Lửa

Ngày trẻ, khi còn vọc vạch tìm hiểu triết học cổ đại tôi cứ ám ảnh mãi về một quan niệm của Heraclitus, người được coi là cụ tổ của phép biện chứng (sống khoảng từ 535 đến năm 475 trước Công nguyên), ông cho rằng lửa là nguồn gốc sinh ra tất thảy mọi vật.

Có thể bạn cho đó là hoang đường, có thể bạn không tin lửa là nguồn gốc của vạn vật, nhưng xin bạn đừng nghi ngờ rằng luận điểm ấy từng tồn tại và vẫn đang hao tổn giấy mực của không ít công trình nghiên cứu.

Heraclitus có thể không chính xác nếu chiếu từ một góc nào đó của khoa học. Nhưng ông không hề lú lẫn khi nói rằng: “Thế giới này chỉ là một đối với mọi cái. Không do một thần thánh hay một người nào đó sáng tạo ra nó, nhưng nó mãi mãi đã, đang và sẽ là ngọn lửa vĩnh cửu, như là độ đo của những cái đang rực cháy, và mức độ của những cái đang lụi tàn”. Và ông còn nói, “Lửa sống nhờ đất chết, không khí sống nhờ lửa chết, nước sống nhờ không khí chết, đất sống nhờ nước chết”.

Tôi không đủ hiểu biết để phản biện, tôi cũng không đủ khờ dại để phỉ báng, bởi ít nhất Heraclitus cũng có một tình yêu nếu không nói là sự tôn thờ đối với lửa. Tôi, và ước gì bạn cũng thế, hãy thử tưởng tượng thế giới này không có lửa. Thật là thảm họa, ồ không, hơn cả thảm họa! À, nếu không có lửa thì làm gì có tôi và bạn trên thế giới này mà hào phóng thả hoang trí tưởng tượng. Nhỉ?

Không một chút hài hước nếu nói con người có mặt trên hành tinh này nhờ phát hiện ra lửa. Trong một lần thưởng thức đồ nướng bên vỉa hè, tôi đã cao hứng “nổ” với cô bạn rằng, chúng ta đang thực hành món ăn thời tiền sử! Chính sự phát hiện ra lửa và biết làm chín thức ăn đã đưa những “cụ vượn” hoang dã thành cộng đồng người nguyên thủy.

Có đủ cơ sở để tin rằng, một ngày xa xăm thuở hồng hoang, lửa hùng dũng đến từ một tiếng sét trên trời cao, thiêu trụi nửa cánh rừng, những con thú hoang chậm chân hiến mình cho lửa. Vậy là các món thịt nướng chính thức được khai sinh. Rồi một ngày đẹp trời khác chủ nhân của những bữa thịt nướng đến từ thượng đế ấy vô tình cọ xát những viên đá vào nhau, lửa bùng lên và lửa chính thức thành một nguồn sống của con người. Lửa nồng nàn đưa con người bước qua sự nguyên sơ. Lửa ban nhiệt cho con người vượt qua mùa Đông giá rét, lửa là vũ khí ngăn chặn thú rừng, lửa xua ong chặn rắn và cao hơn lửa là tín hiệu để con người nhận ra nhau, báo cho nhau, tương trợ nhau và cứu giúp nhau. Không chỉ sử dụng lửa để ăn chín, xua đuổi thú dữ, sưởi ấm, sum họp sau mỗi ngày lao động mà bên ngọn lửa thiêng con người bắt đầu hình thành các lễ hội. Lửa đã đưa cuộc sống “bầy, đàn” trở thành cộng đồng, lửa thiết lập cộng đồng, thiết lập tình cảm và cả thiết lập gia đình. Lửa mang theo sứ mệnh của tạo hóa để nhen nhóm, sưởi ấm và bùng lên những nền văn minh.

Lửa hồn nhiên tồn tại giữa nhân gian như một thứ hộ mệnh. Thần thoại Hy Lạp ghi rằng, thần Prômêtê đã đánh cắp lửa Trời cho nhân loại, chấp nhận sự trừng phạt của thần Dớt, đem lửa cho con người để xua đi mông muội, u tối… Ở Tây Nguyên hiện vẫn tồn tại “Vua Lửa”, được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Tại đây vẫn còn một vị Hỏa Vương. Ở chùa Đất Sét (Sóc Trăng) có cặp nến đã cháy gần 50 năm, và theo tính toán thì phải đến 600 năm nữa thì ngọn lửa ấy mới “chuyển giao thế hệ”. Rồi dân tộc Phà Thẻn ở một số vùng, miền núi phía Bắc có tục nhảy lửa. Những chàng trai trong bản sau khi được “Thần Lửa” ban cho sức mạnh họ có thể nhảy vào đống than đang hừng hực cháy mà không hề hấn gì. Từ miền núi đến đồng bằng, đêm giao thừa cả gia đình cùng quây quần bên lò nấu bánh để canh lửa chờ năm mới đến, hướng về cội nguồn, tổ tiên. Lửa là vậy, càng thân thiện càng hiền lành.

