'Mắt biển' giữa Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Những ngọn hải đăng không bao giờ tắt trên quần đảo Trường Sa giúp cho ngư dân có thể yên tâm bám biển, tàu thuyền đi đúng hướng, không mắc cạn hay vướng vào các bãi đá ngầm. Ngoài ra, đây còn là cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây. Clip: Q.A

Hiên ngang nơi đầu sóng

Trong chuyến công tác đặc biệt đến với quần đảo Trường Sa, ấn tượng với chúng tôi không chỉ là những hòn đảo xanh mát, thanh bình, là tinh thần đoàn kết, kiên cường của quân và dân trên đảo mà còn đó là những công trình đặc biệt được xây dựng trên đảo, trong đó có những ngọn hải đăng sừng sững giữa đại dương bao la. Ngọn đèn soi đường ấy giúp cho cho ngư dân vững tin vươn khơi bám biển cũng như khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Ngọn hải đăng Song Tử Tây được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quang An
Ngọn hải đăng Song Tử Tây được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quang An

Khi tiến gần đến hòn đảo Song Tử Tây, tàu phải neo đậu nhiều ngày liền ở phía ngoài do điều kiện thời tiết không cho phép lên đảo. Những ngày ấy, chúng tôi được nhìn ngắm hòn đảo từ xa. Giữa thảm xanh của cây phong ba, cây bàng vuông, cây tra… ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây nổi bật lên như một cây bút khổng lồ giữa biển trời xanh ngát.

Trụ của ngọn hải đăng được làm bằng gỗ lim, có hình xoắn ốc, đã in hằn dấu thời gian sau 30 năm hoạt động. Ảnh: Q.A
Trụ của ngọn hải đăng được làm bằng gỗ lim, có hình xoắn ốc, đã in hằn dấu thời gian sau 30 năm hoạt động. Ảnh: Q.A

Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi thấu hiểu phần nào công việc của những người gác đèn giữa biển khơi. Theo chân anh Lê Trung Kiên, nhân viên tại Trạm hải đăng Song Tử Tây, chúng tôi phải leo 6 lần xoắn ốc với những bậc thang gỗ, ước chừng 120 bậc cầu thang mới có thể tận mắt nhìn thấy được “mắt thần” giữa biển khơi. Ở độ cao 38 mét so với mực nước biển, chúng tôi có thể nhìn toàn cảnh hòn đảo Song Tử Tây xanh mát, hiền hòa. Ở độ cao như vậy, cùng với tầm phát sáng rộng, những ngư dân đánh bắt tại ngư trường có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn đèn giữa biển khơi mênh mông.

Ông Vũ Quang Cách - Trạm trưởng Trạm hải đăng Song Tử Tây, người đã có 27 năm làm việc tại các trạm hải đăng trên các đảo cho biết: Hải đăng Song Tử Tây là “anh cả” của các ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa vì được xây dựng đầu tiên vào năm 1993. Tháp đèn có chiều cao 38 mét, tâm sáng 36 mét, tầm hiệu lực phát sáng vào ban đêm khoảng 21 hải lý. Dù là ngọn đèn có tuổi đời lâu năm nhất tại Trường Sa, trải qua nhiều mưa gió, bão táp, hải đăng Song Tử Tây vẫn hiên ngang, ngày đêm soi sáng cho tàu thuyền trong khu vực.

Các nhân viên phải leo khoảng 120 bậc cầu thang mới lên được đến mắt đèn. Ảnh: Q.A
Các nhân viên phải leo khoảng 120 bậc cầu thang mới lên được đến mắt đèn. Ảnh: Q.A

Để hải đăng luôn sáng giúp tàu thuyền qua lại an toàn trên biển, những người canh gác phải làm việc liên tục, tận tụy, thay phiên nhau túc trực 24/24 tại trạm, bất kể trời mưa, trời nắng hay sóng gió bão bùng giữa mênh mông biển khơi. “Công tác bảo quản đèn cũng rất công phu, do nhiễm nước biển mặn, những ngọn hải đăng thường xuyên bị gỉ, nếu không bảo dưỡng liên tục thì đèn dễ bị chập cháy. Chúng tôi phải luôn tự bảo quản thiết bị, lau chùi đèn sạch sẽ để đèn sáng rõ, đảm bảo cho tàu thuyền có thể thấy tín hiệu cho dù họ cách xa cả chục hải lý. Ngày cuối năm 2021, đảo Song Tử Tây hứng chịu siêu bão đổ bộ, anh em phải thức trắng đêm để gia cố, bảo vệ ngọn đèn, đảm bảo đèn luôn sáng trong bất cứ hoàn cảnh nào để phục vụ ngư dân cũng như công tác cứu hộ cứu nạn”, ông Cách nhấn mạnh.

Các nhân viên Trạm hải đăng Song Tử Tây thường xuyên bảo dưỡng "mắt thần" để hoạt động hiệu quả. Ảnh: Q.A
Các nhân viên Trạm hải đăng Song Tử Tây thường xuyên bảo dưỡng "mắt thần" để hoạt động hiệu quả. Ảnh: Q.A
Âu tàu Song Tử Tây nhìn từ ngọn hải đăng. Ảnh: Q.A
Âu tàu Song Tử Tây nhìn từ ngọn hải đăng. Ảnh: Q.A

Khác với hải đăng trên đảo Song Tử Tây, ngọn hải đăng trên đảo Sinh Tồn có kích thước, kiểu dáng khác biệt, không in hằn nhiều vết thời gian và giông gió Trường Sa như hải đăng Song Tử Tây. Ngọn hải đăng này được xây dựng năm 2012, có chiều cao khoảng 25 mét, tầm phát sáng vào ban ngày khoảng 15 hải lý, ban đêm 20 hải lý. Hải đăng đảo Sinh Tồn nằm sau âu tàu rộng lớn, xanh mát màu của biển trời quê hương. Tháp đèn hình vuông, sơn màu vàng, chiều rộng trung bình hơn 4 mét.

Ông Trần Văn Ngữ - Trạm trưởng trạm hải đăng Sinh Tồn cho biết: Công tác tại trạm hải đăng gồm 7 anh em. Hàng ngày, anh em thay phiên nhau túc trực, bảo dưỡng ngọn đèn luôn hoạt động 24/24 cũng như thông tin về đất liền các hoạt động của tàu thuyền trong khu vực, sự thay đổi của thời tiết trên biển để trung tâm ở đất liền nắm và có dự báo, cảnh báo kịp thời cho tàu thuyền qua lại khu vực.

Hàng ngày, ngoài việc bảo dưỡng đèn, các nhân viên thay nhau kiểm tra tổ hợp điện, kiểm tra ắc quy và nạp điện vào bình ắc quy để đảm bảo cho đèn sáng trong mọi điều kiện thời tiết. Ngày mưa gió không có nắng, điện năng lượng mặt trời không tích được, phải nổ máy phát để bù năng lượng cho đèn hoạt động. Cứ thế, dù ngày hay đêm, trời hiền hòa hay giông bão, hải đăng Sinh Tồn vẫn hoạt động bền bỉ để song hành cùng ngư dân trên vùng biển.

Ngọn hải đăng tại đảo Sinh Tồn được xây dựng năm 2012. Ảnh: Q.A
Ngọn hải đăng tại đảo Sinh Tồn được xây dựng năm 2012. Ảnh: Q.A

Hiện nay, ở quần đảo Trường Sa có 9 trạm hải đăng được xây dựng trên các đảo: Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây. Vượt qua nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng gió mưa giông, những ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa vẫn hiên ngang, sừng sững khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Niềm tin giữa trùng khơi

Từ bao đời nay, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản trên ngư trường Trường Sa luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là vào mùa biển động hay những ngày có mưa bão. Vào những thời khắc khó như vậy, những ngọn hải đăng như là ngọn đường chỉ lối giữa biển khơi mênh mông, nhìn thấy hải đăng trên biển, các ngư dân có thêm niềm tin vượt qua sóng gió.

Tàu thuyền vào âu tàu đảo Sinh Tồn dễ dàng theo vị trí của ngọn hải đăng. Ảnh: Q.A
Tàu thuyền vào âu tàu đảo Sinh Tồn dễ dàng theo vị trí của ngọn hải đăng. Ảnh: Q.A

Ngư dân Trần Hữu, TX. Hoài Nhơn, Bình Định chia sẻ: Đầu tháng 12/2022 vừa qua, trong khi đang đánh bắt ngoài ngư trường thì có 1 thuyền viên trên tàu bị tai biến, trong khi vị trí đánh bắt cách xa đất liền hàng trăm hải lý, cộng với gió to, sóng lớn trong đêm, việc trở về đất liền là bất khả thi. Thời điểm đó, chúng tôi nhìn thấy ngọn hải đăng Sinh Tồn rực sáng trong đêm, đó là tia hy vọng duy nhất, anh em thuyền viên vừa phát tín hiệu, vừa di chuyển tàu về hướng ngọn hải đăng. May mắn là khi đặt chân lên đảo, được các bác sỹ tại bệnh xá sơ cứu kịp thời nên đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nhờ ngọn hải đăng chỉ lối, các ngư dân gặp nạn trên biển đều lên đảo nhanh chóng, được cứu chữa kịp thời. Ảnh: Q.A
Nhờ ngọn hải đăng chỉ lối, các ngư dân gặp nạn trên biển đều lên đảo nhanh chóng, được cứu chữa kịp thời. Ảnh: Q.A

Ngư dân Ngô Trí Đông, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhớ lại: Năm 2019, tôi là một trong số ít các ngư dân tại địa phương khai thác hải sản tại vùng biển Trường Sa. Đây là ngư trường có khoảng cách rất xa quê hương với thời tiết và điều kiện khai thác vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các ngọn hải đăng giữa biển khơi, chúng tôi có thêm niềm tin vì đó là vị trí của các hòn đảo của dân tộc, là "ngôi nhà" luôn chào đón ngư dân Việt Nam khi gặp bất cứ khó khăn gì.

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây cho biết: Những năm qua, ngọn hải đăng trên đảo đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các tàu trên biển đảm bảo an toàn, góp phần hiện đại hóa giao thông đường biển và khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ngoài ra còn tích cực giúp cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời.

Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với các nhân viên Trạm hải đăng Song Tử Tây. Ảnh: Q.A

Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với các nhân viên Trạm hải đăng Song Tử Tây. Ảnh: Q.A

Tại quần đảo Trường Sa hàng chục năm qua, những ngọn hải đăng ngày đêm cần mẫn tỏa ánh sáng hỗ trợ, định hướng cho tàu thuyền qua lại trong khu vực. Những ngọn đèn ấy không chỉ là “mắt thần” soi sáng cho tàu thuyền trong đêm tối giữa đại dương bao la mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Những ngọn đèn ấy không bao giờ tắt, bởi nó được thắp sáng, vun đắp từ tình yêu Tổ quốc vô tận của những người gác đèn, của quân và dân trên các hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc./.

Tin mới