Luật về cán bộ, công chức, viên chức nên làm rõ khái niệm 'người có tài'

(Baonghean.vn) - Góp ý nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị cần bổ sung khái niệm “người có tài năng” để thống nhất cách hiểu.
a
Chiều 17/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: Thanh Lê

Thế nào là “người có tài năng"? 

Góp ý vào nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Đinh Xuân Quế nêu quan điểm: "Một bất cập hiện nay là quy định khi tuyển dụng công chức, viên chức thì bằng đại học chính quy, tại chức hay cử tuyển đều như nhau. Cần có quy định tiêu chí cụ thể để đảm bảo tính công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức".

Liên quan đến chính sách đối với người có tài năng, bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh cho rằng, Luật chưa định nghĩa, xác định rõ thế nào là tài năng. Thực tế hiện nay chúng ta xem người tài năng là ở “tài học”, do đó đề nghị bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong Luật để thống nhất cách hiểu.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân phản ánh những bất cập trong chính sách cử tuyển. Ảnh: Thanh Lê
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân phản ánh những bất cập trong chính sách cử tuyển. Ảnh: Thanh Lê

Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình phương án Trung ương ủy quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện thu hút nhân tài theo nhu cầu cán bộ của địa phương.

Tuy nhiên, Trung ương nên đưa ra khung chung về quy trình tổ chức thực hiện, tránh tình trạng làm ồ ạt, cạnh tranh nhau không lành mạnh giữa các địa phương.

Ông Cảnh dẫn chứng, ở Nghệ An một số năm trước (gần 100 người thuộc diện thu hút), sau 8 - 10 năm làm việc trong các cơ quan không rõ là công chức hay viên chức và nhiều người đã bỏ việc, bỏ cơ quan, vì quá tuổi tuyển dụng công chức, viên chức, không thực hiện chế độ hợp đồng.

Góp ý tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế  - Ngân sách, HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng đề nghị Luật cần đưa công chức cấp xã vào khái niệm công chức.

Hiện nay đầu vào và trình tự thủ tục thi tuyển hoặc xét tuyển công chức xã cơ bản giống với tuyển công chức từ cấp huyện trở lên. Vì vậy, không nên phân biệt công chức cấp xã.

Thi tuyển thực chất

Các đại biểu băn khoăn về hình thức thi tuyển công chức, Luật cần quy định một cách khoa học, để có sự lựa chọn, sàng lọc công chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; cần xem lại việc cử tuyển và bố trí học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường.

Việc thi nâng ngạch và xét hạ ngạch công chức, việc tổ chức thi nâng ngạch công chức là cần thiết, nhưng cần quan tâm đến kỹ năng thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị. Tránh tình trạng cơ quan nhỏ, ít người làm nhưng nhiều chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.

Đánh giá viên chức; thời hiệu kỷ luật; hệ quả đối với viên chức bị kỷ luât; kỷ luật viên chức sau khi nghỉ hưu…. nên vận dụng theo cách làm đối với công chức.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi nghiệp vụ về quản lý đất đai. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi nghiệp vụ về quản lý đất đai. Ảnh: Thanh Lê

Ý kiến một số đại biểu đề nghị Luật nên quy định chặt chẽ về quy trình, thời gian, nhất là yếu tố con người phải phù hợp với yêu cầu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mới, tránh tình trạng làm tràn lan, tiêu cực... trong việc chuyển đổi giữa công chức và viên chức. 

Các ý kiến góp ý của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Tin mới