'Mãi xứng đáng là người lính Cụ Hồ'

(Baonghean.vn) - Dẫu ở trong thời chiến hay trong thời bình, những cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung và các cựu chiến binh nói riêng vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: Trung thành, đoàn kết, vì nước, vì dân - Đại tá Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An trò chuyện cùng Báo Nghệ An.

PV: Trong những tháng ngày lịch sử với nhiều lễ kỷ niệm trọng đại như 31 năm thành lập Hội Cựu Chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2020), 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), từng là một người lính, ông có những suy nghĩ, cảm xúc nào trong thời khắc này?

Đại tá Nguyễn Ngọc Trân: Cứ đến tháng 12 hàng năm, những người cựu chiến binh như chúng tôi đều dâng trào cảm xúc. Là những người lính Cụ Hồ đã trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, khi nhìn cuộc sống tươi đẹp hôm nay, chúng tôi lại nhớ về ngày xa xưa, nhớ lại những đồng đội, đồng chí đã hy sinh; để rồi thấy thêm biết ơn đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng nền hòa bình thịnh trị... Vào tháng 12, chúng tôi vẫn thường tổ chức gặp mặt, trao đổi, ôn lại kỷ niệm thời chiến trường và liên hệ với cuộc sống hôm nay; từ đó, động viên nhau vượt lên khó khăn, thách thức của cuộc sống đời thường, tiếp tục cống hiến sức mình trên nhiệm vụ, chức trách của từng người được giao.

Đại tá Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Đại tá Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Là những cựu binh, chúng tôi vẫn theo sát những hoạt động của lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng. Qua đó, hiểu thêm cuộc sống người lính hôm nay, đồng cảm và chia sẻ những khó khăn mà các đồng chí, đồng đội trải qua. Phải nói rằng chúng tôi rất tự hào với những gì mà cán bộ, chiến sĩ quân đội đã và đang thực hiện.

Trong năm 2020, đất nước mình đối mặt với đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội là lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ này rất hiệu quả. Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi rất cảm động trước hình ảnh các anh bám trụ nơi biên cương để ngăn chặn tình trạng di dịch cư trái phép, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập; hình ảnh các anh đảm đương thực hiện tốt nhiệm vụ ở các khu cách ly tập trung...

Càng cảm động hơn là việc những cán bộ, chiến sĩ quân đội đi đầu, xung kích, xông pha thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai. Câu chuyện buồn ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) với 11 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; ở Hướng Hóa (Quảng Trị) với 22 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 hy sinh trong trận mưa bão tháng 10/2020 vừa qua... đã cho thấy sự dũng cảm, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ. Các anh đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho tinh thần xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Lễ an táng các liệt sỹ hi sinh ở Rào Trăng 3
Lễ an táng các liệt sĩ hi sinh ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường

Chúng tôi rất xúc động và tự hào với thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội hôm nay. Đất nước, môi trường quân đội đã rèn luyện, đào tạo những cán bộ, chiến sĩ - những người con ưu tú sẵn sàng hy sinh cứu nhân dân trong cơn hoạn nạn. Cán bộ, chiến sĩ đã kiên định đi theo con đường của Đảng đã chọn. Bản chất của Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn được giữ vững.

PV: Những người lính Cụ Hồ quê hương Nghệ An năm xưa đã không quản ngại hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và hôm nay, những người lính đó đã và đang có những nỗ lực, cố gắng như thế nào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc?

Đại tá Nguyễn Ngọc Trân: Ở tỉnh ta, hiện có trên 175.000 cựu chiến binh (đứng thứ 3 toàn quốc). Đây chính là lực lượng to lớn, hùng hậu, được quy tụ dưới tổ chức Hội Cựu Chiến binh - tổ chức trong hệ thống chính trị... Với bản chất của người lính Cụ Hồ, về với môi trường Hội Cựu chiến binh, những người lính năm xưa đã tập trung xây dựng tổ chức hội trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Trung ương Hội và cấp ủy chính quyền địa phương giao.

