Luân chuyển, điều động giáo viên ở Tương Dương: Tiến tới ổn định lâu dài

(Baonghean) - Để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Tương Dương đang có chủ trương ổn định bộ máy tổ chức, hạn chế việc luân chuyển giáo viên giữa các vùng. Năm học 2016-2017 đã hạn chế được số giáo viên chuyển đến các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hạn chế điều động, luân chuyển 
Cũng như tình trạng chung trên toàn tỉnh, lâu nay địa bàn huyện Tương Dương do đặc thù địa bàn rộng lớn, chia cắt, nên những xã, bản vùng sâu vùng xa thiếu giáo viên, trong khi vùng thuận lợi hơn lại thừa giáo viên, nên thường xuyên phải điều động giáo viên theo hình thức đi nghĩa vụ từ vùng thừa và vùng thiếu (điều động có thời hạn).
Năm học 2014 - 2015, huyện Tương Dương điều động đi nghĩa vụ vùng khó khăn 25 giáo viên, chuyển về vùng thuận lợi 27 giáo viên; năm học 2015 - 2016, điều động đi nghĩa vụ vùng khó khăn 43 giáo viên và chuyển về vùng thuận lợi 37 giáo viên.
Lớp học tại một điểm trường của Trường Tiểu học Lượng Minh, Tương Dương thuộc vùng khó khăn. Ảnh: Thành Cường
Lớp học tại một điểm trường của Trường Tiểu học Lượng Minh, Tương Dương thuộc vùng khó khăn. Ảnh: Thành Cường
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai nhiều năm, một trong những mặt trái của việc luân chuyển là thiếu tính ổn định, khiến không ít giáo viên phải sống xa nhà, khó khăn trong đi lại, cũng như gây xáo trộn công tác chuyên môn cho các trường học; mặt khác trong dư luận xã hội có thông tin về việc “chạy trường, chạy lớp” để không phải luân chuyển hoặc nếu có luân chuyển cũng được đến vùng thuận lợi hơn…
Xuất phát từ quan điểm, để nâng cao chất lượng chung cho các trường và toàn ngành Giáo dục, Tương Dương xác định phải ổn định bộ máy tổ chức của các trường; việc điều chuyển giáo viên không phải là giải pháp tốt nhất, mà cần phải có phương án luân chuyển cụ thể, phù hợp yêu cầu chuyên môn của ngành và hoàn cảnh giáo viên tiến tới ổn định lâu dài. 
Cấp bổ sung hơn 18 tấn gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn ở Tương Dương.
Cấp bổ sung hơn 18 tấn gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn ở Tương Dương.
Bà Vy Thị Bích Thủy - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Năm học này, chủ trương của huyện hạn chế điều động, thuyên chuyển giáo viên vào các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Để bổ sung cho các vùng này, huyện tuyển thêm các giáo viên mới ra trường hoặc có những trường hợp viết đơn tình nguyện.
Tuy nhiên, để quá trình xét duyệt luân chuyển, điều động giáo viên đảm bảo khách quan, Tương Dương cũng chú trọng khâu xem xét từ nhu cầu của chuyên môn và cân đối định biên, cùng nguyện vọng của các cá nhân.
Sau khi tổ chức họp lãnh đạo và chuyên môn xem xét từng trường hợp, từng đơn vị, phòng Giáo dục và Đào tạo thống nhất với phòng Nội vụ và trình phương án lên UBND huyện để thông qua Hội đồng xét luân chuyển, điều động cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên các trường học thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp, do Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng”. 
Do đó, bước vào năm học mới 2016 - 2017, Tương Dương chỉ điều động, thuyên chuyển có thời hạn 12 giáo viên đến công tác tại các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông và Tam Hợp; đồng thời có 12 giáo viên hoàn thành nhiệm vụ có thời hạn ở các xã Mai Sơn, Nga My, Nhôn Mai trở về các địa phương thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, địa phương này cũng có quyết định điều động, thuyên chuyển 70 giáo viên, nhân viên theo diện không có thời hạn.

Trong 70 trường hợp này, Tương Dương căn cứ vào nguyện vọng của giáo viên và nhu cầu chuyên môn của ngành để điều động, luân chuyển đến những địa bàn phù hợp nhu cầu, phần lớn là những địa bàn được xếp vào diện thuận lợi theo cách phân chia địa bàn của huyện hoặc để ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng của cơ sở giáo dục theo yêu cầu của phòng.

