Lý do Nga cho “Quái vật biển” dưới lòng đại dương Akula “nghỉ hưu”

Tàu ngầm đề án 941 lớp Akula, NATO gọi là Typhoon, được chế tạo nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Liên Xô.

Theo truyền thông Nga, Hải quân nước này sẽ cho nghỉ hưu 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớn nhất thế giới thuộc Đề án 941 lớp Akula là Arkhangelsk và Severstal. Theo đó, sau năm 2020, Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga “Rosatom” sẽ thanh lý hai tàu ngầm hạt nhân "Arkhangelsk" và "Severstal".

Lý do Nga cho “Quái vật biển” dưới lòng đại dương Akula “nghỉ hưu” ảnh 1
Tàu ngầm Akula của Nga còn được gọi là "quái vật biển" dưới lòng đại dương. Ảnh: Sputnik

Nhiều chuyên gia quân sự tỏ ra tiếc nuối khi hai chiếc tàu ngầm từng là sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược của Nga nghỉ hưu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, có nhiều lý do để Hải quân Nga không còn cần các tàu ngầm Đề án 941 để duy trì hiệu quả răn đe hạt nhân của mình.

Đơn giản vì đó là gã khổng lồ…

Được chế tạo trong giai đoạn 1976-1986, các tàu ngầm Akula từng giữ vai trò quan trọng trong bộ ba răn đe hạt nhân của Liên Xô ngày trước và Nga ngày nay.

Tàu ngầm lớp Akula hiện giữ kỷ lục thế giới về kích thước. Tàu dài 175 m; rộng 23 m; lượng giãn nước 48.000 tấn; được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân OK-650 cho công suất 190MW; 2 động cơ turrbin khí cho phép con tàu đạt tốc độ tối đa 50km/h khi lặn, lặn sâu 400m, lặn liên tục 120 ngày trên biển. Akula đáp ứng được việc tung các đòn tấn công bất ngờ bằng tên lửa đạn đạo trong trường hợp Liên Xô bị tấn công hạt nhân.

Những con tàu Akula đã từng giúp Moscow cân bằng được cán cân hạt nhân với Mỹ, dẫn tới các hiệp ước hạt nhân sau đó thời cuối Soviet và hậu Soviet dưới hình thức các thỏa thuận START. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng con tàu này có kích thước quá to, và chi phí quá đắt ngay cả trong thời hoàng kim của nó.

Ông Konstantin Makienko, Phó giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow nói rằng: “Các tàu ngầm trong Đề án 941 đều như những gã khổng lồ và những con tàu bản thân chúng cũng vô cùng đắt đỏ. Chúng chính là con bài đối trọng với các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ”.

Lý do Nga cho “Quái vật biển” dưới lòng đại dương Akula “nghỉ hưu” ảnh 2
Tàu ngầm lớp Akula giữ kỷ lục thế giới về kích thước với chiều dài 175 m; rộng 23 m. Ảnh: Sputnik

“Tuy nhiên, trong khi Mỹ có khả năng chế tạo tới gần 18 chiếc tàu ngầm lớp Ohio, thì một Liên Xô hùng mạnh khi đó chỉ có thể chế tạo được 6 chiếc tàu ngầm Akula”, ông Makienko cho biết thêm.

Vũ khí chiến lược của tàu ngầm Akula gồm 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa R-39, mang 10 đầu đạn hạt nhân MIRV cỡ 100-200 kiloton, cho tầm bắn tối đa 8.300km. Với tổng trọng lượng 95 tấn, R39 là tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất được chế tạo, và nặng gấp 3 lần tên lửa Trident C-4 của Mỹ và gấp rưỡi so với Trident II D-5, dù Trident II D-5 vượt xa R-39 cả về lượng chất nổ và tầm bắn.

Chuyên gia quân sự Nga Vadim Saranov đánh giá: “Lượng giãn nước của tàu ngầm lớp Akula khi đủ tải vào khoảng 20.000 tấn, trong khi đó tàu ngầm lớp Ohio chỉ khoảng 18.500 tấn và nó mang được tới 24 tên lửa Trident II D-5 so với 20 tên lửa R-39 mà Aluka có thể mang theo”.

… và vô cùng tốn kém

Một trong những lợi thế nhận thấy được của Akula là kích thước của nó. Về lý thuyết mà nói, kích thước này cho phép nó có thể xuyên thủng lớp băng dày nhất ở Bắc Cực với sức mạnh thân máy.

Tuy nhiên, ông Saramov nhắc lại rằng, điều này không phải lúc nào cũng đúng trên thực tế. Năm 1990, chiếc TK-202 Akula đã không thể phá được lớp băng dày ở Bắc cực để nổi lên mặt nước sau hàng chục lần thử. Thậm chí sau khi trở về căn cứ, thủy thủ đoàn còn phát hiện vết hỏng trên thân tàu, các thiết bị cảm biến và một số phần phụ khác.

Với thân hình đồ sộ, tàu ngầm lớp Akula cần có cầu cảng đặc biệt để neo đậu, cũng như chi phí lớn để duy trì hoạt động. Theo chuyên gia Saranov, chi phí duy trì và sửa chữa mỗi tàu ngầm lớp Akula ít nhất cũng gấp đôi so với chi phí vận hành 667BDR Kalmar và 667BDRM Delphin - hai chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được thiết kế nhỏ hơn những vẫn mang được tới 16 tên lửa đạn đạo, chỉ kém tàu ngầm lớp Akula 4 tên lửa.

Lý do Nga cho “Quái vật biển” dưới lòng đại dương Akula “nghỉ hưu” ảnh 3
Tên lửa R-39, vũ khí chiến lược của tàu ngầm lớp Akula. Ảnh: Pinterest

Ngoài ra còn cần phải có những khoản chi phí khác cho cơ sở hạ tầng liên quan tới Akula, trong đó có một tuyến đường sắt đặc biệt dài 40km ở khu vực Murmansk để vận chuyển những chiếc tên lửa R-39. Hệ thống cần cẩu hạng nặng cũng được xây dựng để có thể chuyển tên lửa R-39 xuống giếng phóng trên tàu ngầm.

Việc duy trì và sửa chữa tàu ngầm lớp Akula cũng cần ụ nổi siêu khủng PD-50. Hiện tại, ụ nổi này được sử dụng cho tuần dương hạm tên lửa hạng nặng mang máy bay Admiral Kuznetsov.

Sự tiếc nuối cho “quái vật đại dương”

Với tình hình kinh tế bất ổn sau khi Soviet sụp đổ, đã có 3 chiếc Akula không còn hoạt động. Hai chiếc Severstal và Archangelsk trên thực tế đã dừng các nhiệm vụ lần lượt vào năm 2004 và 2006 và trở thành phương án dự bị kể từ đó, cùng thời điểm tên lửa R-39 hết hạn sử dụng.

Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov cho rằng, việc cho 2 chiếc Akula nghỉ hưu là một sai lầm và là một sự lãng phí. “Mỹ đã có kinh nghiệm chuyển đổi loại tên lửa sử dụng trên tàu ngầm SSBNs lớp Ohio từ tên lửa đạn đạo Trident sang tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều tương tự với Đề án 941. Nếu một chiếc tàu ngầm lớp Ohio có thể chở được 150 tên lửa Tomahawks thì Akula có thể mang tới 250 tên lửa”.

Lý do Nga cho “Quái vật biển” dưới lòng đại dương Akula “nghỉ hưu” ảnh 4
Việc chuyển tên lửa R-39 xuống giếng phóng trên tàu ngầm lớp Akula cần phải có một hệ thống cần cẩu hạng nặng. Ảnh: Wikimapia

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác cho rằng, do kinh phí duy trì hoạt động của những gã khổng lồ Akula rất đắt đỏ, thêm nữa là việc nâng cấp, hiện đại hóa và trang bị vũ khí mới cho các tàu này cũng sẽ tốn tới hàng tỷ USD.

Ông Makienko cũng nhấn mạnh, do điều kiện ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên trong thời gian qua Nga đã quyết định chuyển hướng sang chế tạo các tàu mặt nước cỡ nhỏ vài nghìn tấn và các tàu ngầm hạt nhân có lượng giãn nước trên dưới 10.000 tấn, đồng thời loại biên các tàu ngầm siêu khủng nhưng tốn kém này.

Hiện tại Hải quân Nga đã có những tàu ngầm mang tên lửa hành trình “cơ động hơn, chi phí hoạt động kinh tế hơn” so với “quái vật dưới lòng đại dương” Akula.

Số phận của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Akula gần như chắc chắn được định đoạt. Tuy nhiên, trước khi chính thức nghỉ hưu, tàu ngầm lớp Akula đóng vai trò quá trình đào tạo kíp thủy thủ và thử nghiệm vũ khí dành cho tàu ngầm Đề án 955 Borei mới.

Nó cũng đóng vai trò hỗ trợ trong việc chế tạo Bulava, loại tên lửa mới cho tàu ngầm Đề án 955 Borei sẽ thay thế cho tất cả tàu ngầm tên lửa hạt nhân đề án 667 và đề án 941 phục vụ trong Hải quân Nga.

Điều này là để đảm bảo nhiệm vụ răn đe hạt nhân của Nga sẽ tiếp tục được duy trì hiệu quả./.

Tin mới