Luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 11-NQ/TW: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn

(Baonghean) - Thực tiễn triển khai thực hiện đã khẳng định công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn cho thấy, còn những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt công tác này.

» Tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài theo Nghị quyết 11-NQ/TW
 

» Luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 11-NQ/TW: Được cán bộ, được phong trào
 

Chưa thoát tư tưởng cục bộ, địa phương

Quá trình tiếp cận cơ sở, chúng tôi ghi nhận được một số tồn tại, hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ. Đó là, nhận thức của cấp ủy cơ sở chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến một số địa phương, đơn vị không muốn tiếp nhận cán bộ luân chuyển mà chỉ muốn phát triển cán bộ tại chỗ. Theo đồng chí Lang Văn Xuân - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu, “vẫn có tình trạng một số đơn vị cấp xã ở miền núi còn nặng tư tưởng gia đình, dòng họ, cục bộ, không mặn mà trong việc đón nhận cán bộ luân chuyển vì tâm lý sợ “tranh phần, ngáng chỗ”, sợ mất vị trí, mất quyền lực”. 

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ tại xã Đồng Văn (Quế Phong) được nhiều hộ dân áp dụng mang lại thu nhập khá.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ tại xã Đồng Văn (Quế Phong) được nhiều hộ dân áp dụng mang lại thu nhập khá. Ảnh: tư liệu

Chưa kể là tình trạng lợi dụng bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm để hạ thấp uy tín, cô lập cán bộ luân chuyển. Không ít cán bộ luân chuyển rơi vào thế khó, bởi nếu làm không hết mình thì trên đánh giá, làm hết mình thì va chạm ở cơ sở, tín nhiệm thấp thì gian nan “đi cũng dở, ở không xong”.

Bên cạnh đó, có nơi còn nhầm lẫn việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng lâu dài với điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt. Một số địa phương do làm công tác tư tưởng chưa tốt, quy trình, phương pháp luân chuyển chưa thật sự nhuần nhuyễn dẫn đến cán bộ được luân chuyển không chấp hành công tác luân chuyển, điều động của tổ chức và bị kỷ luật như trường hợp một trưởng phòng chuyên môn của UBND thị xã Cửa Lò đã không chấp hành quyết định của Thị ủy điều động về làm bí thư đảng ủy phường trong một thời gian dài, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và cán bộ, đảng viên.

Cán bộ luân chuyển vi phạm kỷ luật

Về phía cán bộ luân chuyển, ở một số vị trí có tâm lý “giữ chỗ”; một số cán bộ trẻ trong quy hoạch có tâm lý thích ổn định, ngại khó khăn và thử thách ở vị trí công tác mới; tư tưởng chọn nơi đi, nơi đến. “Một số cán bộ thuộc diện luân chuyển chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các lĩnh vực công tác như quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng đảng và còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên chưa phát huy hết khả năng, năng lực của bản thân, mức độ đóng góp cho cơ sở hạn chế, cá biệt có đồng chí ngần ngại, băn khoăn khi được giao nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa” - đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn thẳng thắn bày tỏ.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp cán bộ luân chuyển đi cơ sở chỉ cố gắng làm tròn vai, chọn giải pháp an toàn, tránh va chạm vì sợ mất phiếu hoặc mang tâm lý đi cơ sở như đi “sứ”, đợi ngày về, chờ lên vị trí cao hơn; một số trường hợp khi về cơ sở phương pháp tiếp cận, lựa chọn nội dung chỉ đạo còn nóng vội, chưa phù hợp nên chưa tạo được hiệu ứng tốt.

Đáng tiếc nhất là một số cán bộ khi luân chuyển để xảy ra sai phạm, trở thành bài học “xương máu” trong công tác cán bộ đối với một số địa phương. Như ở huyện Thanh Chương, có 2 cán bộ khi luân chuyển về cơ sở đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, quản lý tài chính, dẫn đến 1 người bị xử án tù treo, 1 người tù giam. 