Hướng tới mục tiêu kép

Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Xá Lượng 1, xã Xá Lượng nhận 2 giáo viên thuộc diện 70 người điều động, thuyên chuyển không có thời hạn về công tác. Ngược lại, trường có 3 giáo viên gồm: Hồ Thị Hường, Lưu Thị Soa và Đào Thị Hiền chuyển về công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Hòa Bình, trong đó cô Hường là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, cô Đặng Thị Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Xá Lượng 1 cho hay rất phấn khởi ở môi trường mới, mặc dù trường cách nhà hơn 10 km.

Giờ học Vật lý của học sinh Trường PT DTNT THCS Tương Dương. Ảnh :Thanh Tùng
Giờ học Vật lý của học sinh Trường PT DTNT THCS Tương Dương. Ảnh :Thanh Tùng
Hay như tại xã Tam Quang, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, Tương Dương đã điều động, luân chuyển đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 2, đóng tại bản Tùng Hương nhận công tác Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa 1, xã Yên Hòa; ngược lại chuyển một cán bộ quản lý về đảm nhận chức vụ hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Tam Quang 2. 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương này ở Tam Quang, ngành Giáo dục huyện Tương Dương vẫn nhận được ý kiến phản hồi thể hiện sự băn khoăn, chưa hoàn toàn thống nhất của một số giáo viên. Trong thư ngỏ chung và cá nhân 3 giáo viên Trường Mầm non Tam Quang đã bày tỏ những tâm tư tập trung vào các vấn đề liên quan về việc điều động, thuyên chuyển với các cá nhân giáo viên này.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Việc điều chuyển đội ngũ giáo viên tại Trường Mầm non Tam Quang là giải pháp để giải quyết khó khăn trong công tác quản lý của ban giám hiệu nhà trường cũng như các vấn đề quan hệ nội bộ phát sinh từ năm học 2013 - 2014 nhưng chưa được giải quyết.
Mặt khác, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường được đánh giá là chưa tương xứng với tỷ lệ đội ngũ được bố trí. Tỷ lệ bố trí giáo viên hàng năm ở đây thuộc diện cao nhất huyện. Đặc biệt, năm học 2015 - 2016, những vấn đề khúc mắc trong nội bộ nhà trường đã trở nên phức tạp: Công tác quản lý thiếu chặt chẽ, không đồng bộ; có giáo viên thiếu ý thức chấp hành các chủ trương triển khai tại địa phương, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm kế hoạch hóa gia đình nhưng nội bộ thiếu sự chia sẻ, góp ý xây dựng…
Trong khi đó, Tam Quang là địa phương có lợi thế để phát triển giáo dục, phụ huynh quan tâm đến học tập của học sinh. Từ thực tế đó, huyện Tương Dương thống nhất chủ trương thuyên chuyển một số giáo viên tách ra khỏi Trường Mầm non Tam Quang đến công tác tại các đơn vị lân cận. Sau khi xem xét, căn cứ tình hình thực tiễn, ngành xác định số giáo viên thuyên chuyển sẽ lấy trong danh sách đề xuất thuyên chuyển theo kết quả phiếu thăm dò của Hội đồng nhà trường ngày 24/5/2016 với 6 giáo viên có số phiếu đề xuất thuyên chuyển cao nhất.
Mặt khác, cũng đã điều động, thuyên chuyển một hiệu trưởng mới nhận nhiệm vụ tại Trường Mầm non Tam Quang. Những giải pháp trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng cũng như giải quyết triệt để vấn đề nội bộ của nhà trường.
Giáo viên Nguyễn Thị Hoài là 1 trong 6 giáo viên của Trường Mầm non Tam Quang về nhận công tác tại Trường Mầm non xã Yên Thắng đầu năm học này cho biết: Khi nhận quyết định, cô vui vẻ đi nhận nhiệm vụ mới và cố gắng hoàn thành tốt chức trách của người giáo viên, mặc dù có xa gia đình hơn và tiền phụ cấp khu vực có giảm đi. Cô cũng hy vọng một vài năm nữa sẽ có điều kiện về lại Trường Mầm non Tam Quang công tác.
