Máy móc 100 tỷ, doanh nghiệp khai lên 200 tỷ khi nhập về

Cơ quan thuế đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về tài chính, kinh doanh của 12.000 doanh nghiệp FDI, nhưng không dễ dàng xác định doanh nghiệp chuyển giá, dù trong vòng nghi vấn.

Trong 5 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính được giao nhưng chưa hoàn thành được Tổ công tác của Thủ tướng nhắc tới trong buổi làm việc sáng 26/8, việc soạn thảo, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng so với hạn chót 30/6.

Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, đại diện Bộ Tài chính cho biết, do tính chất phức tạp của nội dung liên quan tới vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên Bộ Tài chính đã xin lùi thời hạn trình dự thảo lên Chính phủ đến hết tháng 11. 

Nhắc đến vấn đề chuyển giá, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ đây là công việc cực kỳ phức tạp, khi "chiêu trò" để gian lận rất tinh vi. Doanh nghiệp chuyển giá không chỉ trong khâu sản xuất mà ngay từ khâu đầu tư, nhập thiết bị.

nhap-may-moc-100-ty-doanh-nghiep-khai-len-200-ty-de-chuyen-gia

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, việc đấu tranh và xác định doanh nghiệp chuyển giá cực kỳ khó khăn. Ảnh: Nhật Bắc

Ông dẫn chứng, thiết bị nhập vào giá có 100 tỷ đồng, doanh nghiệp khai lên 200 tỷ, rồi sau hạch toán khấu hao hết 200 tỷ đồng đó để chuyển giá. Rồi trong quá trình sản xuất kinh doanh thì nâng giá đầu vào, hạ giá đầu ra, mua vào đắt nhưng bán ra rẻ... cũng là chuyển giá. 

"Chống chuyển giá ngoài trách nhiệm của ngành tài chính, còn có trách nhiệm của ngành khác, như kế hoạch và đầu tư, bởi nó liên quan tới cấp phép đầu tư", Bộ trưởng Tài chính nói.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay hiện Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về tài chính, kinh doanh của 12.000 doanh nghiệp FDI chia theo ngành nghề. Song, thực tế việc chống chuyển giá nhất là tại những doanh nghiệp sản xuất có nhập linh kiện từ nước ngoài, nếu nhập từ các quốc gia G7 thì rất dễ dàng, nhưng nếu nhập từ những quốc gia khác như Trung Quốc (chẳng hạn trường hợp Formosa) thì rất khó phối hợp.

Hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá ngày càng phức tạp. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 12/2015, cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra 2.421 doanh nghiệp có dấu hiệu và giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng, truy hoàn và phạt trên 500 tỷ đồng. Hơn 1.600 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, dấu hiệu trốn thuế, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế... cũng được Bộ Tài chính chuyển sang cơ quan điều tra.

Một ví dụ điển hình trong truy thu thuế, chống chuyển giá là trường hợp của Metro Việt Nam. Hồi tháng 4/2015, sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam nhưng luôn báo lỗ, "ông lớn" Metro đã bị cơ quan thuế đã truy thu hơn 507 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có tiền giảm lỗ, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... 

Cũng tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ đánh giá, chống chuyển giá trốn thuế là nội dung rất phức tạp, do các quy định pháp luật từ trước đến nay trong lĩnh vực này đều là không hiệu quả.

“Ở Mỹ, để xác định một trường hợp chuyển giá, các luật sư phải nghiên cứu, theo dõi tới 7 năm trời và tốn kém. Trong khi, để xây dựng, soạn thảo Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, thời gian giao cho Bộ Tài chính rất ngắn, chỉ 7 tháng, nên cũng cần thận trọng và rà soát kỹ. Phải cố gắng làm cho kịp thời hạn, nhưng tôi cho là nhiệm vụ khó khăn”, vị này cho hay.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tiếp lời, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói vui: “Nếu làm được thì người Mỹ có lẽ phải sang học”. Góp ý về cách xử lý tình huống khi "nghi" doanh nghiệp chuyển giá, Tổ trưởng Tổ công tác kể về thời kỳ ông còn làm lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Năm 2010, dù nhận ưu đãi lớn về thuế, đất... nhưng Công ty Sony của Nhật Bản vẫn báo lỗ gần 100 tỷ đồng. Lúc đó ông đã yêu cầu gặp vị Giám đốc công ty này và cương quyết, nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả cần trả lại đất để người dân canh tác. Ngay năm sau công ty báo lãi. 

Kể lại kinh nghiệm, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, thất thoát thuế liên quan tới chuyển giá ngày càng lớn nên vẫn cần biện pháp mạnh để chống thất thu thuế. Ông yêu cầu Bộ Tài chính giữ lời hứa ban hành dự thảo Nghị định trước 30/11, do cơ quan này đã xin lùi 3 tháng so với quy định.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết cơ quan này sẽ hoàn thành dự thảo Nghị định theo cam kết với Chính phủ. "Do tính chất phức tạp của vấn đề, nghị định chỉ có thể đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc, còn quan trọng là quá trình điều hành", Bộ trưởng Tài chính nói.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 25/8, cơ quan này được giao 170 nhiệm vụ, đã hoàn thành 95 nhiệm vụ, trong đó có 61 nhiệm vụ đúng hạn và 34 quá hạn. Bộ còn 75 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn 70 nhiệm vụ, quá hạn 5 nhiệm vụ). Nhìn nhận những đầu việc Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là những vấn đề vĩ mô, khó... song Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu cơ quan này "không chờ đến hạn mới trả bài".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới