'Ma trận' hàng giả, hàng nhái

(Baonghean) - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái lại diễn biến phức tạp. Hàng loạt mặt hàng được tung ra thị trường với đủ các loại mẫu mã, nhãn mác khiến người tiêu dùng loay hoay trong ma trận thật - giả. 

Lực lượng chức năng thu giữ hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Phương Thảo
Lực lượng chức năng thu giữ hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Phương Thảo

Thật giả lẫn lộn

Dạo quanh các ki ốt, cửa hàng tạp hóa hoặc khu chợ tại địa bàn huyện Diễn Châu, để tìm được một gói bánh chính hãng, người mua phải thực sự tinh ý, soi xét cẩn thận từng dấu hiệu nếu không rất dễ mua phải hàng nhái. Bánh Custard nhái thương hiệu Custas, Chocopie của Orion được cơ sở sản xuất bánh kẹo Hải Việt sản xuất gắn nhãn ChocoPai... là những ví dụ điển hình khiến người mua dễ dàng nhầm lẫn.

Và hiển nhiên, không ai có thể nắm rõ từng thương hiệu sản phẩm và đặc điểm nhận biết trong hàng ngàn nhu yếu phẩm đang được bày bán trên thị trường. Chia sẻ những lo lắng này, ông Nguyễn Hữu Thường (xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu) cho biết, không chỉ bánh kẹo mà cả mì chính giả, bia rượu giả... cũng được bày bán khắp nơi.

Ông Thường còn lấy ví dụ có nhiều thực phẩm dành cho trẻ em sản xuất ở ngay tại địa bàn ông sinh sống nhưng lại dán mác Hà Nội rồi được đưa đi tiêu thụ. “Năm nào cũng thế, cứ gần Tết là hàng giả lại tràn lan, chúng tôi cứ mua chứ có biết thật giả thế nào đâu”, ông Thường nói. 

Không những vậy, hiện nay còn có hình thức bán hàng trên thị trường mới, đó là “chợ Facebook”. Đây được coi là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng bởi lượng tiếp cận khách hàng khá lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh những mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì rất nhiều mặt hàng được làm giả, làm nhái và bán ra với giá rất rẻ.

Những món đồ nhái lại của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Gucci, Louis Vutton, Calvin Kein, HM… đều được công khai rao bán; thậm chí nhiều đối tượng còn ngang nhiên bán cả tiền giả trên Facebook. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2017 đã phát hiện 145 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, tổng giá trị thu phạt là 1.280.614.000 đồng. Trong đó, phạt hành chính 421.525.000 đồng; trị giá hàng tiêu hủy là 859.089.000 đồng.

Trên thực tế, bất cứ mặt hàng nào đều có thể bị làm giả, có mặt ở các phân khúc thị trường, từ quần áo, giày dép cho đến những mặt hàng khó thẩm định như thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, điện thoại…cho đến xăng dầu. 

Thời gian gần đây, dư luận vẫn chưa hết xôn xao vụ việc cơ quan chức năng ở Nghệ An phát hiện, bắt quả tang 20 doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu pha chế, kinh doanh xăng “bẩn”. Chủ doanh nghiệp thừa nhận đã bán hàng triệu lít xăng “bẩn” trên địa bàn toàn tỉnh với công thức 50% xăng, 50% chất dung môi và chất tạo màu. Khi sự việc được phanh phui, người dân mới giật mình nhận ra lâu nay họ bị đánh lừa, sử dụng xăng kém chất lượng mà không hề hay biết.

Khó kiểm soát...

Mặc dù các cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc để ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhưng dường như những nỗ lực ấy chỉ như “muối bỏ bể”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: “Rất khó kiểm soát triệt để”. Bởi trên thực tế, lợi dụng sự phát triển của công nghệ mới, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Những món hàng được nhái lại y như thật, khó phân biệt bằng mắt thường nên dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt lực lượng chức năng.

Các đối tượng này cũng thường xuyên thay đổi địa điểm bán, phân tán công đoạn sản xuất ở nhiều nơi, giao hàng nhiều đợt, số lượng ít, trà trộn hàng giả lẫn hàng thật.

Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì nhanh chóng tẩu tán hàng hóa, cất giấu ở nơi kín đáo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị nhái sản phẩm lại không dám mạnh dạn lên tiếng tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm. 

Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Ảnh: Phương Thảo
Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Ảnh: Phương Thảo

Về phía người tiêu dùng, họ luôn kêu ca về vấn nạn này nhưng lại sẵn sàng chặc lưỡi bỏ qua và chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng vì giá cả rẻ hơn, mẫu mã đẹp, có sức hút.

“Có cung ắt hẳn có cầu”, người dân vẫn mua và hàng giả, hàng nhái vẫn được sản xuất; như vậy chính một bộ phận người tiêu dùng đang tiếp tay cho hành vi phạm pháp

“Hầu hết các vụ vi phạm chúng tôi phát hiện đều qua các cuộc kiểm tra, thanh tra đột xuất. Số lượng tin báo tố giác của người dân rất ít, một năm số lượng tin báo cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Thắng cho biết. 

Một tồn tại khác được ông Thắng nêu ra là công tác giám định chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, các trung tâm giám định ở xa, thời gian chờ kết quả giám định chất lượng để xác định hành vi vi phạm quá lâu ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ xử lý.

Số lượng vụ kiểm tra tuy nhiều nhưng chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính là chủ yếu nên chưa thực sự có tính răn đe đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giá còn nhiều thiếu sót; việc kê khai, đăng ký giá chưa được các doanh nghiệp thực hiện thường xuyên; việc niêm yết giá nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, đối phó, bán sai giá niêm yết, nhất là tại các chợ, gây khó khăn cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện khắp nơi trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm các biện pháp để bảo vệ, đưa ra các giải pháp chống hàng giả như sử dụng tem chống hàng giả để có thể truy xuất ngay nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những giải pháp để ngăn ngừa và kìm chế. Muốn tạo ra được một thị trường cạnh tranh lành mạnh, sản phẩm chất lượng, an toàn đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp ngành từ trung ương đến địa phương, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.

Lực lượng chức năng cần duy trì liêm chính, không chấp nhận bất cứ hành vi nào tiếp tay bảo kê cho các vi phạm. Quan trọng hơn, mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông thái, không ham rẻ, ham hàng giả để tránh hệ lụy cho bản thân và gây tác động xấu đến thị trường. 

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả cao nhất là 120 triệu đồng (cho hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng). 

Tùy tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 157 BLHS, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới