Lưới điện hạ áp nông thôn: Mất an toàn trong sinh hoạt, sản xuất

(Baonghean) - Hạ tầng lưới điện xuống cấp đã gây tổn thất điện năng, tiềm ẩn mất an toàn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn điện dịch vụ phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn là nhằm mục tiêu thống nhất giá bán điện, hạn chế tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng dịch vụ điện. Người dân hy vọng, khi ngành Điện tiếp nhận, quản lý, đầu tư, lưới điện và bán điện trực tiếp đến các hộ dân sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng.

Sửa chữa lưới  điện tại  xã Long Sơn (Anh Sơn)
Sửa chữa lưới điện tại xã Long Sơn (Anh Sơn)

Thế nhưng, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về quy hoạch đường điện, hạ tầng điện xuống cấp; chất lượng điện còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Thậm chí người dân không khỏi lo lắng khi hạ tầng lưới điện luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa bão cận kề.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, hạ tầng lưới điện xuống cấp là nguyên nhân chính gây tổn thất điện năng lớn. Trong khi đó, ngành Điện gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp gây cản trở công tác quản lý, vận hành…

Người dân tự đóng góp dựng cột, kéo dây đưa điện về nhà; nguồn điện không đảm bảo, chập chờn, vào giờ cao điểm các thiết bị như nồi cơm điện, quạt điện… không thể dùng được, có gia đình phải mua ắc-quy để thắp sáng. Mùa hè, vào giờ cao điểm (từ 18 - 22 h) phải sử dụng đèn pin, đèn dầu để sinh hoạt.

Đó đang là thực trạng ở xóm 12, xã Long Sơn (Anh Sơn), theo như phản ánh của anh Trương Công Tý, một hộ dân ở xóm này. Rồi như ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn), cả xã có 9 xóm thì ở xóm 8 và xóm 9 chất lượng điện rất kém. Vào giờ cao điểm, người dân không thể sử dụng được các thiết bị điện sinh hoạt, và chất lượng điện kém còn làm thiệt hại đến sản xuất của người dân.

Ông Hoàng Đình Mỹ - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Hùng Sơn một trong những vựa chè của huyện, với diện tích lên tới 520 ha. Thời tiết nắng nóng, rất cần nguồn điện lưới để phục vụ tưới tiêu. Mặc dù trên địa bàn có 47 hồ đập lớn, nhỏ nhưng vì thiếu điện để sử dụng bơm nước, nên năm 2015 xã thiệt hại 20 ha chè chết do nắng hạn. 

Người dân Viên Thành, Yên Thành phải dùng cây gỗ để chống cột điện đã bị xiêu vẹo, rất mất an toàn
Người dân Viên Thành, Yên Thành phải dùng cây gỗ để chống cột điện đã bị xiêu vẹo, rất mất an toàn

Ở huyện Yên Thành, nhiều năm nay người dân xã Tiến Thành đã không thể đầu tư máy móc phục vụ sản xuất chỉ vì nguồn điện yếu. Có hộ mua một số loại máy móc cơ khí về phục vụ sửa chữa máy sản xuất nông nghiệp, nhưng do điện yếu không dùng được lại phải bán rẻ đi. 

Ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Tiến Thành có dân số đông, đường điện dài, trong khi đó chỉ có 2 trạm biến áp 250 Kv/trạm, thời gian sử dụng trên 20 năm. Hiện tại, xã có 7/10 xóm (tương đương 80% số hộ dân) thiếu nguồn điện ổn định. Xã đã bàn giao lưới điện cho ngành Điện từ cuối năm 2014, nhưng ngành Điện chưa đầu tư nâng cấp đồng bộ nên hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, đến điện phục vụ sinh hoạt cũng không đủ.

Đầu năm 2016, mộ số hộ mua ổn áp và đóng góp trên 30 triệu đồng để kéo điện từ đường RE II về, nhưng chất lượng điện vẫn không được cải thiện nhiều. Hệ thống đường điện, cột điện xuống cấp còn có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa. Xã cũng đã nhiều lần báo cáo, có tờ trình lên huyện và điện lực đề nghị giải quyết... 

Dây điện, công tơ điện treo mắc tạm bợ trên tường rào nhà dân ở xã Nghĩa Tiến, TX. Thái Hòa
Dây điện, công tơ điện treo mắc tạm bợ trên tường rào nhà dân ở xã Nghĩa Tiến, TX. Thái Hòa

Một thực trạng gây bức xúc cho người dân của nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay là quy hoạch đường điện sau bàn giao nhiều nơi còn chắp vá; không chỉ gây tình trạng tổn thất điện năng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Ông Lê Văn Quyết - Phó chủ tịch UBND xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết: Hệ thống điện trên địa bàn xã đã bàn giao cho ngành Điện quản lý từ lâu. Việc người dân hàng ngày phải sống dưới đường điện hạ áp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Xã đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị lên các cơ quan chức năng và ngành Điện, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có phương án di dời. Xã cũng đã khuyến cáo bà con không xây dựng nhà cửa, công trình sát đường điện; chỉ đạo các xóm trưởng, công an viên thường xuyên đi kiểm tra tình hình để nếu có sự cố nảy sinh kịp thời khắc phục và xử lý.

Hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp đến từng hộ dân đã mang lại những giá trị hữu ích cho khách hàng sử dụng điện. Từ đây, người dân nông thôn đã được sử dụng điện theo giá ngang bằng với thành thị, các sự cố hư hỏng đã được kịp thời xử lý...

Tuy nhiên, sau khi thực hiện chủ trương xóa bán tổng, tình trạng tổn thất điện năng lại có chiều hướng gia tăng mà nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng câu móc điện trái phép diễn ra ngày một phổ biến. Yên Thành là địa phương có số lượng khách hàng lớn thứ 3 của tỉnh với trên 81.000 khách hàng. Sau khi hoàn thành việc tiếp nhận, tổn thất điện năng ở Yên Thành vẫn rất cao, riêng năm 2015 lên tới 13%.

 Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại toàn huyện Yên Thành có khoảng gần 2.000 cột điện đã hư hỏng nghiêm trọng buộc phải thay thế, chưa nói đế hệ thống đường dây trần, xà sứ sử dụng quá lâu nay đã xuống cấp, dây chùng, đứt nối nhiều nơi nên nguồn điện không đảm bảo để người dân sinh hoạt, sản xuất. Trong ảnh: Cây cột điện đường 4 dẫn đường điện từ xóm 4 đi xóm 9, Viên Thành qua nhà gia đình anh đã bị gãy ngang, phải chống bằng cột tre
Huyện Yên Thành có khoảng gần 2.000 cột điện đã hư hỏng nghiêm trọng buộc phải thay thế, chưa nói đế hệ thống đường dây trần, xà sứ sử dụng quá lâu nay đã xuống cấp, dây chùng, đứt nối nhiều nơi nên nguồn điện không đảm bảo để người dân sinh hoạt, sản xuất. 

Lý do là đối với hạ tầng lưới điện của 18 xã được ngành Điện tiếp nhận bàn giao trong năm 2015 đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cấp cải tạo. Tại huyện Anh Sơn, năm 2015, tỷ lệ tổn thất điện năng trên địa bàn là 13% (cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh 9,8%), mà nguyên nhân ngoài vấn đề hạ tầng lưới điện xuống cấp, là hiện tượng câu móc trộm điện tràn lan nhưng rất khó kiểm soát, phát hiện và xử lý. 

Sau khi ngành Điện tiếp nhận hạ tầng lưới điện nông thôn, địa phương nào cũng yêu cầu được đầu tư. Đây là mong muốn chính đáng của người dân, song tình trạng hạ tầng lưới điện quá cũ nát, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, ngành Điện không thể một lúc đầu tư hết. Ngay ở địa bàn một xã thì cũng chỉ được một vài vùng. Đó cũng chính là bất cập mà ngành Điện Nghệ An đang tìm giải pháp để tháo gỡ.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới