Mánh lới tinh vi lừa đảo chạy việc làm

(Baonghean) - Nắm bắt nhu cầu việc làm, các đối tượng tự giới thiệu có nhiều mối quan hệ, "nổ" là cán bộ cấp cao, anh em với lãnh đạo để dụ dỗ người dân sập bẫy nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nhan nhản lừa đảo xin việc

Đang có nhu cầu tìm việc làm cho con gái, tháng 6/2015, qua một người quen, ông Trần Xuân Tùng, trú xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) biết đến Nguyễn Văn Dinh (trú xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc). Dinh khoe là có nhiều mối quen biết nên có thể xin việc cho con gái ông vừa tốt nghiệp Học viện Ngân hàng vào làm việc tại một bệnh viện tại TP. Vinh.

Như “chết đuối với được cọc”, ông Tùng điện thoại cho Dinh và được Dinh cho biết rằng, chi phí xin việc cho con ông hết 150 triệu đồng vào làm kế toán cho một bệnh viện, nếu đồng ý thì đặt cọc 50 triệu đồng. Chỉ ít ngày sau, tại nhà một người quen, ông Tùng đưa 50 triệu đồng và một bộ hồ sơ để đưa cho Dinh. Với mục đích chiếm đoạt tiền của ông Tùng nên Dinh tiếp tục lừa để lấy  thêm 100 triệu đồng từ ông Tùng. Tổng cộng, số tiền Dinh chiếm đoạt của ông Tùng là 150 triệu đồng.

Bố con ông Nguyễn Huy Chất kể về sự việc bị Nguyễn Thị Ngọc Anh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với lời hứa xin việc cho con gái.Ảnh: Nguyên Hưng
Bố con ông Nguyễn Huy Chất kể về sự việc bị Nguyễn Thị Ngọc Anh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với lời hứa xin việc cho con gái. Ảnh: Nguyên Hưng

Ông Tùng không phải là nạn nhân duy nhất bị Nguyễn Văn Dinh lừa đảo bằng những mánh khoé tinh vi. Bản thân Dinh từng làm việc trong một công ty về xuất khẩu lao động. Lợi dụng có mối quan hệ với nhiều người, Dinh nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bằng cách lập tài khoản “vieclamnghean123” và đăng tải nội dung cần tuyển lao động nhằm mục đích lừa người lao động đến xin việc làm. Sau khi lừa nhiều người, do các nạn nhân ráo riết đòi lại tiền nhưng không có khả năng trả nên Dinh bỏ trốn khỏi địa phương và chỉ ít tháng sau đã ra đầu thú. Mặc dù đã lừa nhiều người với hàng trăm triệu đồng nhưng Dinh cho rằng, nếu có cơ hội thì vẫn tiếp tục lừa người khác để có tiền tiêu xài.

“Ban đầu lập tài khoản trên mạng xã hội để lừa lấy tiền nhưng không nghĩ sự việc lại dễ dàng như vậy. Khi thấy có nhiều người đòi tiền, sợ bị viết đơn tố cáo đến cơ quan công an nên đã trả lại một số tiền cho các nạn nhân. Số tiền còn lại đã tiêu xài hết nên không có khả năng trả nữa” - Dinh khai một cách ráo hoảnh khi bị đưa ra xét xử tại tòa.

Còn ông Nguyễn Huy Chất, trú tại xã Nghi Trường (Nghi Lộc) hơn 1 năm qua đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng với mong muốn lấy lại được số tiền 150 triệu đồng bị lừa. Trong một lần lên thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc), ông Chất được nghe giới thiệu về Nguyễn Thị Ngọc Anh (phường Cửa Nam, TP. Vinh) - người có thể xin việc vào các cơ quan nhà nước. Có con mới tốt nghiệp đại học ngành Y mà chưa xin được việc, ông Chất liên lạc với Ngọc Anh và được người này cho biết là sẽ xin cho con ông Chất vào làm tại một bệnh viện tuyến tỉnh.

Các giấy tờ viết tay nhận tiền giữa ông Chất và Nguyễn Thị Ngọc Anh. Ảnh: Nguyên Hưng
Các giấy tờ viết tay nhận tiền giữa ông Chất và Nguyễn Thị Ngọc Anh. Ảnh: Nguyên Hưng

Ngày 15/7/2016, ông Chất cùng con gái đến gặp Ngọc Anh tại nhà riêng ở đường Hồ Hán Thương, phường Cửa Nam (TP. Vinh). Ngọc Anh hứa sẽ xin cho con ông Chất vào làm điều dưỡng viên tại Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An, sau 2 tuần chắc chắn sẽ có hợp đồng đi làm và 6 tháng sau sẽ được biên chế chính thức.

Do tin tưởng lời hứa hẹn trên, ông Chất đã 2 lần đưa cho Ngọc Anh tổng số tiền 150.000.000 đồng. Sau đó, biết mình bị lừa, nhiều lần đòi tiền không thành, ông Chất viết đơn tố cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh gửi cơ quan Công an về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến bây giờ, Ngọc Anh đã bị tuyên phạt 8 năm tù nhưng ông Chất vẫn chưa đòi lại được số tiền bị lừa.

Những mánh khóe tinh vi

Có thể nói, tình trạng lừa đảo bằng hình thức chạy việc vào các cơ quan Nhà nước đang có xu hướng gia tăng. Do áp lực xin việc vào các cơ quan nhà nước rất lớn nhưng chỉ tiêu tuyển dụng lại có hạn nên nhiều gia đình tìm mọi cách “chạy việc” cho con em mình. Có cầu ắt có cung, nhiều đường dây chạy việc hình thành, nhiều đối tượng tự  “nổ” rồi đi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. 

Theo cơ quan công an, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo xin việc làm không mới, nhưng vì nhu cầu việc làm, các nạn nhân mù quáng tin tưởng vào những lời hứa hẹn của các đối tượng đưa ra. Thậm chí, nhiều người còn giới thiệu thêm khiến nhiều người cùng sập bẫy. 

Để tạo niềm tin cho những người cần chạy việc, những đối tượng phạm tội cho biết mình có quan hệ rộng; có đối tượng còn “nổ” là anh em của lãnh đạo các cơ quan, là cán bộ của các đơn vị lớn để lấy lòng tin của các nạn nhân. Cùng với khả năng ăn nói lưu loát, các đối tượng còn tạo niềm tin cho người khác bằng vẻ ngoài lịch lãm, sành điệu, lối sống hào phóng. 

Nguyễn Văn Dinh tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Nguyên Hưng
Nguyễn Văn Dinh tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Nguyên Hưng

Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng khi có đơn trình báo, quá trình điều tra, xác minh cũng rất khó khăn, bởi khi trao đổi, thỏa thuận chỉ là giao dịch dân sự, đối tượng rất cảnh giác khi giao nhận tiền, chỉ ghi là vay mượn để sử dụng mục đích cá nhân, hoặc chỉ viết giấy nhận nợ để lách luật khi bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Khi bị lừa, nhiều nạn nhân không dám tố cáo đối tượng lừa đảo đến cơ quan công an vì sợ có tố cáo cũng không đòi lại được tiền. Vì thế, nhiều nạn nhân đành ngậm bồ hòn, chờ sự “ban phát” của kẻ đã lừa đảo mình.

Ông Nguyễn Huy Chất cho biết: “Khi biết mình bị lừa, tôi nhiều lần lên nhà cô Ngọc Anh để đòi lại tiền nhưng cô ấy cứ khất lần này đến lần khác. Nếu tôi tố cáo cô ấy ra cơ quan công an sớm hơn thì có thể đã lấy lại được tiền rồi. Khi tố cáo, tôi mới biết được cô Ngọc Anh còn lừa nhiều người khác để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng”. 

Trước tình trạng trên, người dân cần cảnh giác, không nên vội vàng đặt niềm tin tuyệt đối vào những đối tượng môi giới. Khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm cho thân nhân của mình, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc vẫn không xin được.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần phải thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác tuyển dụng lao động tại các cơ quan, đơn vị, tránh có những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đội ngũ công chức, đặc biệt là những người được phân công vào vị trí nhạy cảm như tuyển sinh, tuyển dụng và cán bộ tổ chức.

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng VP Luật sư Trọng Hải và Công sự: Theo điều 139 bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, các đối tượng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến tử hình nếu chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, khung hình phạt là rất cao và nghiêm khắc nhưng vì hám lợi nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp để thực hiện hành vi lừa đảo của mình”. 


Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới