Máu xương anh đã hòa vào sóng nước Biển Đông

Máu xương anh đã hòa vào sóng nước Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Giữa mênh mông sóng nước Biển Đông, nơi muôn ngàn lớp sóng đang vỗ về phía Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma xa xa. Chúng tôi nghiêm mình hát vang khúc Tiến quân ca để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại sự kiện Gạc Ma cách đây đúng 35 năm.

Bản hùng ca bất tử

Trong chuyến thăm, tặng quà, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa cùng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân xuyên suốt từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, khi đặt chân lên các đảo lớn Song Tử Tây, Sinh Tồn, ghé thăm 2 ngôi chùa linh thiêng có danh sách 64 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma được khắc lên 2 tấm bia ở đây. Đồng nghiệp của tôi là Ngô Quang An khi đọc đến tên của liệt sĩ thứ 6 “Phan Huy Sơn, sinh năm 1963, hy sinh ngày 14/3/1988, quê quán Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An” đã nghẹn ngào thốt lên “Anh ơi, bác Phan Huy Sơn là người cùng làng với em”. Giây phút “gặp gỡ” đầy xúc động này cũng đã khiến tôi thổn thức.

P.V Ngô Quang An bên tấm bia tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: Tiến Đông

P.V Ngô Quang An bên tấm bia tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: Tiến Đông

Lần giở lại lịch sử, vào đầu năm 1988, trong chiến dịch giữ đảo, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, các đơn vị vận tải Hải quân được lệnh vận chuyển khí tài ra xây dựng Trường Sa. Ngày 14/3/1988 tại 3 đảo đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Trong lúc các lực lượng công binh Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đang tiến hành tiếp cận xây dựng đảo đã bị các tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng của quân đội Trung Quốc bắn cháy và bắn chìm 3 tàu vận tải HQ604, HQ605 và HQ505. Cuộc chiến không cân sức đã khiến 64 chiến sĩ hải quân nước ta hy sinh và nhiều chiến sĩ khác bị thương.

Trước cuộc chiến đấu không cân sức, các chiến sĩ hải quân đã anh dũng, kiên cường quyết tâm giữ được đảo Len Đao, Cô Lin. Dù đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép 35 năm nay, nhưng hình ảnh các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, đã trở thành "vòng tròn bất tử" mãi được khắc ghi vào sử sách, trở thành bản hùng ca còn vang vọng mãi trong hàng triệu trái tim người con đất Việt.

Những cánh hoa tươi được thả xuống vùng biển Gạc Ma để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Quang An

Những cánh hoa tươi được thả xuống vùng biển Gạc Ma để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Quang An

Câu nói “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” của Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy cũng đã trở thành lời hiệu triệu, thúc giục biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nắm chắc tay súng, bảo vệ từng tấc đất, biển, đảo của quê hương.

Sự kiện lịch sử Gạc Ma đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tấm bia Phương danh 64 anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Ảnh: Quang An

Tấm bia Phương danh 64 anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Ảnh: Quang An

Trong tấm bia Phương danh anh linh 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma được đặt tại chùa Song Tử Tây và chùa Sinh Tồn, ngoài liệt sĩ Phan Huy Sơn còn có 6 liệt sĩ khác quê quán tại Nghệ An. Đó là liệt sĩ Lê Bá Giang quê quán phường Hưng Dũng (TP.Vinh), liệt sĩ Phạm Văn Dương quê quán xã Nam Kim (Nam Đàn), liệt sĩ Hồ Văn Nuôi quê quán xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), liệt sĩ Cao Đình Lương quê quán xã Trung Thành (Yên Thành), liệt sĩ Trần Văn Minh quê quán xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) và liệt sĩ Nguyễn Tất Nam quê quán xã Thượng Sơn (Đô Lương).

Nghiêm trang làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh vì biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: Tiến Đông

Nghiêm trang làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh vì biển đảo của Tổ quốc. Ảnh: Tiến Đông

Bước tiếp truyền thống

Cũng trong chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi tình cờ được gặp gỡ Đại úy Đàm Minh Ánh, quê tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu trên con tàu 490 ra nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây. Khi nhắc về liệt sĩ Phan Huy Sơn - người con Diễn Nguyên đã anh dũng hy sinh trong sự kiện Gạc Ma 35 năm về trước, Đại úy Đàm Minh Ánh không giấu nổi sự xúc động: Nhà tôi cách nhà liệt sĩ Phan Huy Sơn chỉ khoảng 2 km, nên câu chuyện của liệt sĩ Phan Huy Sơn tôi đã được nghe và trực tiếp được gặp các thành viên trong gia đình.