Theo đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, bài học rút ra từ vụ việc đáng tiếc này, đó là Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy đã quá tin tưởng vào cán bộ luân chuyển và quá trình đánh giá cán bộ luân chuyển mới chỉ chú trọng đến việc theo dõi chuyển động các phong trào ở địa phương, chưa sâu sát, kiểm tra, giám sát phương pháp, cách thức làm của cán bộ luân chuyển dẫn đến sai phạm, mất cán bộ. 

Ở huyện Tân Kỳ cũng có trường hợp một cán bộ luân chuyển giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hương bị kỷ luật với hình thức khiển trách do liên quan đến sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ hạn hán vụ hè thu. Trước khi tăng cường về cơ sở, cán bộ này là Phó ban Dân vận Huyện ủy, sau khi bị kỷ luật, Huyện ủy Tân Kỳ đã rút về và bố trí làm chuyên viên Ban Dân vận Huyện ủy. Để ổn định tình hình bộ máy ở Tân Hương, mới đây, Ban Thường vụ  Huyện ủy Tân Kỳ đã phải nhanh chóng điều động 1 cán bộ khác nguyên là Phó phòng Nội vụ huyện về làm chủ tịch UBND xã... Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo thừa nhận “đây là một sự việc đáng tiếc và có  một phần nguyên nhân  bắt nguồn từ công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ luân chuyển chưa thực hiện nhuần nhuyễn”.

Thiếu “chỗ trống”, thiếu kinh nghiệm

Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Nghệ An về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020 quy định muốn vào ban thường vụ huyện, thành, thị ủy thì phải kinh qua cơ sở. Thế nhưng khó khăn nảy sinh là thời điểm triển khai nghị quyết lại ngay sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021, cơ bản hệ thống chính trị cơ sở tại các xã đã ổn định, các chức danh chủ chốt đã được phủ kín. Vì vậy gần như không có chỗ trống cho cán bộ luân chuyển từ huyện về, trong khi cán bộ chủ chốt cấp xã khó đáp ứng đủ điều kiện để luân chuyển, điều động về huyện hoặc đi địa phương khác.

Theo đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ, “bất cập là ở chỗ định biên ở cấp xã là khung cứng, vì vậy nếu không có cán bộ đến tuổi nghỉ hưu hoặc vi phạm kỷ luật thì rất khó có chỗ trống để luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở”. 

Đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) - Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong trao đổi với dân bản. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) - Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong trao đổi với dân bản. Ảnh: Tư liệu

Huyện ủy Đô Lương cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác luân chuyển cán bộ. Đó là, thứ nhất, số cán bộ trẻ, có năng lực dự nguồn kế cận là trưởng, phó ở các phòng, ban, ngành, MTTQ huyện mới được đề bạt, bổ nhiệm chưa hội tụ đủ kinh nghiệm và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, hạn chế tiếp cận công việc mới, nên chưa mạnh dạn thực hiện luân chuyển về cơ sở, nhất là những đơn vị khó khăn, yếu kém.

Thứ hai, hiện nay các địa phương đang thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW, Nghị định 108/NĐ-CP gắn với đề án vị trí việc làm, việc luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở đảm nhận chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong lúc địa phương đang đủ biên chế sẽ khó đảm bảo được tỷ lệ tinh giản theo quy định.

Mặt khác về phía huyện, việc luân chuyển cán bộ trưởng, hoặc phó phòng, ban, đoàn thể về cơ sở sẽ dẫn tới thiếu người để làm nhiệm vụ chuyên môn ở một số vị trí, trong khi bộ máy cán bộ, công chức đã được “đóng khung” chặt chẽ, không được tăng thêm. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên trong quá trình công tác chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành (ví dụ tài chính kế hoạch, kinh tế hạ tầng…), khi luân chuyển sang lĩnh vực khác trái chuyên ngành đào tạo sẽ khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Khó trong “đối ứng” vị trí luân chuyển

Đối với công tác luân chuyển lãnh đạo quản lý giữa các xã, thị trấn với nhau, thời gian qua chưa thực hiện được nhiều. Vì có trường hợp đủ điều kiện luân chuyển sang đơn vị khác, nhưng lại không tìm được đối tượng phù hợp để luân chuyển lại. Một số cán bộ đã có thời gian đảm nhận chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở xã, thị trấn từ 8 -10 năm, sức ỳ lớn cần phải chuyển đi đơn vị khác, nhưng thời gian công tác chỉ còn dưới 5 năm. Nếu chuyển sang công chức chuyên môn thì không phù hợp với bằng cấp, trong khi các chức vụ lãnh đạo khác thì gần như họ đã kinh qua. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa mạnh dạn luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã vì sợ gây ra sự xáo trộn bộ máy ở cơ sở.

Hạn chế về tiêu chuẩn đào tạo

Công tác luân chuyển từ tuyến cơ sở lên tuyến huyện cũng đang vướng do điều kiện “cần” rất cao. Cụ thể, theo Quy định 57 của Tỉnh ủy, để luân chuyển lên huyện, đối với chức danh bí thư, chủ tịch phải có bằng khá đại học trở lên; nếu bằng đại học khác thì phải là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện. Đối với công chức phải qua 5 năm công tác ở cơ sở, trong 5 năm liên tục được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phù hợp với vị trí cần tuyển, trong khi đó vị trí, việc làm ở cấp huyện không được tăng thêm.

Ông Trần Doãn Lâm- Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tân Kỳ nêu thực tế, “một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp xã không được đào tạo bài bản, học đại học tại chức sau đó chuẩn hóa bằng cấp nên rất khó để luân chuyển lên trên. Mấy năm gần đây, Tân Kỳ chỉ luân chuyển được một người từ tuyến xã lên là đồng chí Phan Trung Ấn - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Kỳ làm Phó trưởng phòng Tư pháp huyện, sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. 

Đồng chí Nguyễn Quang Minh- Chủ tịch UBND xã Đông Sơn ( Đô Lương) trao đổi với PV về công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã. Ảnh: Q.H
Đồng chí Nguyễn Quang Minh- Chủ tịch UBND xã Đông Sơn ( Đô Lương) trao đổi với PV về công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã. Ảnh: Q.H

Tại huyện Quỳ Châu nhiệm kỳ 2010 - 2015 cũng chỉ có duy nhất một đồng chí cán bộ xã được luân chuyển lên làm ở Hội Nông dân huyện. Huyện Kỳ Sơn thì trải qua nhiều năm mới có 1 cán bộ cấp xã được xét tuyển lên huyện là đồng chí Nguyễn Thị Đông - nguyên Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Đảng của Trường Mầm non Nậm Cắn vào vị trí Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy.

Theo đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương: Mặc dù đã có sự quyết liệt nhưng việc luân chuyển giữa các khối dân - chính - đảng đang đặt ra những khó khăn liên quan đến trình độ chuyên môn, năng lực công tác ở một số vị trí mang tính chuyên ngành, chuyên sâu; đặc biệt là tâm lý của cán bộ chính quyền không thích sang khối dân, khối đảng. 

Bất cập chế độ, chính sách

Nhiều ý kiến cơ sở phản ánh sự bất cập trong cơ chế, chính sách cũng đang là lực cản đối với cán bộ luân chuyển. Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng: Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ luân chuyển chưa có quy định chung thống nhất trong toàn tỉnh, gây khó khăn trong việc hỗ trợ ổn định đời sống cho cán bộ luân chuyển, nhất là đối với cán bộ luân chuyển đến các xã vùng sâu, vùng xa (không có chợ, không nhà công vụ, đường sá xa xôi cách trở…”. 

Bất cập khác là cán bộ ở cơ quan Đảng, đoàn thể được luân chuyển về cơ sở vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp 55%; nhưng cán bộ ở khối Nhà nước khi luân chuyển xuống cơ sở, giữ chức bí thư hay phó bí thư Đảng ủy thì không được hưởng phụ cấp 55% này.

Bên cạnh đó, hiện nay, mặc dù từ tỉnh đến cơ sở đều chủ trương: khi cán bộ luân chuyển được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về sẽ được bố trí chức vụ ngang bằng hoặc cao hơn trước khi luân chuyển. Tuy nhiên, điều này chưa được thể chế hóa bằng quy định, gây tâm lý không yên tâm cho cán bộ luân chuyển… Đó đã và đang là những vấn đề đặt ra đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để đảm bảo công tác luân chuyển cán bộ đi vào thực chất, hiệu quả.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới