Mạnh tay với quảng cáo 'thần thánh hóa' thực phẩm chức năng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An về tình trạng quảng cáo sai sự thật, “thần thánh hóa” các thực phẩm chức năng nhức nhối dư luận trong thời gian qua.

PV: Những năm gần đây rộ lên tình trạng thực phẩm chức năng được quảng cáo tràn lan, đặc biệt nhiều quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận xã hội, xin ông cho biết về tình trạng này?

Ông Phạm Ngọc Quy: Trong thời vừa qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế, các bộ, ngành và Sở Y tế Nghệ An tăng cường kiểm soát, tuy nhiên vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo các loại sản phẩm này vẫn diễn ra rất phức tạp. Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra. Ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Chưa hết, họ còn giả danh Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an, Quốc phòng... và sử dụng hình ảnh người công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh, đặc biệt là quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, còn có các vi phạm như quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Ông Phạm Ngọc Quy. Ảnh: T.H

Ông Phạm Ngọc Quy. Ảnh: T.H

P.V: Trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng, thực phẩm chức năng nói chung, thuộc về đơn vị, cơ quan nào, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Quy: Cục An toàn thực phẩm quản lý, cấp và thu hồi giấy phép đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo. UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo. Trong đó, phân công Sở Y tế tiếp nhận và thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân quảng cáo sản phẩm trên địa bàn trên trang thông tin điện tử để người dân, cơ quan thuận lợi tiếp cận thông tin. UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh và UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thanh, kiểm tra, giám sát trong hoạt động quảng cáo thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý tại địa phương (theo quy định tại Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 20/5/2021 Quy định phân công, phân cấp và phối hợp trong quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An).

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện giám sát việc quảng cáo thực phẩm theo Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các quy định chung trong lĩnh vực quảng cáo trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Để phối hợp trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin, truyền thông, năm 2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông dự thảo Quy chế phối hợp của 2 Sở và đã 2 lần gửi văn bản đề nghị ký quy chế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông.

Một đài truyền hình bị giả mạo để làm quảng cáo. Ảnh: T.H

Một đài truyền hình bị giả mạo để làm quảng cáo. Ảnh: T.H

P.V: Việc giám sát quảng cáo thực phẩm chức năng thời gian qua có những hạn chế nào không, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Quy: Công tác giám sát các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định tại các địa phương nhưng cơ quan chức năng không nắm bắt được thông tin, chưa tổ chức giám sát đúng quy định, dẫn đến tình trạng lạm dụng trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh trái quy định. Phổ biến là quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định. Giá bán các loại thực phẩm chức năng cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của sản phẩm. Nhiều loại thực phẩm chức năng đang được “thần thánh hóa”, coi như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh được quảng cáo rầm rộ trên rất nhiều kênh, trong đó, trên trang web, mạng xã hội và tổ chức giới thiệu tại cộng đồng dân cư chiếm phần lớn, nhằm lừa gạt người tiêu dùng. Việc phối hợp trong công tác giám sát hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội với Facebook, Google, Youtube còn chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, những hạn chế này đều có nguyên nhân. Đó là quy định về hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng đã được nới lỏng, không còn quy định có giấy phép hoạt động quảng cáo tại địa phương, mà chỉ cần thông báo về hoạt động quảng cáo đối với cơ quan quản lý.

Ngoài ra, nhân lực tuyến huyện, xã còn mỏng, không nắm vững các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong khi, các đơn vị quảng cáo lại đến từng xã, phường, thậm chí khối, xóm và nhà dân để quảng cáo nên công tác giám sát gặp khá nhiều khó khăn.

Người đàn ông về tận nhà văn hóa xóm để quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh: T.H

Người đàn ông về tận nhà văn hóa xóm để quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh: T.H

Nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng không nằm trong danh mục các nhóm hàng bình ổn giá, hơn nữa các đơn vị quảng cáo không có địa chỉ, địa điểm cố định, thường tổ chức quảng cáo lưu động. Việc đăng ký mở trang web rất dễ dàng, mua tên miền nước ngoài cũng rất rẻ và dễ dàng về thủ tục. Trong khi, việc quảng cáo xuyên biên giới rất khó giải quyết vì do các công ty nước ngoài, trụ sở đặt ở nước ngoài và hoạt động theo pháp luật của nước sở tại nên rất khó quản lý.

Mặt khác, các tổ chức, cá nhân thường tổ chức quảng cáo lưu động và khi có phản ánh của người dân thì họ lại tiếp tục di chuyển sang địa bàn khác để tránh công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý. Khi cơ quan quản lý tiếp cận được thông tin và liên hệ với đơn vị tổ chức quảng cáo theo văn bản thông báo đến Chi cục thì các đơn vị quảng cáo từ chối trách nhiệm, với lý do các trường hợp quảng cáo đó không phải và không nằm trong hệ thống tổ chức của họ hoặc không thể liên hệ được, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục An toàn thực phẩm đã kịp thời thông tin cảnh báo trên trang web của Cục các trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Chỉ riêng trong năm 2020 và 2021, trên trang web này đã có đến 246 bài cảnh báo.

P.V: Để hạn chế tình trạng này, theo ông cần phải làm gì?

Ông Phạm Ngọc Quy: Theo tôi thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành và các địa phương. Cụ thể, Bộ Y tế có thể kiến nghị với Chính phủ chỉnh sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Quy định chặt chẽ hơn điều kiện đối với lĩnh vực hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm chức năng, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp. Nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời có biện pháp mạnh với Facebook, Google, Youtube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Xử lý các cơ quan phát hành quảng cáo khi nội dung quảng cáo chưa được thẩm định. Bộ Công an cũng nên vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội...

Một cụ già bỏ số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng vì tin lời quảng cáo. Ảnh: T.H

Một cụ già bỏ số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng vì tin lời quảng cáo. Ảnh: T.H

P.V: Về phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, thời gian tới có những giải pháp nào chưa, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Quy: Chúng tôi đã xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cho người dân hiểu rõ công dụng thực tế của các loại thực phẩm chức năng, để tránh hiểu nhầm; phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, cho chính quyền địa phương để thực hiện tốt hơn công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp các đơn vị liên quan để kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo trên các trang mạng điện tử, mạng xã hội, truyền thanh, truyền hình, báo giấy, báo hình. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh quảng cáo, kịp thời cảnh báo cho người dân, lấy mẫu bán trên thị trường giám sát mối nguy ô nhiễm để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đảm bảo cho người tiêu dùng tránh được sản phẩm không đảm bảo an toàn.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới