Mánh khoé của đường dây lừa đảo chạy việc lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nắm bắt được tâm lý của nhiều người tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, các đối tượng đã hình thành đường dây lừa đảo chạy việc. Hàng trăm người khát việc làm đã “sập bẫy” đường dây với số tiền bị lừa “chạy việc” lên đến trên 10 tỷ đồng... 

» Clip lời khai của kẻ cầm đầu đường dây 'chạy việc' vào các bệnh viện

Mỗi năm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Nghệ An đào tạo từ 19.000-20.000 sinh viên, số sinh viên ra trường chưa có việc làm hiện khoảng 20.000 người.

Áp lực xin việc vào các cơ quan nhà nước là rất lớn nhưng mức độ tuyển dụng lại có hạn. Vì thế nhiều gia đình bằng mọi cách, bằng mọi con đường, tìm cách “chạy việc” cho con em mình. “Có cầu ắt có cung”, nắm bắt được nhu cầu đó, một đường dây “chạy” vào làm việc ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hình thành. Cầm đầu đường dây là đối tượng Trần Thị Phượng (sinh 1962, trú tại Hưng Bình, TP Vinh).

Để tạo niềm tin cho những người cần “chạy việc”, những kẻ nằm trong đường dây này cho biết mình có “quan hệ rộng”, có thể xin việc làm tại các cơ sở y tế, thậm chí khi cần thiết các đối tượng này còn bấm điện thoại gọi điện nói chuyện trực tiếp với giám đốc bệnh viện để làm chứng.

Chỉ với thủ đoạn đơn giản này, hàng trăm người sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng y sau mấy năm ra trường chưa có việc làm đã “sập bẫy” đường dây này.

Hồ sơ xin việc  -ảnh minh họa
Hồ sơ xin việc - ảnh minh họa.

Từ năm 2012, thông tin về "đường dây chạy việc có thể xin vào bệnh viện hàng đầu của tỉnh" lan rộng. Nhờ đó, liên tiếp trong các năm 2013, 2014 và 2015, các đối tượng mở rộng địa bàn thu nhận hồ sơ và số tiền “chạy việc” cũng được nâng giá từ 150 triệu đồng lên thành 300 triệu đồng/suất.

Từ năm 2012 đến 2016, các đối tượng đã nhận hồ sơ xin việc của hàng trăm người, mỗi người từ 150-300 triệu đồng để xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An. Tổng số tiền thu để “chạy việc” lên đến trên 10 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án hình sự số 08 về tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án lừa đảo xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trước đó, ngày 26/10/2016, cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối tượng Trần Thị Phượng (sinh 1962, trú tại Hưng Bình, TP Vinh) về hành vi lừa đảo chạy việc. Cùng ngày, đối tượng Thái Thị Lan (trú tại Lê Lợi, TP Vinh) đã đến cơ quan công an tự thú.

Chị Nguyễn Thị T ở Quỳnh Lưu cho biết: "Cuối năm 2014, qua lời giới thiệu của người thân, tôi được biết bà Phượng có khả năng “lo” được vào làm tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Tâm lý của cha mẹ mà, nuôi con ăn học đã vô cùng tốn kém rồi mà ra trường con vẫn chưa có việc làm nên nóng ruột.

Nghĩ rằng vay mượn thêm vài trăm triệu nữa để lo việc cho con cũng là việc nên làm. Thế là 2 mẹ con tôi vào nhà bà Phượng để đưa tiền và nhận lại được một tờ giấy cam đoan “sẽ xin cho con chị T vào làm tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh”. Nhưng chờ mãi cũng chẳng có kết quả, mỗi lần gọi điện vào bà Phượng đều bảo phải chờ một thời gian nữa, đến khi có đợt tuyển dụng thì sẽ ưu tiên cho con tôi. Đến giờ, khi biết bà Phượng bị bắt, tôi chỉ mong muốn duy nhất là lấy lại được số tiền mình đã đưa cho bà Phượng".

Giống như gia đình chị T, thông qua các mối quan hệ, rất nhiều gia đình đã bán cả lợn, bò, thậm chí vay nặng lãi để có tiền “chạy việc” đưa cho đối tượng Trần Thị Phượng. Sau khi nhận tiền, Phượng đều ghi một tờ giấy biên nhận với nội dung: “Tôi có nhận tiền của của ông, bà... xin cho con là .... đã tốt nghiệp ngành ... vào làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Tôi đảm bảo từ khi xin vào làm đến khi được ký vào hợp đồng, hợp đồng dài hạn hoặc vào biên chế. Nếu không làm được tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Khám xét nhà đối tượng Trần Thị Phượng
Khám xét nhà đối tượng Trần Thị Phượng

Thượng tá Đặng Văn Hoạt - Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An cho biết, với cách ghi như vậy nên Phượng nhanh chóng lừa được lòng tin của nhiều người. Bởi theo kinh nghiệm điều tra, thường trong những vụ án tương tự, đối tượng sẽ chỉ ghi là vay của ông A, bà B để làm một việc gì đó chứ không dám ghi cụ thể như vậy.

Qua tìm hiểu các nạn nhân cho biết: Sau thời gian dài hứa hẹn nhưng không xin được việc, các nạn nhân đến đòi tiền thì các đối tượng này đe dọa:  “Tốt nhất là không làm đơn tố cáo, ai làm đơn thì không xin được việc đã đành, tiền chúng tôi cũng không trả lại”.

Vì thế một số bị hại nghĩ rằng không tố cáo thì còn có cơ hội được trả lại tiền. Đến nay, khi biết tin bà Phượng bị bắt thì họ mới đến cơ quan công an trình báo.

Qua vụ án này, Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An khuyến cáo: Tất cả những người nói “chạy” được vào các cơ sở khám chữa bệnh hay những ngành nghề khác, hầu hết là những đối tượng lừa đảo. Vì thực tế hiện nay, nếu vào bất cứ cơ quan nào đều dựa trên hình thức thi tuyển. Vì vậy, những ai muốn có việc làm ở những đơn vị này nên theo dõi thông tin tuyển dụng để nộp hồ sơ vào thi tuyển, không nên nghe các đối tượng cò mồi.

Đức Dũng - Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới