1/3 diện tích lưu vực), còn lại là nằm trên nội địa Việt Nam, trong đó chủ yếu là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Để cảnh báo tình hình mưa lũ, trên hệ thống sông Cả thuộc địa phận Việt Nam, đã có nhiều trạm quan trắc, trạm khí tượng, thuỷ văn được bố trí dọc sông Cả và các phụ lưu, cho các kết quả dự báo tương đối chính xác về tình hình mưa lũ.

Trận lũ quét vào đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 tháng 10 đã tàn phá nghiêm trọng các xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Đông

Trận lũ quét vào đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 tháng 10 đã tàn phá nghiêm trọng các xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài khí tượng, thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ, hiện nay điểm xa nhất đặt trạm khí tượng thuỷ văn là tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), trong khi phần lưu vực sông Cả rộng lớn nằm trên đất Lào thì chưa có một trạm quan trắc nào, việc trao đổi thông tin, dữ liệu cảnh báo mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay hệ thống ra đa cũng chỉ quét được trong phạm vi 300km, còn để có thể cảnh báo sớm trong phạm vi xa hơn nữa thì chưa thể.

Vùng lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An được chia thành 2 khu vực hữu ngạn và tả ngạn sông Cả. Trong đó, vùng tả ngạn gồm địa phận các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp một phần phía Tây Bắc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn; phía vùng hữu ngạn sông Cả, gồm khu vực Tây Nam huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Thực tế, dạng "tai biến" này đã xảy ra trên nhiều địa bàn các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Mức độ tập trung các khu vực lũ ống, lũ quét không đồng đều, đạt mật độ rất cao ở huyện Tương Dương (các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hoà), và phía Nam huyện Quế Phong (Nậm Giải, Tri Lễ)...

Những khu vực dọc các khe suối là nơi có nguy cơ thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét. Ảnh: Tiến Đông

Những khu vực dọc các khe suối là nơi có nguy cơ thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét. Ảnh: Tiến Đông

Chủ động phòng tránh sớm

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, địa bàn Nghệ An hiện có hơn 250 điểm cảnh báo nguy cơ của lũ ống, lũ quét trên địa bàn 6 huyện miền núi là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, với hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị thiệt hại cao.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết: Hiện nay rất khó có thể cảnh báo một cách sát nhất, trên diện hẹp khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Mức độ cảnh báo chỉ có thể xác định theo khu vực trên diện căn cứ vào lượng mưa đo được trong một thời gian ngắn. Bởi thực tế hiện nay, chúng ta chưa có các phương tiện hiện đại để cảnh báo sớm cho chính quyền các địa phương biết mà phòng tránh.

Chính vì thế, cách giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do lũ ống, lũ quét là phải phòng tránh sớm, di chuyển ra xa khu vực các khe suối nhỏ, độ dốc lớn. Bên cạnh đó là tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện vùng núi cao cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân.

Bản Hoà Sơn (Tà Cạ, Kỳ Sơn) tan hoang do lũ quét. Ảnh: Thành Cường

Bản Hoà Sơn (Tà Cạ, Kỳ Sơn) tan hoang do lũ quét. Ảnh: Thành Cường

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết, địa phương có nhiều khu vực đặt trong tình trạng báo động đỏ về lũ ống, lũ quét như: Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng, Quang Phong. Đây là thực tế đáng lo bởi địa hình đồi núi có độ dốc lớn nên khi xảy ra lũ thường gây hậu quả nặng nề đến người và tài sản.

Cơ sở vật chất tan hoang sau trận lũ quét. Ảnh: Tiến Đông

Cơ sở vật chất tan hoang sau trận lũ quét. Ảnh: Tiến Đông

Dù đã có nhiều điểm nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét cao, việc bố trí những địa điểm an toàn khác cho người dân sinh sống không hề đơn giản. Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thừa nhận, các xã như Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý, Na Ngoi, Nậm Càn, Keng Đu, Tây Sơn, Tà Cạ, Bảo Nam… là những khu vực từ lâu đã được cảnh báo có nguy cơ rất cao về lũ ống, lũ quét. Mỗi khi có mưa bão huyện cũng đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân cảnh giác, đồng thời vận động người dân sơ tán kịp thời khi tình hình phức tạp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Tuy nhiên, về lâu dài, để di dời người dân ở những điểm nóng ra nơi an toàn đòi hỏi rất nhiều kinh phí, chưa kể phải lựa chọn địa điểm khác an toàn hơn, trong khi địa hình ở Kỳ Sơn chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn.

Về lâu dài, Nghệ An cũng đã nhiều lần kiến nghị Trung ương ưu tiên bố trí vốn để sớm di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra ở các khu vực này.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An

Tin mới