Lương tối thiểu thấp, nhiều lao động không muốn làm công nhân

(Baonghean.vn) - “Tôi đã vào làm việc trong một công ty tại Nghệ An được 5 ngày và quyết định nghỉ việc. Đằng nào cũng đi thuê trọ, tôi sẽ đi tìm cơ hội công việc nơi có thu nhập tốt hơn” - một lao động trở về từ miền Nam thẳng thắn chia sẻ.

CHẮT BÓP CHO MỨC SỐNG TỐI THIỂU

Theo chân công nhân đi chợ trước cổng Công ty TNHH Matrix (KCN Bắc Vinh) có thể thấy người lao động ở đây chọn những quầy hàng lề đường, mua những thức ăn giá rẻ nhưng không được ngon. Chị Phan Thị Huyền - công nhân Công ty TNHH Matrix, quê ở Yên Thành chia sẻ: “Bình quân thu nhập của tôi bao gồm cả làm thêm là 5 - 5,5 triệu đồng/tháng, trừ đi tiền thuê phòng trọ 500.000 đồng/tháng thì phải chi tiêu dè dặt mới có thể gom góp tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Hầu hết công nhân chúng tôi đi làm về đã gần tối thì chỉ qua bên kia đường mua tạm tý thịt hoặc quả trứng, đậu phụ, mớ rau ăn qua bữa thôi”.

Ảnh:
Cán bộ công đoàn KKT Đông Nam nắm bắt tâm tư, người lao động tại khu nhà trọ. Ảnh: P.V

Cùng chia sẻ, những công nhân tại khu nhà trọ cũng chỉ ăn mức bình quân 10.000 - 13.000 đồng/suất. Nhìn chung, bữa ăn công nhân đa số chỉ có cơm, canh, vài ba miếng thịt hoặc đậu phụ, cá kho. Thực đơn nghèo nàn, thực phẩm không đảm bảo và chỉ đáp ứng về chất bột gạo, chưa đảm bảo về chất dinh dưỡng cần thiết. Dù đều hiểu rằng, nếu trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bản thân, nhưng những công nhân này không có lựa chọn nào khác.

Ở trọ cùng con để hỗ trợ chăm đứa cháu 10 tháng tuổi, bà Nguyễn Thị Huyền (60 tuổi, quê Kỳ Sơn) cho biết: “Con gái tôi là công nhân ở một công ty may mặc tại KCN Bắc Vinh, đi làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối nhưng tổng tiền lương và tiền tăng ca cũng chỉ khoảng 5,5 - 6 triệu đồng. Số tiền này dùng để trang trải chi phí nuôi 2 bà cháu ăn uống, sữa cho con, tiền bỉm, tiền nhà trọ, tiền điện, nước... Đợt nào công ty không tăng ca thì cuộc sống vô cùng khó khăn, chật vật”.

Người lao động gặp nhiều khó khăn vì đồng lương ít ỏi. Ảnh: P.V
Người lao động gặp nhiều khó khăn vì đồng lương ít ỏi. Ảnh: P.V

Tại KCN VSIP, nhiều gia đình công nhân gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ ở chung trong một phòng trọ rộng hơn chục mét vuông, giá 1,5 triệu đồng/tháng, vô cùng chật chội. Tổng bình quân thu nhập của 2 vợ chồng giao động từ 10 - 14 triệu đồng/tháng, trong đó, tiền nuôi 2 đứa con (1 đứa 4 tuổi, 1 đứa 2 tuổi) đã là 5-6 triệu đồng rồi. “Chúng tôi phải gửi con đầu về ông bà ngoại, thu nhập phải chia phần tiền thuê nhà, phần chi phí sinh hoạt cho 3 người, phần tiền gửi về hỗ trợ ông bà ngoại nuôi con nên chẳng tích lũy được bao nhiêu, dù đã cố gắng làm thêm. Khi các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh thì còn đỡ, còn nếu chẳng may một người bị ốm đau, thì cuộc sống gia đình sẽ đảo lộn, phải vay mượn bên ngoài để có tiền trang trải trước cho cuộc sống hằng ngày cũng như cho chữa bệnh, chưa tính còn phải lo cho bố mẹ già ở quê” - một phụ nữ chia sẻ.

Anh Phạm Văn Dũng - công nhân lao động tại miền Nam trở về Nghệ An trong đợt dịch năm 2021 chia sẻ: “Hiện nay mức lương, thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Nghệ An vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước từ 3 - 5 triệu đồng, trong khi đó, giá tiêu dùng, sinh hoạt phí của Nghệ An vẫn ở mức cao so với nhiều địa phương trên cả nước. Ví dụ, ở Bình Dương bát phở chỉ 15.000 đồng, về Nghệ An bát phở 25.000 đồng, tiền thuê trọ cũng đắt hơn. Tôi đã vào làm việc trong một công ty tại Nghệ An được 5 ngày và quyết định nghỉ việc. Đằng nào cũng đi thuê trọ, tôi sẽ đi tìm cơ hội công việc nơi có thu nhập tốt hơn”.

Ảnh:
Đại diện LĐLĐ tỉnh, Ban Quản lý KKT Đông Nam và Công đoàn KKT Đông Nam làm việc với doanh nghiệp. Ảnh: P.V

Trên địa bàn các KCN trực thuộc KKT Đông Nam Nghệ An hiện có 132 doanh nghiệp với tổng số lao động 34.000 người, trong đó 70% doanh nghiệp trả lương theo lương tối thiểu vùng, 30% doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu vùng từ 100.000 - 600.000 đồng/tháng, ngoài ra các doanh nghiệp trả thêm các loại phụ cấp chuyên cần, thâm niên, phụ cấp xăng xe, nhà ở… Tổng thu nhập bình quân gồm lương và các phụ cấp chưa tính làm thêm từ 4,4 triệu đến 5 triệu đồng. Tổng thu nhập bình quân bao gồm cả làm thêm từ 5 triệu - 7,5 triệu đồng. Với mức thu nhập bao gồm cả làm thêm, công nhân đủ để chi tiêu dè dặt  cho nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, nuôi con, nên đời sống người lao động vô cùng khó khăn. Đời sống thiếu thốn cũng là một yếu tố có tác động rất lớn đến tinh thần công nhân.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ nhà trọ số nhà 394 đường Đặng Thai Mai cho biết: "Công nhân ở trọ sống rất chật vật, lương thấp, dịch bệnh vất vả và thường phải về nhà xin "viện trợ" gạo, rau, thịt… vào mỗi cuối tuần. Nhiều trường hợp, sau khi sinh con, không có chỗ gửi trẻ nên họ rời khu công nghiệp về quê nuôi con nhỏ. Cũng vì lương thấp, công nhân cố gắng làm thêm, chắt chiu tiết kiệm, dè xẻn tiêu pha nên đời sống tinh thần nhàm chán, chỉ quẩn quanh ở xóm trọ”.

Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, cán bộ Công đoàn KKT Đông Nam, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thăm hỏi công nhân, nắm bắt thu nhập, tiền lương, các nguyện vọng của công nhân. Ảnh: P.V
Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, cán bộ Công đoàn KKT Đông Nam, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thăm hỏi công nhân, nắm bắt thu nhập, tiền lương, các nguyện vọng của công nhân. Ảnh: P.V

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, riêng Nghệ An có 4 cuộc ngừng việc. Hầu hết các cuộc ngừng việc nguyên nhân chủ yếu là tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, chất lượng bữa ăn ca chưa tốt... Qua các cuộc nắm bắt nguyện vọng của Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, đa số công nhân các khu công nghiệp, họ muốn được Nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng.

THU HÚT LAO ĐỘNG GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo thống kê, số lao động đi làm trong các KCN chỉ đạt 50-65%, do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, số F0 tăng nhiều, công nhân bất an về dịch bệnh. Bên cạnh đó, thu nhập thấp cũng khiến nhiều lao động không muốn đi làm, có nhiều người tìm kiếm cơ hội làm việc tại tỉnh khác hoặc chuyển làm việc khác như đi làm thợ xây, phụ hồ, bán hàng hoặc đi lao động nước ngoài…

Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, ngày  ngày 15 tháng 11 năm 2019: Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến nay đang áp dụng là: vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được dùng làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận về lương. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng là cơ sở còn là căn cứ để chi trả nhiều chế độ khác cho người lao động cho nên khi lương tối thiểu vùng thấp dẫn đến tổng thu nhập của NLĐ sẽ thấp.

Ảnh:
Lương thấp, không thể gửi trẻ, nhiều công nhân phải nhờ người nhà lên ở trọ cùng để trông con. Ảnh: P.V

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết “Lương công nhân Nghệ An thuộc vùng 3 và vùng 4. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường chỉ trả lương không thấp hơn mức tối thiểu vùng, có doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng nhìn chung là tiền lương còn thấp. Các doanh nghiệp giải thích rằng, họ cũng gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, sản xuất đình trệ, chi phí phòng dịch tốn kém nên họ chưa thể tăng lương trong giai đoạn này”.

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho hay: “Trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đang thiếu hụt nhân lực lớn, nhưng tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, hầu hết số lao động miền Nam, miền Bắc về Nghệ An cũng không “mặn mà” ở lại quê hương. Trước mắt cần thu hút khoảng 10.000 lao động để đáp ứng sản xuất cho các đơn hàng đã đặt; trong năm 2022, số lao động cần thu hút là hơn 20.000 lao động; từ nay đến năm 2025 cần thu hút thêm khoảng 60.000 người - 70.000 lao động. Thu hút lao động đang là bài toán rất khó khăn nếu không có cải cách tiền lương tối thiểu từ Nhà nước và chính sách cải thiện thu nhập cho lao động từ chính các doanh nghiệp”.

Ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: P.V
Ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: P.V

Ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Để cải thiện đời sống công nhân, trước hết, cần cải cách về chính sách tiền lương tối thiểu vùng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay Chính phủ không quy định tăng lương tối thiểu vùng, trong khi các mặt hàng đã tăng và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thực trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày như gạo, gas, thịt, cá, trứng, sữa… giữa các vùng chênh lệch rất ít nhưng tiền lương tối thiểu giữa 4 vùng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP chênh rất nhiều (giữa vùng 1 và vùng 4 chênh lệch 1.350.000 đồng) dẫn đến công nhân thuộc vùng 3, 4 thu nhập quá thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chính sách nâng lương tối thiểu của tất cả các vùng và đặc biệt cần chỉnh sửa lương tối thiểu vùng 3, 4 theo giá tiêu dùng thực tế để đảm bảo an sinh cho công nhân, thu hút nguồn nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp tại Nghệ An và phòng ngừa các vấn đề bức xúc, phát sinh tranh chấp lao động, đình công có thể xảy ra”./.

Tin mới