Luật Kiến trúc ra đời để khắc phục những tồn tại mà vẫn giữ gìn bản sắc riêng

Luật Kiến trúc cần có những chế tài đủ mạnh, không để chủ đầu tư thích làm gì thì làm. Kiến trúc là bộ mặt của đô thị, đất nước, không phải có tiền thì cứ xây dựng kỳ quặc tùy thích.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Kiến trúc
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Kiến trúc
Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Cơ quan thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc.

Liên quan đến vấn đề quản lý kiến trúc, cơ quan thẩm tra, Ủy ban KHCN&MT cho rằng, từ thực tiễn thực thi pháp luật về xây dựng thời gian qua cho thấy, để quản lý kiến trúc có hiệu quả đối với các dự án, công trình, thì cần thiết phải xem xét kiểm soát đồng bộ các yếu tố tổ chức kiến trúc không gian, kiến trúc công trình trong các dự án đó ngay từ ban đầu (từ giai đoạn lập, phê duyệt quy hoạch; xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, thiết kế sơ bộ…).

Thường trực Ủy ban KHCN&MT nhất trí với các quy định yêu cầu chung quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quản lý kiến trúc cần bao quát các đối tượng được phân loại theo chức năng hành chính, kinh tế-xã hội và các chức năng đặc thù khác.

Các yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, nông thôn cần cụ thể hơn, nghiên cứu gắn kết với nguyên tắc xây dựng, nội dung các Quy chế quản lý kiến trúc; phải đồng bộ, phù hợp và cụ thể hóa Yêu cầu chung đã được quy định.

Đối với cảnh quan đô thị, cần lưu ý quản lý kiến trúc với các đối tượng như: khu vực chưa đầu tư xây dựng công trình, khu vực giáp ranh; khu vực không đủ điều kiện xây dựng công trình; công trình giao thông; công trình kỹ thuật; biểu tượng đô thị.

Một góc TP.Hồ chí Minh. Ảnh minh họa
Một góc TP.Hồ chí Minh. Ảnh minh họa
 Về yêu cầu về kiến trúc đối với khu phố cổ, cần rà soát, quy định trong Luật về một số đối tượng cần quản lý kiến trúc như khu phố cũ, quần thể nghỉ dưỡng, văn hóa… có giá trị kiến trúc cần được quản lý, bảo tồn, tôn tạo.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, các đại biểu kỳ vọng khi luật ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay và vẫn có thể giữ gìn được bản sắc riêng. Để làm được điều này, cần lưu ý đến trách nhiệm từ quản lý nhà nước đến nhà đầu tư và mỗi cá nhân. Không phải cứ có tiền thì làm gì cũng được.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, bản sắc kiến trúc của chúng ta hiện nay không rõ, ít sự sáng tạo, cứ thấy đẹp là bắt chước. Kiến trúc có truyền thống và hiện đại, có đặc thù nên cần có nguyên tắc chứ không chung chung.

Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nêu hàng loạt câu hỏi: Vì sao đầu tư rất nhiều tiền của nhưng kiến trúc của ta vẫn tụt hậu, thiếu bản sắc? Vì sao nhiều sinh viên cũng như kiến trúc sư trẻ đạt nhiều thành tích tầm cỡ nhưng khi hành nghề không phát triển được? Tại sao nước ta hướng ngoại mạnh như vậy?

Theo ông Vạn, qua tiếp xúc với giới kiến trúc sư nhiều nước thì thấy rằng họ giải quyết được vì có luật về kiến trúc, dù tên gọi có khác nhau. Dự án Luật Kiến trúc trình Quốc hội lần này tuy có chậm nhưng sẽ điều chỉnh lại những điểm bất hợp lý lâu nay, mở ra môi trường hành nghề tốt hơn với kiến trúc sư và đem lại niềm tin phát triển cho kiến trúc Việt Nam.

Tin mới