Tuy nhiên, giáo viên Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1975) thì vẫn chưa đồng tình với phương án điều động, luân chuyển đợt này đối với cá nhân mình và có đơn kiến nghị lên các cấp, mặc dù đã về nhận công tác tại Trường Mầm non xã Tam Thái từ đầu năm học này.
UBND huyện Tương Dương cũng đã có công văn trả lời đối với cá nhân cô Nguyễn Thị Hòa, chỉ rõ việc điều chuyển công tác đối với trường hợp của cô là do yêu cầu chuyên môn và quản lý của ngành, chứ không phải điều động có thời hạn đến vùng khó khăn theo Quyết định số 2/2015 của UBND huyện Tương Dương. Do đó, cô Hòa không nằm trong diện tạm hoãn điều động hay miễn điều động. 
Thực tế, các giáo viên này, trong đó có cô Nguyễn Thị Hòa được điều động, thuyên chuyển đến những vùng thuận lợi tương đương xã Tam Quang như Tam Thái, Tam Đình, Thạch Giám, Yên Thắng, chứ không phải là vùng đặc biệt khó khăn hay khó khăn theo cách phân loại của huyện.
Bà Vy Thị Bích Thủy - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Quan điểm của ngành là phải ổn định được tình hình và tạo được thay đổi trong chất lượng dạy và học ở Trường Mầm non Tam Quang. Việc điều động, thuyên chuyển 6 giáo viên Trường Mầm non Tam Quang thuộc diện không có thời hạn cũng là do yêu cầu nhiệm vụ của ngành và cũng là quan điểm mở, không bó hẹp về thời gian. Nếu trong môi trường công tác mới, các giáo viên này ổn định tư tưởng và công tác tốt, ngành sẽ điều động, thuyên chuyển về lại trường Mầm non Tam Quang trong thời gian gần nhất nếu các giáo viên có nhu cầu, theo đúng chủ trương chung của huyện là ổn định vị trí công tác lâu dài cho giáo viên theo nguyện vọng.
Chủ trương hạn chế điều động, thuyên chuyển giáo viên về vùng đặc biệt khó khăn và khó khăn như cách thực hiện trong năm học 2016 - 2017 ở Tương Dương đã dần mang lại hiệu quả “kép”, đó là sự yên tâm của đội ngũ cán bộ giáo viên, dần khắc phục được những tồn tại, hạn chế do quá trình thuyên chuyển, điều động trước đây, mặt khác góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giúp hạn chế mức cao nhất những biểu hiện tiêu cực trong thuyên chuyển giáo viên, nhân viên hàng năm.
Có thể trong quá trình điều động, luân chuyển, quyền lợi của từng giáo viên cụ thể sẽ bị ảnh hưởng ở góc độ nào đó như phụ cấp khu vực giảm so với nơi cũ, chặng đường đi dạy có thể xa hơn, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường không đầy đủ bằng…
Song với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục vốn còn khó khăn ở huyện vùng cao này, hẳn mỗi cán bộ, giáo viên ở Tương Dương nói riêng, và cả tỉnh nói chung đều sẵn sàng cùng nhau chia sẻ khó khăn, thiệt thòi. Với mỗi giáo viên có thể thêm hay bớt một phần lợi ích cá nhân để gắn bó, đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp trồng người cao quý. 
Năm học 2016 - 2017, bậc mầm non Tương Dương có 377 giáo viên, nhân viên, thiếu 26 người; bậc tiểu học có 734 giáo viên, nhân viên, thiếu 60 người; bậc THCS, số lượng giáo viên, nhân viên bố trí đủ với 410 người. Các đơn vị vùng thuận lợi đủ số lượng giáo viên, nhân viên; vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tỷ lệ giáo viên, nhân viên thấp hơn và sẽ được bổ sung trong đợt tuyển dụng tháng 12 này. 
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương: “Mục tiêu của huyện là xây dựng ngành Giáo dục ngày càng phát triển. Vì vậy, việc bố trí công tác cho giáo viên thuận lợi, hợp lý thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên và đó là cái được lớn nhất của huyện”.
Nhóm P.V
TIN LIÊN QUAN

Tin mới