Nhiệm vụ lớn, quan trọng nhất mà các cựu chiến binh tập trung thực hiện là tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhiệm vụ này, các cựu chiến binh ở tỉnh đã luôn gương mẫu nói và làm đúng Nghị quyết; tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Khi xuất hiện các quan điểm thù địch, sai trái, các cựu chiến binh ngoài việc là lực lượng tham gia đấu tranh tích cực, còn đứng ra giúp nhân dân nhận rõ đâu là đúng, là sai.

Ở các địa phương, Hội Cựu chiến binh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với các ban, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của hội, của địa phương. Trong năm 2020, Hội Cựu chiến binh đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp, với trên 10.000 lượt ý kiến. Các ý kiến của cựu chiến binh đều được ghi nhận, đánh giá rất cao vì chứa đựng sự tâm huyết, trách nhiệm, ý thức xây dựng cao, với nhiều sáng kiến và đề xuất thiết thực.

Các cựu chiến binh cũng đã làm tốt việc nắm bắt tình hình ở cơ sở; tham mưu, đề xuất với chính quyền chủ trương, biện pháp giải quyết tình hình, các vụ việc nảy sinh ở cơ sở. Trong năm 2020, các cấp hội đã giải quyết trên 800 vụ việc, đặc biệt là các vụ việc tại địa bàn trọng điểm như vùng giáo, biên giới; cũng như ngăn chặn hiệu quả các thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, lực lượng cực đoan tôn giáo.

Mô hình trồng cam xã Đoài của cựu chiến binh cho thu nhập cao ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu
Mô hình trồng cam xã Đoài của cựu chiến binh cho thu nhập cao ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu

Khi người lính hoàn thành nhiệm vụ, trở về đời thường, địa phương, nhiều người gặp nhiều khó khăn. Các cấp hội đã động viên cựu chiến binh phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn của người lính; khai thác các nguồn lực của tập thể, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ cựu chiến binh, sản xuất kinh doanh, mở mang các ngành nghề, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 1,59% hộ cựu chiến binh là hộ nghèo, giảm 0,51% so với năm 2019. 13 đơn vị cấp huyện đã hết hộ nghèo. Hộ cựu chiến binh khá giàu đạt trên 70%, tăng 0,7% so với năm 2019.

Các cựu chiến binh trong tỉnh luôn tích cực, gương mẫu, đi đầu, xung kích tham gia các cuộc vận động, các phong trào góp phần thực hiện hiệu quả các đề án, các chương trình phát triển KT - XH, AN - QP ở địa phương. Nổi bật nhất là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong năm 2020, cựu chiến binh ở tỉnh đã đảm nhận 364 công trình (với tổng giá trị trên 11 tỷ đồng); tham gia gần 55.000 ngày công, hiến 114.200 m2 đất, hiến tài sản trên đất và các hiện vật là 6,25 tỷ đồng... góp phần xây dựng các tiêu chí để các xã về đích nông thôn mới. Nổi bật là cựu chiến binh TP.Vinh, huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Nam Đàn...

Trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, cựu chiến binh chính là nòng cốt ở các địa phương. Khi sự kiện Fomosa xảy ra, các lực lượng cực đoan tôn giáo lợi dụng sự kiện này để kích động, chống phá thì lực lượng cựu chiến binh ý thức rõ trách nhiệm của mình để đấu tranh tư tưởng, chống các hành động này nhằm góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.835 mô hình cựu chiến binh tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Các cựu chiến binh đã cùng lực lượng công an, quân sự địa phương tuần tra canh gác, giữ yên bản làng, khối phố. Ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc... có nhiều câu lạc bộ Cựu chiến binh bảo vệ an ninh trật tự hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Hội CCB và Bí thư Đoàn xã Diễn Tân (Diễn Châu) tìm hiểu phản hồi của cấp ủy, nhân dân xóm 1 về mô hình bí thư chi đoàn danh dự. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hội CCB và Bí thư Đoàn xã Diễn Tân (Diễn Châu) tìm hiểu phản hồi của cấp ủy, nhân dân xóm 1 về mô hình bí thư chi đoàn danh dự. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, cựu chiến binh cũng đã rất tích cực tham gia phong trào ủng hộ đóng góp các loại quỹ xây dựng quê hương đất nước. Năm 2020, cựu chiến binh toàn tỉnh đã tham gia đóng góp trên 27 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ Phòng chống đại dịch Covid-19 trên 7 tỷ đồng, ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ là 11,8 tỷ đồng chưa kể nhiều vật chất khác.

