Lý do đẩy vàng đen tăng giá trở lại

(Baonghean) - Sau một thời gian dài ở ngưỡng thấp kỷ lục, giá vàng đen liên tục đảo chiều tăng trở lại và hiện ở mức cao nhất trong vòng nửa năm qua. Điều này khiến thế giới phải đặt ra nhiều câu hỏi. Lý do nào khiến giá dầu phục hồi? Phải chăng đã hết thời giá dầu rẻ và liệu xu hướng đi lên của giá dầu sẽ tồn tại bao lâu? 

Cân bằng cung cầu

Giá dầu bắt đầu mất phanh lao dốc từ giữa năm 2014 và liên tục lập đáy mới cho tới tháng 10/2015. Kể từ đó, những dự đoán về giá dầu trong năm nay đã được đưa lên bàn cân để mổ xẻ, người đoán rằng nó sẽ còn giảm nữa, kẻ lại cho khi đã chạm tới đáy rồi thì nó có thể sẽ quay ngược tăng giá trở lại.
Giá dầu tăng mức cao nhất trong 6 tháng qua. Ảnh: Internet.
Giá dầu tăng mức cao nhất trong 6 tháng qua. Ảnh: Internet.
Thế nhưng, xu hướng giảm và “lập đáy” mới của vàng đen đã không diễn ra trong những tháng đầu năm 2016. Giá dầu đã dần nhích lên từ mức thấp nhất là 26 USD/thùng hồi cuối năm 2015, lên 30 rồi 40 USD/thùng. Mới đây nhất, ngày 17/5, giá dầu trên các thị trường giao dịch lớn đã ở sát ngưỡng 50 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua. 
Vậy điều gì khiến giá dầu đảo chiều đi lên? Lâu nay sự lên xuống của giá dầu phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa cung và cầu. Thời điểm giá dầu xuống mức thấp kỷ lục được cho là do cung vượt xa cầu. Các “vựa dầu” trên thế giới như Saudi Arabia, Nga, Mỹ, Venezuela thời gian đó đều tăng sản lượng khai thác. Đặc biệt sự phát triển của dầu đá phiến tại Mỹ khiến sản lượng dầu tăng đột biến. Trong khi đó, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc hay châu Âu lại phát triển cầm chừng, khiến nhu cầu dầu mỏ cũng giảm hơn so với thời kỳ trước. Đó là nguyên nhân chính khiến giá dầu liên tục đi xuống. 
Theo Goldman Sachs, thị trường dầu mỏ đã chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt nguồn cung sớm hơn dự đoán. Ảnh: Reuters.
Theo Goldman Sachs, thị trường dầu mỏ đã chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt nguồn cung sớm hơn dự đoán. Ảnh: Reuters.
Hiện nay, khi giá dầu tăng, điều dễ thấy nhất đó là 2 yếu tố cung - cầu đã bắt đầu cân bằng trở lại. Hoạt động sản xuất dầu đã bắt đầu thu hẹp bởi các công ty hạn chế đầu tư khai thác những mỏ mới. Đó là trường hợp của Mỹ và Brazil. Cuối tuần qua, thêm 2 công ty năng lượng Mỹ nộp đơn xin phá sản sau hàng chục công ty khác trước đó. Đó là chưa kể, sự sụt giảm sản lượng do các vụ cháy rừng tại Canada, khủng hoảng kinh tế Venezuela và đặc biệt là tình trạng bất ổn tại Nigeria đang khiến sản lượng dầu mỏ trong tháng 5 thấp hơn so với mức tiêu thụ, lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua. 
Chưa hết, nguyên nhân lớn nhất chi phối giá dầu tăng mạnh trong những phiên gần đây xuất phát từ báo cáo mới nhất của ngân hàng Goldman Sachs về thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo đó, thị trường dầu mỏ đã chuyển từ trạng thái dư thừa sang thiếu hụt nguồn cung sớm hơn so với dự đoán, bởi nhu cầu tiêu thụ vẫn được duy trì ở mức cao, trong khi sản lượng khai thác lại giảm đáng kể.
Goldman Sachs - một quỹ đầu tư uy tín của quốc tế - thường đưa ra nhiều nhận định kém lạc quan nhất về giá dầu. Vào tháng 9/2015, họ đã khiến thị trường thế giới choáng váng khi khẳng định giá dầu sẽ rơi xuống mức 20 USD/thùng trước khi phục hồi lại. Chính vì thế, việc Goldman Sachs công bố báo cáo mới nhất giống như một cách “trấn an” thị trường và giới đầu tư rằng điểm cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ cuối cùng đang dần lộ diện. 
Thời dầu rẻ đã hết?
Thế nhưng trạng thái cân bằng này có kéo dài? Hay nói cách khác thời dầu thô giá rẻ đã hết? Khó có thể đưa ra một khẳng định chính xác cho câu hỏi này bởi lâu nay giá dầu trồi sụt còn phụ thuộc những biến động của tình hình chính trị thế giới. Khủng hoảng chính trị, kinh tế nghiêm trọng tại những nền kinh tế lớn ở Nam Mỹ như Brazil hay Venezuela, cũng là những nhà cung cấp dầu lớn hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ tác động đến giá dầu trong ngắn hạn.
Bất ổn chính trị chưa có lối thoát ở Libya hay Nigeria cũng sẽ khiến nguồn cung từ những “vựa dầu” này bị gián đoạn. Nhìn chung, nguồn cung dầu từ các thành viên bên ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ giảm. 
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố khác chi phối khiến nguồn cung tăng lên. Đó là trường hợp của Iran. Sau khi được “cởi trói” khỏi các lệnh trừng phạt, ngành dầu mỏ nước này có cơ hội hồi sinh với việc gia tăng mạnh sản lượng dầu thô. Cụ thể tháng 4, kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran tăng 700.000 thùng/ngày so với thời điểm trước khi bị trừng phạt, vượt mức dự kiến.
Tehran vừa qua đã thẳng thừng từ chối ý định “đóng băng” sản lượng mà các nước OPEC đề ra. Quyết định của Iran cũng khiến Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới lo ngại và kiên quyết không đóng băng hạn ngạch. Sự thất bại của cuộc đàm phán ở Doha (Qatar) vừa qua giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC cho thấy các nước sẽ tiếp tục đi theo chiến lược riêng của họ, đặc biệt là Saudi Arabia. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tháng trước, Phó Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định nước này có thể ngay lập tức tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày nếu cần thiết.
Điều này sẽ gây nên những diễn biến khó lường cho thị trường vàng đen. Đã có những nhận định rằng, sau khi chứng kiến sự tăng giá trong ngắn hạn, hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí, vốn đã sụt giảm trong thời gian qua, có thể sẽ tăng trở lại, đẩy thị trường vào tình trạng dư cung trong khoảng đầu năm 2017. Nhưng trong ngắn hạn giá dầu sẽ không chạm đáy như thời gian qua. Hãng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ dao động trong khoảng từ 40 đến 45 USD/thùng đến hết năm nay. Tuy nhiên, tương lai giá dầu vẫn sẽ tiếp tục là trò chơi đánh đố và mọi dự đoán sẽ chỉ mang tính tương đối.
Thanh Huyền
       

Tin mới