Lửa là biểu tượng của sức mạnh, của văn minh, của chân lý, lửa trở thành những tín ngưỡng thiêng liêng, biểu tượng của hòa bình, của đoàn kết. Mỗi kỳ thể thao chúng ta lại xúc động dõi theo ngọn lửa thiêng liêng cháy trên đài đuốc sau khi được các vận động viên tiêu biểu nâng niu. Một ánh lửa cũng làm hồng lên cuộc sống. Lửa hồn hậu xua đi những toan tính đời thường. Không phải ngẫu nhiên mà Huy Cận chọn hai chữ “Lửa Thiêng” để đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình. Cũng không phải ngẫu nhiên mà An-đéc- xen dùng ngọn lửa cuối cùng của “Cô bé bán diêm” để sưởi một tâm hồn trong đêm Đông giá rét. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sỹ Trần Tiến viết nên ca khúc “Ngọn lửa cao nguyên” hùng tráng như vậy. Từ ngàn xưa bếp lửa còn là nơi quy tụ cả gia đình để chia sẻ với nhau bữa ăn cũng như lửa ấm. Bếp lửa là biểu tượng gia đình, một gia đình hạnh phúc, là một gia đình không “tắt lửa” bao giờ.

Ở góc độ khoa học tự nhiên thì lửa là quá trình oxy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng cháy, giải phóng ra nhiệt, ánh sáng. Ngọn lửa là một phần biểu hiện thấy được của sự cháy, là trạng thái tồn tại của vật chất và được xếp như một loại khí plasma – bị ion hóa một phần. Tuy nhiên, tôi thích nói về lửa theo cách của nhà thơ Lưu Quang Vũ hơn:
“Nhân dân có gì giống ngọn lửa phải không anh
Gió bão ngàn đời vẫn nối nhau chẳng tắt

Nhưng lửa của tình yêu khi tức giận
Sẽ ra tro mọi lồng cũi mọi ngai vàng”.

Thế đấy, khi bước ra ngoài các khái niệm về lý hóa thì lửa chính là biểu tượng của lẽ phải, ý chí và sức mạnh. Một trận bóng đá chỉ hấp dẫn khi các cầu thủ thi đấu có lửa. Một cuộc hôn nhân không thể hạnh phúc nếu lửa tình yêu đã tắt. Vài năm lại nay xuất hiện cụm từ “hoàng hôn nhiệm kỳ” nhằm ám chỉ những người hết…lửa. Không chỉ là cán bộ mà đôi khi còn cả nhân viên, họ tồn tại như những cái bóng, họ không chê, họ cũng không khen, họ không nhanh và cũng không quá chậm, họ không có chính kiến và cũng chả thèm bày tỏ chứng kiến. Họ không làm việc, không tiến thủ, không hy sinh, không cống hiến và cũng không thiết tha. Vì sao ư, họ hết lửa rồi!

Theo các nhà phong thủy thì năm nay mệnh mộc, mà mộc thì sinh hỏa, bàn dân hy vọng sẽ là một năm “có lửa”. Lửa là bạn, là ân nhân nhưng lửa cũng có thể là sự trừng phạt. Sợ lắm nếu để “lửa gần rơm”. Mỗi năm cả nước hơn 4.000 vụ cháy, thiêu đi hàng ngàn tỷ đồng và biết bao sinh mạng. Rồi còn đó tấm gương của những con thiêu thân, ngông cuồng bất chấp đến điên loạn lao vào lửa để cuối cùng nhận lấy cái chết trong sự mỉa mai không giới hạn của người đời.

Có những ngọn lửa không mong muốn, nhưng có những ngọn lửa phải buộc lòng đốt lên. Công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang được nhân dân “tiếp lửa” và đặt nhiều kỳ vọng. Người đứng đầu Ban chỉ đạo đã ví von một cách rất hình ảnh rằng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Lửa là vậy, khi đã bùng lên thì sắt cũng tan chảy. Không ai có thể sống thiếu lửa, không ai được phép bội ơn lửa nhưng cũng đừng ai dại dột mà đùa với lửa.