Luật Báo chí sửa đổi: Thắt chặt xử lý thông tin sai, tin cải chính

Đó là một trong những nội dung mới có trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng nay (26/11).
Những điểm mới của Dự thảo Luật báo chí sửa đổi bao gồm: bảo hộ công dân tham gia báo chí, phân vai giữa người làm nội dung và người quản lý chung tờ báo, mở rộng liên kết báo chí, quy định rõ quyền hạn của báo chí…
1
Báo chí đang tác nghiệp
Không để tình trạng “thông tin cải chính bằng bao diêm”
Bấy lâu nay, nhiều người vẫn băn khoăn và không hài lòng vì tình trạng đưa thông tin sai thì hàng bài lớn, đăng ở những vị trí dễ nhìn, còn đăng thông tin cải chính xin lỗi thì lại chỉ bằng “bao diêm” và "giấu" ở những vị trí khó nhìn. Đây có thể nói là sự “chưa sòng phẳng” giữa có quan báo chí và cá nhân, doanh nghiệp tổ chức.
So với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo luật Báo chí lần này đã khắc phục tình trạng trên, bổ sung một số quy định mới về cải chính. Tại Điều 40, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi nêu rõ, đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.
Dự Luật cũng đặt ra, khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau: Tiêu đề: "Thông tin cải chính, xin lỗi"; tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính.
Về thời điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi, đối với báo chí điện tử: Phải thực hiện đăng, phát cải chính, xin lỗi ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; Đối với báo nói, báo hình, báo chí in: 02 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm. Đối với tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ thì tạp chí phải có văn bản trả lời ngay cho tổ chức, cá nhân và phải đăng trong số ra gần nhất;
Đặc biệt, đối với thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng, ngoài việc cải chính, xin lỗi theo quy định nêu trên, trong thời hạn 05 ngày, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm, cơ quan báo chí còn phải đăng, phát cải chính, xin lỗi trên 01 báo điện tử và 01 báo ngày do cơ quan báo chí lựa chọn, khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Cơ quan báo chí có thông tin phải cải chính chịu mọi chi phí về việc cải chính, xin lỗi.
Phân cấp quản lý nhà nước về báo chí
Về phân cấp quản lý, dự thảo luật đã quy định rõ phạm vi quản lý nhà nước về báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ quan báo chí của địa phương; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương.
Dự thảo luật đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về báo chí, cụ thể: “gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ” giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản đặc san, bản tin và các loại giấy phép trong hoạt động báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử; thu hồi, tịch thu ấn phẩm báo chí in; tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình phát thanh, truyền hình; gỡ bỏ nội dung thông tin trên báo chí điện tử; đọc, nghe, xem, kiểm tra báo chí lưu chiểu; quản lý hệ thống lưu chiểu báo chí quốc gia.
Quy định rõ hơn về Hội nhà báo Việt Nam
Tại Điều 9, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ báo chí cho hội viên; tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật, quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà báo cho đầy đủ, toàn diện hơn.
Đồng thời bổ sung quy định: Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì việc tổ chức giải báo chí quốc gia hàng năm để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực.
Xem xét xử lý vi phạm về bản quyền, sở hữu trí tuệ
Trong Điều 57 dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới như sau:
Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo chí điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo trong các trường hợp:Bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can;
Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai (02) lần liên tục trong hai (02) năm;
Vi phạm các quy định về đạo đức nghề báo, hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí, sử dụng Thẻ nhà báo không đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng; Hình thức kỷ luật, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc tại cơ quan, đơn vị.
Bặc biệt, Dự luật ghi nhận biện pháp xử lý với việc vi phạm bản quyền. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ./.
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN

Tin mới