PV: Có thể nói, hiện nay, cựu chiến binh là một lực lượng nòng cốt xây dựng quê hương, đất nước. Với ý thức, trách nhiệm của mình, các cựu chiến binh đã không ngừng quan tâm xây dựng tổ chức hội, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thời gian tới, lớp “tre già” sẽ giúp cho lứa “măng mọc” ra sao?

Đại tá Nguyễn Ngọc Trân: Theo quy luật thời gian, những cựu chiến binh rồi cũng ít dần đi. Hiện nay, lớp cựu chiến binh chống Pháp ở tỉnh ta chỉ còn trên 3.000 người; 50% hội viên cựu chiến binh là người lính thời bình. Chúng tôi luôn ý thức rõ quy luật để rồi cố gắng tiếp tục trao truyền truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ, luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ” cho lớp kế cận. Cụ thể, các cấp hội luôn chú trọng kết nạp hội viên mới theo điều lệ hội quy định; tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng, phương pháp hoạt động cho lớp trẻ, người mới vào hội.

Hội CCB huyện Anh Sơn đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Trương Công Xuân tại thôn 9, xã Thọ Sơn.
Hội CCB huyện Anh Sơn đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Trương Công Xuân tại thôn 9, xã Thọ Sơn. Ảnh tư liệu

Cựu chiến binh lớp trước đã giúp đỡ lớp cựu chiến binh sau bằng việc quán triệt chỉ thị, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; cập nhật thông tin tình hình dư luận xã hội định hướng cho anh em, không để hiện tượng tiêu cực chi phối; lấy việc thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của tổ chức hội, việc rèn luyện thường xuyên của hội viên. Nhờ vậy, các cựu chiến binh đã luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, trở thành “chỗ dựa” và “niềm tin” ở cơ sở. Vừa qua, trong sơ kết 4 năm thực hiện chỉ thị, đã có 1.422 điển hình cựu chiến binh tiêu biểu. Đơn cử như Hội Cựu chiến binh Đô Lương với phong trào mỗi người tiết kiệm 2.000 đồng/tháng theo gương Bác Hồ để hỗ trợ xây dựng nhà đồng đội. Với phong trào này, trong 2 năm Hội Cựu chiến binh huyện Đô Lương đã có được 540 triệu đồng để sửa chữa, xây mới được cho 20 nhà đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài việc thực hiện xây dựng tổ chức hội của mình, cựu chiến binh đã tích cực tham gia giáo dục thế hệ trẻ và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Các cựu chiến binh với ý thức rõ về giá trị cuộc sống tự do, độc lập đã rất trách nhiệm truyền thụ kinh nghiệm, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm, ở tỉnh, các cựu chiến binh đã tổ chức trên 1.000 buổi nói chuyện truyền thống yêu nước cho hàng trăm nghìn lượt thanh thiếu niên; phối hợp các cơ quan, ban, ngành tổ chức hàng chục ngàn cuộc hành quân về nguồn, tri ân, thăm viếng nghĩa trang, thăm chiến trường xưa, giao lưu tọa đàm, kể chuyện cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cựu chiến binh ở tỉnh đã xây dựng mô hình Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh kiêm Bí thư Chi đoàn danh dự. Đến nay, đã có 77 chi hội trưởng là bí thư chi đoàn danh dự, tập trung nhiều ở huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên... Năm nay, các cựu chiến binh đã bồi dưỡng, giới thiệu cho chi bộ kết nạp 887 đoàn viên ưu tú trở thành đảng viên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin mới