Mẹ bệnh nặng rơi nước mắt nhìn con ngồi xe lăn khao khát đến trường ​

(Baonghean.vn) - Con trai bị tai nạn liệt nửa người đã hơn 10 năm, mẹ bị mổ nhiều lần khiến việc học của con có nguy cơ dang dở. Hai mẹ con nằm trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, nhìn nhau cùng rơi nước mắt.

Mẹ đơn thân 3 lần lên bàn mổ

Sống trong một căn phòng trọ chừng hơn chục mét vuông tại khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện biên giới xa nhất huyện Kỳ Sơn, mẹ con bà Lê Thị Đương chưa có ngày nào được vui vẻ, thảnh thơi.

Sáng 12/10, sau khi lên bàn mổ bàng quang ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh về được 5 ngày, bà Đương vẫn chưa thể đi lại bình thường. Bà cho biết, trước đây bà đã từng trải qua 2 lần phẫu thuật do vết thương từ một lần bị ngã khi đi đò. Hồi đó, khi còn nhỏ, bà sống ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, quãng đường từ nhà đến trường phải đi đò qua sông. Một lần, do trượt ngã, lưng bà đập vào mạn thuyền, bị chấn thương cột sống nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên không được chữa trị kịp thời.

Mãi đến gần 10 năm sau, khi các cơn đau lưng ngày càng dữ dội thì bà mới đi bệnh viện khám, và bác sĩ kết luận bị chấn thương cột sống, ảnh hưởng đến đĩa đệm phải mổ gấp. Sau đó, chỉ được vài năm cột sống của bà lại trở nặng, bị sưng đĩa đệm phải mổ lần thứ hai.

Bà Đương trải qua 3 lần phẫu thuật, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: C.T.V
Bà Đương trải qua 3 lần phẫu thuật, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: C.T.V

Qua lần phẫu thuật ấy, sức khỏe bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không làm được việc nặng, chỉ có thể buôn bán nhỏ. Gia đình bà Đương có 5 anh chị em, nhưng 1 người đã mất, các anh, chị em còn lại đều nghèo khó, vất vả. Tuổi thanh xuân của bà với những chuỗi ngày dài bệnh tật dần trôi. Bà đành ở vậy rồi bôn ba khắp nơi kiếm kế sinh nhai và cuối cùng định cư tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Đến năm 39 tuổi, bà quyết định sinh 1 đứa con để cậy nhờ lúc xế chiều. Bà sinh cậu con trai Trần Anh Đức trong niềm vui và mơ ước một mái ấm mẹ con nương tựa nhau. Hai mẹ con bà thuê một căn phòng nhỏ ở thị trấn Mường Xén, mở quầy tạp hóa nhỏ kiếm sống qua ngày.

Con trai bị liệt nửa người khao khát được đến trường

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm 2011, khi cháu Anh Đức - con trai bà Đương được 5 tuổi thì tai họa lại ập xuống. Lúc đang chơi bên đường thì Đức bị một chiếc xe tông vào người làm em bay xuống mương cạnh đường bất tỉnh. Lái xe gây tai nạn xong đã bỏ trốn.

Bà Đương đã cđưa con trai Anh Đức đi chữa trị nhiều nơi nhưng em vẫn bị liệt nửa người. Ảnh tư liệu Đào Thọ
Bà Đương đã đưa con trai Anh Đức đi chữa trị nhiều nơi nhưng em vẫn bị liệt nửa người. Ảnh tư liệu Đào Thọ

“Sau vụ tai nạn, tôi đã đưa con đi chạy chữa khắp nơi, bán hết những thứ giá trị tích cóp được mà con vẫn không khỏi. Cháu bị đứt dây thần kinh ở đốt sống gần ngực, nửa người từ ngực xuống bị liệt, không còn cảm giác. Mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân đều một tay mẹ chăm sóc từ đó đến nay. Năm nay Đức đã học lớp 10” - bà Đương buồn rầu chia sẻ. 

Vì gắn với chiếc xe lăn nhiều năm liền nên một bên hông của con bị hoại tử, phải thường xuyên đắp thuốc, thay băng mỗi ngày 2- 3 lần.

Thêm nữa, ngày 27/9/2021 vừa qua, sau lần đi khám cột sống, bệnh viện thông báo bà có khối u ở bàng quang và chỉ định mổ gấp. Từ đó đến nay, đã gần 2 tuần sau ca mổ lần thứ ba trong cuộc đời, do sức khỏe quá yếu, lại vừa trải qua phẫu thuật nên bà Đương vẫn chưa đi lại được. Mọi sinh hoạt của cả hai mẹ con đều phải nhờ cô em gái từ quê Đô Lương lên hỗ trợ.

“Bây giờ tôi cũng ngồi một chỗ, không biết sau này ai sẽ lo cho con tôi đây. Em gái tôi cũng chỉ có thể giúp đỡ mẹ con tôi một thời gian, không thể ở cả đời. Thấy mẹ ốm nằm một chỗ, nó sợ không được đi học nữa nên cứ khóc rồi xin mẹ nhất định cho con tiếp tục được đi học” - bà Đương nghẹn ngào nói. Bà lo sợ rằng không đi lại được sẽ không thể bán hàng để kiếm tiền nuôi con.

Từ khi còn học cấp 1, dù bị liệt nửa người nhưng cậu bé Anh Đức vẫn luôn khao khát học tập và hàng năm đều đạt học sinh tiên tiến trở lên. Ảnh tư liệu Đào Thọ
Từ khi còn học cấp 1, dù bị liệt nửa người nhưng cậu bé Anh Đức vẫn luôn khao khát học tập và hàng năm đều đạt học sinh tiên tiến trở lên. Ảnh tư liệu Đào Thọ

Nói về đứa con trai bé nhỏ của mình, bà Đương sụt sùi trong nước mắt: Con tôi từ nhỏ đã thiếu vắng bóng cha, chẳng được mấy tuổi đầu đã phải ngồi xe lăn. Nhiều lần tôi định đưa con về quê nương tựa người thân, nhưng rồi các chị em ai cũng nghèo khó, mẹ già đã 86 tuổi, tôi lại sợ thành gánh nặng cho họ. Không chỉ bản thân sức khỏe yếu, mà con tôi mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người chăm sóc, từ việc ăn uống đến vệ sinh. Ở Mường Xén, bà thuê nhà gần cổng trường để tiện cho việc con trai đi học. Chỉ cần đi qua đường không xa là con đã đến trường.

Suốt những năm học cấp 1, rồi cấp 2, bây giờ bước vào lớp 10 Trường THPT thị trấn Mường Xén, cậu học trò Anh Đức luôn được các bạn và thầy, cô, nhà trường quan tâm, giúp đỡ. Việc đưa đón, đẩy xe cho Anh Đức đến trường hầu hết đều nhờ bạn bè của Đức. Sau này có nhà tài trợ tặng Đức chiếc xe lăn điều khiển bằng điện thì Đức có thể tự đi học. Hai mẹ con cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bà con xóm giềng. Sau khi bà Đương phẫu thuật lần thứ ba, các nhà hảo tâm, mà chủ yếu là người dân ở Thị trấn Mường Xén đã kêu gọi, góp mỗi người một ít giúp đỡ mẹ con bà Đương đỡ phần nào.

Theo anh Lô Khánh Khang - thành viên Câu lạc bộ Thiện nguyện Kỳ Sơn, đến chiều ngày 12/10, các mạnh thường quân, những người có tấm lòng nhân ái đã góp được 30 triệu đồng giúp đỡ mẹ con bà Đương.

Năm 2021 con trai bà Đương học lớp 10. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ bàn tay mẹ chăm sóc. Ảnh: C.T.V
Năm 2021, con trai bà Đương học lớp 10. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ bàn tay mẹ chăm sóc. Ảnh: C.T.V

"Hai mẹ con chủ yếu sống dựa vào tiền trợ cấp người khuyết tật của con, mỗi tháng gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, hàng ngày tôi bán hàng tạp hóa cũng chỉ đủ cơm ăn, trả tiền thuê nhà 2,7 triệu đồng/tháng, rồi còn tiền thuốc thang nhiều lúc phải vay mượn. Năm ngoái, con tôi thi đậu thủ khoa đầu vào của trường cấp 3 thị trấn, được các thầy, cô, bạn bè quan tâm nhiều lắm. Và cháu lúc nào cũng khao khát được học. Nhưng không biết rồi đây tôi còn có thể lo cho con được đi học nữa hay không, khi mà bản thân mình cũng ngồi một chỗ” - nói rồi, bà Đương lại rấm rứt khóc./.

Tin mới