Lưới phòng thủ giúp siêu tàu sân bay Mỹ đối phó tên lửa diệt hạm

Mỹ đang cân nhắc triển khai một loạt vũ khí mới giúp siêu tàu sân bay Ford tăng khả năng sống sót trước tên lửa đối phương.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford ra biển thử nghiệm năm 2017. Video: AP.

Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá 13 tỷ USD của Mỹ được biên chế vào thí điểm các cường quốc như Nga và Trung Quốc đều hoàn thiện dàn tên lửa diệt hạm có uy lực cao. Giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ buộc Washington tìm cách tăng cường các hệ thống phòng vệ trên tàu sân bay để đối phó với mối đe dọa này, theo Business Insider.

"Một số người cho rằng hiện có quá nhiều hệ thống vũ khí được tối ưu cho nhiệm vụ diệt tàu sân bay, khiến hàng không mẫu hạm sẽ sớm trở nên lạc hậu", cựu sĩ quan hải quân Bryan McGrath cho biết.

Với trị giá hơn 10 tỷ USD mỗi chiếc, chưa kể giá trị không đoàn máy bay và 7.000 thủy thủ trong biên chế, mỗi tàu sân bay bị đánh chìm bằng tên lửa diệt hạm sẽ gây ra tổn thất khủng khiếp, trở thành đòn giáng mạnh vào niềm tự hào lớn nhất của hải quân Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Lầu Năm Góc đang tiến hành các bước đi để gia cố lưới phòng thủ cho tàu sân bay. "Do Nga và Trung Quốc tiếp tục phát triển năng lực tấn công tàu sân bay, Mỹ sẽ tìm các biện pháp phòng thủ tốt hơn", đại tá hải quân Mỹ James C. Rentfrow khẳng định.

Theo chuyên gia quân sự Alex Lockie, các tàu sân bay Mỹ hiện nay được trang bị ba lớp phòng thủ.

Đầu tiên là tên lửa phòng không SM-3 và hệ thống chiến đấu Aegis đặt trên các chiến hạm hộ tống, có nhiệm vụ phát hiện và đánh chặn từ xa các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tiêm kích đối phương đang nhắm vào tàu sân bay.

Nếu tên lửa diệt hạm và chiến đấu cơ đối phương lọt qua được vòng phòng thủ từ xa này, các tàu khu trục và tàu tuần dương có thể phóng tên lửa tầm trung SM-6 và RIM-162 ESSM để đánh chặn. Hệ thống phòng thủ cực gần (CIWS) Phalanx và SeaRAM đặt trên tàu sân bay sẽ là khiên chắn cuối cùng trong lưới phòng thủ ba lớp.

Lưới phòng thủ giúp siêu tàu sân bay Mỹ đối phó tên lửa diệt hạm ảnh 1

Hệ thống SeaRAM bắn thử ngoài khơi nước Mỹ năm 2014. Ảnh: US Navy

Tuy nhiên, Mỹ đang lên kế hoạch trang bị thêm nhiều loại vũ khí tương lai để tăng khả năng bảo vệ cho các siêu tàu sân bay lớp Ford.

Đầu tiên là hệ thống vũ khí laser, được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến hoặc máy bay không người lái (UAV) đối phương. Mỗi tàu sân bay có thể được lắp tới 6 tổ hợp vũ khí laser, cho phép thiêu cháy hoặc làm mù khí tài địch từ khoảng cách xa.

Một giải pháp khác được xem xét là pháo điện từ. Loại vũ khí này có thể bắn ra đầu đạn với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ tàu sân bay trước tên lửa hành trình diệt hạm của đối phương.

"Việc lắp đặt pháo điện từ lên một hoặc vài tàu sân bay sẽ không gặp nhiều khó khăn", McGrath nhận định.

Hai lò phản ứng hạt nhân trên siêu tàu sân bay lớp Ford có công suất gấp ba lần lớp Nimitz, bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện cho cả hai vũ khí này. Ngoài ra, hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) và cáp hãm đà mới cho phép vận hành tiêm kích với khối lượng cất hạ cánh lớn hơn, giúp tăng bán kính chiến đấu và đánh chặn được mối đe dọa từ xa.

Giải pháp cuối cùng là thành lập một không đoàn tàu sân bay hoàn toàn mới. "Ưu điểm của hàng không mẫu hạm là có thể thay đổi các hệ thống vũ khí mà không cần trở lại nhà máy. Hải quân Mỹ chỉ cần loại biên các máy bay cũ và triển khai những phi cơ mới có năng lực đánh chặn tên lửa", McGrath đánh giá.

Tin mới