Ngày ấy, tôi cũng vừa tròn 18 tuổi, nghe thông tin về người con của quê hương ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì trong lòng cũng đã dâng lên cảm xúc tự hào. Nhưng không ngờ hôm nay lại được bước tiếp trên con đường ấy, cùng ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa thân yêu.

Đại úy Đàm Minh Ánh - công tác tại đảo Song Tử Tây
Giây phút xúc động khi vòng hoa tươi được thả xuống vùng biển Gạc Ma. Ảnh: Tiến Đông

Giây phút xúc động khi vòng hoa tươi được thả xuống vùng biển Gạc Ma. Ảnh: Tiến Đông

“Là người lính đảo gần 30 năm nay, tôi đã trải qua và thấu hiểu được sự vất vả, gian nan trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Sự hy sinh của liệt sĩ Phan Huy Sơn cũng như 63 đồng chí trong sự kiện Gạc Ma đã khiến những lớp lính đảo sau này như chúng tôi càng thêm trân quý, đồng thời, cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu, quyết tâm đem xương máu của mình để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…” – Đại úy Đàm Minh Ánh quyết tâm.

Gặp Trung úy Ngô Quang Đạt, quê quán tại xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) trên đảo Sinh Tồn vừa mới ra đây công tác. Đạt còn rất trẻ, sinh năm 1998, sau khi tốt nghiệp Học viện Lục quân vào năm 2020, tháng 7/2022, Đạt lên đường ra công tác tại đảo Sinh Tồn. Đạt bảo, em ra đời sau sự kiện Gạc Ma tròn 10 năm. Khi nghe các thế hệ đi trước kể lại và đọc trong lịch sử của Quân chủng Hải quân, bản thân em cũng chưa hiểu hết được những hy sinh mất mát mà các thế hệ cha, anh đã trải qua.

Khi ra đến đảo, cảm nhận không gian xa cách, nhìn tấm bia Phương danh 64 anh hùng, liệt sĩ trong chùa Sinh Tồn, dù không cùng ngày, tháng, năm sinh nhưng ngày hy sinh thì chỉ một con số 14/3 khiến em càng dâng lên niềm tự hào khi được bước tiếp trên con đường vẻ vang bảo vệ biển, đảo quê hương.

P.V Báo Nghệ An trò chuyện với Trung úy Ngô Quang Đạt bên tấm bia Phương danh 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma, hiện đang được đặt trong chùa trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Quang An

P.V Báo Nghệ An trò chuyện với Trung úy Ngô Quang Đạt bên tấm bia Phương danh 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma, hiện đang được đặt trong chùa trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Quang An

Trở về đất liền, tôi đem câu chuyện được gặp Đạt cho bố em – anh Ngô Thái Dương nghe, anh Dương đã không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào. Bởi từ ngày con lên đường ra Trường Sa công tác, vì nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó, vì khoảng cách địa lý và điều kiện thông tin liên lạc không cho phép, anh Dương ít khi được trò chuyện cùng con, chứ đừng nói là được thấy con rắn rỏi hơn trong bộ quân phục Hải quân sau khi đã nhuộm nắng gió Trường Sa.

Đạt là con trai đầu trong gia đình, sau còn có 2 em. Anh Dương trước đây cũng làm nghề đi biển, sau nhiều năm vất vả, lăn lộn với sóng gió, anh chuyển sang công việc lái xe. Trong những câu chuyện với con trai anh luôn động viên Đạt cố gắng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, dù khoảng cách từ quê nhà đến Trường Sa là rất xa xôi.

Các chiến sĩ trẻ hoàn thành nhiệm vụ ở Sinh Tồn, nghiêm trang chào tạm biệt anh linh 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma để trở về đất liền. Ảnh: Tiến Đông

Các chiến sĩ trẻ hoàn thành nhiệm vụ ở Sinh Tồn, nghiêm trang chào tạm biệt anh linh 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma để trở về đất liền. Ảnh: Tiến Đông

Trường Sa nhuộm máu xương anh

Tìm đến ngôi nhà tình nghĩa của gia đình liệt sĩ Phan Huy Sơn tại xã Diễn Nguyên (Diễn Châu), một căn nhà nhỏ có ngõ sâu hun hút. Bà Trần Thị Ninh, người vợ thân yêu của liệt sĩ Phan Huy Sơn hơi bất ngờ khi có người lạ đến thăm. Sau khi biết chúng tôi vừa trở về từ Trường Sa, bà vội vàng tháo chiếc xích xe đạp quấn quanh 2 vòng làm khóa rồi phân trần - “Nhà chỉ có 2 mẹ con nhưng phải khóa cửa chắc chắn thế này kẻo anh Hà đôi khi không làm chủ được là trốn đi mất, phải đi kiếm vất vả lắm…”.

Chúng tôi ghé thăm nhà liệt sĩ Phan Huy Sơn sau chuyến đi Trường Sa trở về. Ảnh: Tiến Đông

Chúng tôi ghé thăm nhà liệt sĩ Phan Huy Sơn sau chuyến đi Trường Sa trở về. Ảnh: Tiến Đông

Anh Hà là tên người con trai đầu lòng của liệt sĩ Phan Huy Sơn, do bị thiểu năng trí tuệ nên không được bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Bà Ninh cũng phải từ bỏ hết công việc đồng áng để ở nhà trông con. Có lần bà đi làm đồng về khi đã tối muộn không thấy con đâu, cửa cổng thì mở toang, bà hớt hải đi tìm thì thấy con đang ngồi thu lu một góc bên gốc đa đầu làng. Từ đó, mỗi khi có việc ra ngoài, bà lại phải khóa cửa nhiều lớp vì sợ con đi lạc.

Nhớ về người chồng hy sinh ở Gạc Ma, bà Ninh không giấu được xúc động. Lật dở những hồ sơ về liệt sĩ Phan Huy Sơn được gói cất cẩn thận, bà Ninh bảo, “hai vợ chồng tôi cùng tuổi, sau khi học xong cấp 3, cuối năm 1981 thì cưới nhau. Được 4 tháng thì ông lên đường nhập ngũ và được cử đi học y sĩ. Năm 1984, đứa con trai đầu lòng ra đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ khiến vợ chồng như đứt từng khúc ruột".

Sau khi học xong, liệt sĩ Phan Huy Sơn được điều ra công tác tại đảo Song Tử Tây. Được 2 năm thì đơn vị cho về phép 4 tháng. Thế nhưng, khi còn 15 ngày nữa mới hết phép thì đơn vị điện ra bảo phải vào gấp để đi tăng cường cho đảo. Thế là ông lại tạm biệt vợ con lên đường. Trong những ngày ông về phép, người con gái thứ hai Phan Thu Trang cũng được hoài thai.

Trong 35 năm qua, không lúc nào bà Trần Thị Ninh nguôi nhớ về người chồng Phan Huy Sơn đã anh dũng hy sinh tại hòn đảo Gạc Ma. Anh Quang An
Trong 35 năm qua, không lúc nào bà Trần Thị Ninh nguôi nhớ về người chồng Phan Huy Sơn đã anh dũng hy sinh tại hòn đảo Gạc Ma. Anh Quang An

Ông ấy đi ngày 16, đến 27 tháng Giêng thì hy sinh. Ngày đó tôi đang đi làm ngoài ruộng thì có người chạy ra báo rằng, nghe trên loa có 64 người hy sinh tại Gạc Ma. Tôi sững người khi đó là hải trình mà ông Sơn mới lên tàu hôm trước. Lúc ấy cả trời đất như sụp xuống...

Bà Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn

Giờ đây khi vết thương lòng dần nguôi ngoai, người con gái cũng đã đi lấy chồng, trong ngôi nhà tình nghĩa được đơn vị cũ của chồng xây tặng, bà Ninh vẫn miệt mài chăm sóc chu đáo cho con trai đầu để không phụ công lao của chồng. Mỗi năm, cứ đến ngày liệt sĩ Phan Huy Sơn hy sinh, bà lại ra nghĩa trang liệt sĩ của xã, ngồi bên chiếc mộ gió, cầu cho anh linh của chồng phù hộ độ trì cho mẹ con được bình an.

Chia tay chúng tôi, bà Ninh vẫn đau đáu một ước nguyện rằng, sẽ có ngày tìm được hài cốt của chồng để đưa về quê hương an táng. Vậy nhưng, sau chuyến đi từ Trường Sa trở về, được tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại sự kiện Gạc Ma năm 1988 vô cùng thiêng liêng, xúc động. Chúng tôi hiểu rằng, máu xương các anh đã hòa vào dòng nước Biển Đông…

Tin mới