Mầm non thị trấn Đô Lương: Mức độ tự chủ hiện khoảng 30%

(Baonghean.vn) - Bà Dương Thị Năm - Hiệu trưởng cho biết mức độ tự chủ hiện tại của trường khoảng trên 30%, tuy nhiên kinh phí hoạt động của trường còn gặp nhiều khó khăn.

Chiều 5/4, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập do bà Thái Thị An Chung - Phó Ban làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Trường Mầm non Thị trấn Đô Lương.

Trường Mầm non Thị trấn Đô Lương là trường chuẩn quốc gia mức độ II. Từ tháng 9/2011, trường được chuyển đổi từ loại hình trường bán công sang trường công lập chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Hiện tại, trường có 35 người làm việc (trong đó 28 biên chế và 7 hợp đồng lao động theo Thông tư số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV); 9 cô nuôi (lao động hợp đồng nấu ăn) và 1 hợp đồng bảo vệ. Tổng số học sinh là 532 cháu với 16 nhóm lớp, 100% bán trú.

Đoàn giám sát thăm cơ sở vật chất bếp ăn của trường Mầm non Thị trấn Đô Lương. Ảnh: Thu Nguyễn.
Đoàn giám sát thăm cơ sở vật chất bếp ăn của trường Mầm non Thị trấn Đô Lương. Ảnh: Thu Nguyễn.

Thời gian qua, trường đã tích cực huy động các nguồn xã hội hóa và ngân sách nhà nước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, sạch đẹp, tạo khu vui chơi, rèn luyện cho trẻ; bếp ăn được trang bị hiện đại, thực phẩm cung cấp rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ, ngoài ra trường còn tận dụng quỹ đất trong khuôn viên để trồng rau xanh cung cấp cho bữa ăn của các cháu.

Đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường có năng lực và tận tụy, nhiệt huyết với công việc. Nhờ đó, trường là địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh trên địa bàn gửi gắm con em. Quy mô trường lớp và sĩ số học sinh tăng trong những năm gần đây.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ trong trường như: hiệu quả đạt được từ công tác xã hội hóa trong trường học và việc xây dựng kế hoạch huy động nguồn xã hội hóa; việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên và nguồn thu học phí được để lại; thu nhập tăng thêm và thực hiện các quỹ phúc lợi đối với giáo viên, nhân viên trong trường học; mức độ tự chủ hiện tại của đơn vị; việc xây dựng đề án vị trí việc làm và phương án tự chủ; vấn đề hợp đồng giáo viên; mức thu học phí; việc trường liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động dịch vụ…

Trao đổi với Đoàn giám sát, bà Dương Thị Năm - Hiệu trưởng cho biết mức độ tự chủ hiện tại của trường khoảng trên 30%. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của trường còn gặp nhiều khó khăn do chỉ được giữ lại 10% nguồn học phí và 17% nguồn ngân sách nhà nước cấp để chi khác nên khó đảm bảo các hoạt động trong nhà trường.

Định mức số giáo viên/lớp chưa đủ theo quy định làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhà trường phải tự chi trả lao động hợp đồng nấu ăn từ nguồn học phí và nguồn thỏa thuận thu từ phụ huynh chứ chưa được ngân sách nhà nước cấp. Kinh phí hạn hẹp nên trường không có thu nhập tăng thêm và quỹ phúc lợi.

Kết luận buổi làm việc, bà Thái Thị An Chung đánh giá cao sự chủ động và tích cực của trường trong việc huy động đầu tư, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; thực hiện nghiêm túc quy định về tổ chức bộ máy trong trường học; thực hiện thu chi minh bạch, đúng quy định; công tác quản lý, sử dụng giáo viên, nhân viên hiệu quả.

Đồng thời, bà Chung đề nghị trường sớm xây dựng và trình phê duyệt đề án vị trí việc làm, phương án tự chủ; có kế hoạch và lộ trình để tăng mức độ tự chủ tài chính dần dần đến tự chủ chi thường xuyên; tăng cường quản lý đội ngũ giáo viên, trường hợp cần thiết hợp đồng lao động thì phải thực hiện đúng quy định; quản lý nguồn thu và sử dụng tiết kiệm để tăng thêm thu nhập, tạo lập các quỹ phát triển sự nghiệp, phúc lợi, quỹ khen thưởng trong nhà trường.   

Thu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới