Mất

MẤT

Cuối tuần xin tản mạn đôi điều về chữ mất. Chuyện rằng, tại cơ quan nọ, một buổi sáng xấu trời, nhân viên văn phòng hớt ha hớt hải chạy vào phòng thủ trưởng báo cáo ríu cả lưỡi: “Xếp ơi, anh Báu mất… mất… mất rồi”. Thủ trưởng vừa nghe hung tin, nét mặt đang tươi tỉnh bỗng chuyển màu xanh tái, đồng thời các cơ ngang cơ dọc nhũn như chiếc bánh đa nhúng nước ấm. Ông nức nở: “Trời ơi, Báu ơi. Sao lại nên nông nỗi này hả em?”. Rồi ông lập tức ra một loạt ý kiến chỉ đạo vàng ngọc: “Cậu thông báo cho các bộ phận ngừng mọi công việc, tập trung lo liệu đám tang. Giao cho công đoàn kêu gọi anh em quyên góp tương trợ gia đình đồng chí Báu khó khăn đột xuất. Phòng hành chính viết cho tôi điếu văn, kể lể thật nhiều công lao thành tích vào. Nghĩa tử nghĩa tận, miễn nêu khuyết điểm”.

Nghe thủ trưởng khẩn thiết chỉ đạo, cậu văn phòng phân bua: “Nhưng xếp ơi…”. “Không nhưng nhiếc gì hết. Yêu cầu điếu văn phải có câu: đồng chí Báu mất đi là cơ quan mất một cán bộ trung thành, tận tình, xuất sắc; gia đình mất đi một người chồng, người cha mẫu mực…”. Vị thủ trưởng tiếp tục chỉ đạo cụ thể và ráo  riết. “Nhưng xếp ơi, cho em nói tí đã”. Vị thủ trưởng gật đầu vội vàng: “Nói nhanh”. “Xếp ơi, em báo cáo anh Báu mất là mất cái xe máy, chứ anh ấy thì vẫn còn sống”. Nghe văn phòng giải thích, thủ trưởng đỏ mặt, các cơ ngang cơ dọc nổi cuồn cuộn, ông hất hàm hỏi: “Cái gì? Nó mất xe máy chứ không phải nó chết à? Trời, cái thằng Báu này sao mà sống dai thế”. Rồi xếp buông thõng một câu: “Té ra mất không hẳn có nghĩa là chết, mà chết cũng chưa chắc là đã mất”!

Mất, hiểu một cách thông dụng là không còn nữa. Nhân vật “Báu” trong câu chuyện phiếm trên có thể mất chiếc xe máy, vị thủ trưởng “đa cảm” nọ có thể mất cơ hội đọc cái điếu văn mua nước mắt rẻ tiền, và cậu văn phòng có thể mất thời gian cho những chuyện trời ơi đất hỡi. Đôi khi, chữ mất cũng được dùng để biểu thị một tiếc nuối nào đó, kiểu như “Chờ đến khi dân trí thay đổi mới cấm tài xế uống rượu thì muộn mất”, “Mấy vị ấy tiếp xúc cử tri xong là quên khuấy mất”; cũng có khi dùng để mô tả trạng thái tình cảm, kiểu như “Nhớ lời hứa bác Thăng quá đi mất”, “Thương mấy cháu bị cướp điểm quá đi mất” rồi thì “Trang Bà Tân vờ lốc vui quá đi mất”, Tôm hùm đất đáng sợ quá đi mất”… chẳng hạn.

Có một câu danh ngôn rất nổi tiếng và hay được trích dẫn: “Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, còn mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là nền tảng cốt yếu cho mọi mối quan hệ. Tuy nhiên, tiền bạc có thể lấy lại, danh dự có thể lấy lại thì lòng tin cũng có thể lấy lại nếu không mất lòng tin vào chính mình.

Cuộc sống đôi khi là sự lựa chọn giữa những mất và được. Mấy ngày nay, người ta đang thí điểm một công nghệ mới của Nhật Bản để cứu sông Tô Lịch. Một dòng sông gắn liền với lịch sử đã biến thành cái mương nước thải khổng lồ. Cái được quá cỏn con nhưng chúng ta mất đi giá trị gấp vạn lần! Giá như Hà Nội có con sông Tô Lịch nước xanh biêng biếc uốn lượn bên những dòng người Tràng An. Muốn quá đi mất, nhưng cũng xa vời quá đi mất. Một cái tặc lưỡi trong cuộc sống có thể tước đi của chúng ta một cơ hội trưởng thành. Một lần trì hoãn có thể mất hết tương lai. Câu chuyện gia đình em bé chết đuối định đưa cháu đi học bơi nhưng lưỡng lự là ví dụ đau lòng cho trì hoãn. Cái mất quá lớn còn cái được là bài học thì quá muộn mằn.

Được – mất là vậy, một “thanh củi” vào “lò”, có thể ai đó hả hê vì kẻ phạm tội cuối cùng cũng trả giá. Lòng tin của nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng, hoặc nói rộng ra là lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được hồi sinh. Nhưng nếu nói chỉ có được cũng không hẳn. Mỗi ai đó vướng vòng lao lý là một gia đình mất đi hạnh phúc, một dòng họ mất đi niềm tự hào, và quê hương mất đi một tấm gương phấn đấu. Chưa hết là tổ chức mất đi một cán bộ đã được đào tạo tôi rèn, lòng tin có thể bị tổn thương. Câu hỏi: “Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao mà còn bảo kê cho tội phạm đánh bạc qua mạng thì biết tin ai bây giờ?” là một ví dụ. Trong hành trình lấy lại lòng tin bằng phẫu thuật thì chúng ta không thể không để lại những vết sẹo dẫu chai sần. Cố gắng hạn chế cái mất nhưng cũng phải chấp nhận cái mất, đó là thông điệp không của riêng ai.

Cuộc chiến thương mại đang vào hồi thứ ba đầy gay cấn. Diễn biến phức tạp nằm ngoài dự đoán không chỉ đã đẩy cao sự âu lo của nhân dân hai cường quốc “tham chiến” mà nó đã phân tán sự rủi ro ra khắp toàn cầu. Những cơn lập lòe trồi trụt của thị trường chứng khoán mới chỉ là những dấu hiệu cảnh báo xấu xí đầu tiên. Ai được ai mất, ai thắng ai thua chắc bỏ ngỏ bởi cuộc chiến này dường như không có “trận chung kết”. Tuy nhiên, người được không thể được tất cả và kẻ mất cũng không bao giờ mất tất cả. Điều quan trọng nhất vẫn tồn tại đó là lòng tin. Người ta tin vào những nỗ lực thực lòng bên trong của cả hai phía. Người ta tin vào một thỏa thuận trên nguyên tắc win – win sẽ được ký trong nay mai. Và quan trọng là người ta tin rằng, những vị đứng đầu ấy sẽ không nhiều khờ dại đến mức đem đánh đổi sinh mệnh kinh tế quốc gia cho một cơn hiếu thắng nhất thời. Không ai đánh cược cả nền kinh tế hùng mạnh cho một canh bạc đầy rủi ro. Người trách nhiệm biết nghĩ cho kẻ khác. Người thông minh biết tìm ra các giới hạn. Tài ba của thủ lĩnh chính là năng lực đọc cái mất để hạn chế và loại trừ trong hành trình chinh phục cái được. Nếu phải mất thì mất cái gì, mất bao nhiêu, mất vào thời điểm nào phải là những toan tính ít ngu ngốc nhất trong mỗi quyết định của chúng ta.

Lòng tham và  bản tính ích kỷ thường trực đã không chỉ đè bẹp hay ăn mòn liêm sỉ mà còn làm mất đi cả sự khôn ngoan. Nhìn lại vụ cướp điểm rúng động thì biết. Làm sao một cái thị trấn tí tẹo tận rẻo cao mà lại có đến mười mấy thủ khoa đại học? Chỉ soi ngần ấy thôi cũng đủ thấy sự ngu ngốc của mấy kẻ ăn gian. “Ăn vụng mà còn chẳng biết chùi mép” là vậy. Sự ngang nhiên trong vụ “cấy điểm” ồ ạt ở mấy tỉnh phía Bắc để tạo nên một “mặt bằng học lực” hài hước như vừa qua không chỉ phản ánh mức độ suy đồi đạo đức, mà tệ hơn là trình độ nhận thức cũng như khả năng phán đoán tình hình của mấy vị “sư phạm” thật đáng báo động. Nói thật, tính toán ngu ngốc đến thế mà cầm phấn đi dạy người thì tương lai học vấn một bộ phận con em nước nhà sẽ dặt dẹo về đâu?

Nhớ lại lời vị thủ trưởng đầu câu chuyện: “Mất không hẳn có nghĩa là chết, mà chết cũng chưa chắc là đã mất”! Ai đó vừa hỏi vụ cướp điểm này Bộ chủ quản mất gì ư? Khó quá, có lẽ vẫn là mất cán bộ, vẫn là mất uy tín, vẫn là mất lòng tin, vẫn là mất danh dự! Còn nếu hỏi họ nhận được được gì ư? Xin thưa, vẫn là cái được ấy, cái được từ mười mấy năm nay – được rút kinh nghiệm! Thương cho hàng trăm thí sinh khắp mọi miền bị mất trắng cơ hội. Tiếc cho các bậc phụ huynh của những cô cậu “bị gắp điểm bỏ tay người” đã “mất mặt” khôn nguôi. Tuy nhiên, đau nhất vẫn là những thầy vướng vòng lao lý. Trước vành móng ngựa, họ không chỉ mất tiền bạc, mất danh dự hay mất lòng tin mà điều khổ tâm chính là mất danh vị người thầy, hay nói theo một số cụ nhà giáo về hưu hay tếu táo thì là bị mất… dạy!