Lý do thúc đẩy Triều Tiên có động thái hòa giải với Mỹ

(Baonghean.vn) - Trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với phía Triều Tiên, có nhiều câu hỏi đặt ra là liệu điều gì đã thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra các điều kiện đủ để phía Washington chấp nhận như vậy.

Chuyên gia Robert Manning, thành viên Hội đồng Atlantic về Chiến lược và An ninh ở Washington nhận xét: “Có một số nhân tố hỗn hợp” đằng sau việc Triều Tiên thay đổi thái độ bất ngờ.

Triều Tiên 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

 Chuyên gia này cho biết: “Đây là lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện, “sức ép tối đa” phát huy tác dụng đối với Triều Tiên, bằng chứng cho thấy các biện pháp này đang gây suy yếu nền kinh tế Triều Tiên và ảnh hưởng tới giới tinh hoa, vốn là bệ đỡ tinh thần cho ông Kim. 25 vụ thử tên lửa và 3 vụ thử hạt nhân của ông Kim đã khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên tự tin rằng nước này có thể làm nhụt chí Mỹ”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Lee Suk thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định: “Tác động của các lệnh trừng phạt dường như chưa rõ rệt trên thị trường, song có khả năng Triều Tiên có thể chịu sự thụt lùi hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng, làm suy giảm đáng kể phúc lợi của các nhân tố kinh tế”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận các biện pháp trừng phạt thực sự có ảnh hưởng.

Cuộc gặp giữa đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-young và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hôm 5/3/2018. Ảnh: AP
Cuộc gặp giữa đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-young và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hôm 5/3/2018. Ảnh: AP
 Ông Lim Kang-taeg, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc cho hay: “Tôi nghĩ các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu ảnh hưởng tới nền kinh tế Triều Tiên, tuy nhiên cần thời gian để xem xét mức độ ảnh hưởng mà các biện pháp này mang lại. Xét tới hệ thống chế độ Triều Tiên và kiểu quyết định được đưa ra thời gian qua, vấn đề kinh tế không phải điều quan ngại chính. Dường như đã tới lúc tiến hành đối thoại với Mỹ để nhận được đảm bảo về mặt an ninh như Bình Nhưỡng mong muốn, trong khi Mỹ đang cân nhắc nghiêm túc phương án quân sự”.

Một số chuyên gia nhận xét các hành động gần đây của ông Kim không có gì đáng bất ngờ mà nằm trong chiến lược lâu dài của vị lãnh đạo trẻ tuổi này, bởi hiện nay Triều Tiên đang nắm giữ con bài mặc cả quyền lực, đó là chương trình vũ khí hạt nhân mà ông Kim tuyên bố đã hoàn tất hồi tháng 11 năm ngoái.

Còn có luồng ý kiến cho rằng chính Trung Quốc là nhân tố khiến Triều Tiên có thái độ hòa giải. Giáo sư Park Won-gon thuộc Đại học Handong nhận định: “Tôi nghĩ Trung Quốc đóng vai trò trong việc dẫn dắt Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Bắc Kinh cảnh báo nước này không còn có thể bảo vệ Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục gây ra hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa. Đối với Triều Tiên, nước này không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc được nữa”./.

Tin mới